Khẳng định vai trò chủ công trên mặt trận chống buôn lậu

Những ngày này, hòa trong không khí toàn Ngành đang thi đua lập thành tích chào mừng 74 năm thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2019), niềm vui của mỗi CBCC Cục Điều tra chống buôn lậu như nhân đôi khi đây cũng là dịp kỷ niệm 35 năm thành lập đơn vị (1984-2019). Đáng mừng hơn khi trước các sự kiện quan trọng, tập thể CBCC của Cục đã nỗ lực lập được nhiều chiến công, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của ngành Hải quan trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tang vật thu được từ chuyên án SD313. Ảnh tư liệu.

Dấu ấn qua những chuyên án “khủng”

Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu chia sẻ, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của Hải quan Việt Nam cũng như ở hải quan các nước, công tác chống buôn lậu luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Chính vì vậy, với vai trò là đơn vị chủ công, những năm qua, Cục Điều tra chống buôn lậu không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ CBCC, tập trung đấu tranh trực tiếp, đánh sập, triệt tiêu tận gốc, bóc gỡ các đường dây ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, kịp thời kiểm soát các hiện tượng nóng, nổi cộm, nhất là trong khoảng 10 năm gần đây.

Nhìn lại kết quả đấu tranh từ năm 2009 đến nay, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng cho biết: Toàn Cục đã triển khai hơn 160 kế hoạch, chuyên đề, chuyên án đấu tranh trên phạm vi toàn quốc, đánh sập nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu quy mô lớn.

Có thể kể đến như: Chuyên án XD-612 (năm 2012) bắt giữ 4 tàu có hành vi mua bán trái phép 1.830,567 m3 xăng A92 tạm nhập tái xuất trên vùng biển Thanh Hóa giáp ranh Nam Định, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 43 tỷ đồng. Thành tích này đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Hải đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung- Hải đội 2.

Cũng liên quan đến buôn lậu xăng dầu, trong năm 2012, Cục Điều tra chống buôn lậu đã thực hiện thành công Chuyên án XHK09, đấu tranh với hành vi lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất để buôn lậu 422.000 lít xăng Mogas 92 có trị giá gần 9 tỷ đồng tại Công ty TNHH Một thành viên xăng dầu Hàng không Việt Nam (VINAPCO). Việc đấu tranh thành công chuyên án góp phần ổn định giá cả mặt hàng xăng dầu trong nước, đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi cơ chế quản lý đối với mặt hàng chiến lược này.

Năm 2013, thực hiện Chuyên án SĐ313, tại khu neo Nhà Bè (TP HCM), Hải đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam- Hải đội 3, tổ chức khám xét tàu Thái Bình 27 thuộc Công ty CP vận tải và thương mại Long Hải (trụ sở tại Hải Phòng), do ông Lê Mạnh Hùng làm thuyền trưởng có hành vi vận chuyển vũ khí trái phép.

Lực lượng Hải quan bắt giữ 104 khẩu súng hơi, 105 chiếc ống giảm thanh, 3 chiếc ống ngắm, 11 hộp đạn súng hơi loại lớn, 4 hộp đạn súng hơi loại nhỏ với tổng 6.219 viên đạn…

Gần đây, khi tình trạng vi phạm về nhập khẩu phế liệu nổi lên, Cục Điều tra chống buôn lậu đã xác lập Chuyên án VT18 (năm 2018) nhằm đấu tranh làm rõ hành vi sử dụng giấy tờ giả để nhập khẩu trái phép phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam của Doanh nghiệp tư nhân sản xuất bao bì Trường Thịnh (Ninh Bình).

Tổng số lượng hàng vi phạm hàng chục nghìn tấn, trị giá hàng hóa hơn 50 tỷ đồng. Ngày 28/8/2018, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-ĐTCBL khởi tố vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hồ sơ vụ án đã được bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) – Bộ Công an theo quyết định chuyển hồ sơ vụ án hình sự để điều tra theo thẩm quyền số 02/QĐ-ĐTCBL ngày 28/8/2018 của Cục Điều tra chống buôn lậu. Ngoài ra, nhiều vụ việc vi phạm khác liên quan đến nhập khẩu phế liệu đã được đơn vị điều tra, khởi tố.

Sừng tê giác do Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với các đơn vị bắt giữ tại sân bay quốc tế Nội Bài tháng 4/2019. Ảnh: T.Bình.

Gắn “tác chiến” với tham mưu, chỉ đạo

Ngoài trực tiếp đấu tranh, triệt phá các vụ việc, chuyên án cụ thể, vai trò của Cục Điều tra chống buôn lậu còn được thể hiện rõ nét thông qua việc tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu.

Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu trình Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Chính phủ hoàn thiện cơ bản, đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

Đồng thời, chủ trì, xây dựng hàng chục đề án về nâng cao năng lực kiểm soát hải quan như: Đề án hiện đại hóa công tác kiểm soát Hải quan giai đoạn 2008-2010; “Tăng cường năng lực phòng chống ma túy của lực lượng Hải quan giai đoạn 2012 - 2015; “Phòng chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp”...

Đặc biệt, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tích cực tham mưu trình Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và Chính phủ thành lập và vận hành hiệu quả Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhằm kết nối, phát huy sức mạnh tổng hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Mặt khác, đơn vị tích cực, chủ động chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác nghiệp vụ chống buôn lậu, đảm bảo lực lượng kiểm soát hải quan toàn Ngành thực thi hoạt động nghiệp vụ ngày càng hiệu quả. Thể hiện rõ nét trong chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, xử lý vi phạm và việc chấp hành pháp luật Tố tụng hình sự, từng bước chính quy việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan trong toàn Ngành. Đồng thời, thay thế cách làm việc theo lối kinh nghiệm, truyền thống, thiếu thống nhất, thiếu cụ thể trước đây. Nhờ đó, các đơn vị nghiệp vụ đã thành lập hồ sơ, nghiên cứu nắm tình hình đối tượng và địa bàn, chú trọng xây dựng các cơ sở bí mật để chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Từ năm 2014 đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã đưa vào quản lý 467 đối tượng sưu tra, 520 hồ sơ nghiên cứu nắm tình hình địa bàn, 39 cơ sở bí mật, từ đó xác lập nhiều chuyên án, vụ án lớn…

Có thể nói, trong lịch sử 74 năm xây dựng, phát triển của Hải quan Việt Nam và chặng đường 35 năm hình thành, phát triển của Cục Điều tra chống buôn lậu đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của các thế hệ CBCC làm công tác kiểm soát hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu nói riêng vào thành tích đáng tự hào của Hải quan Việt Nam.

Từ đầu năm 2019 đến nay tiếp tục ghi nhận nhiều thành tích nổi bật của Cục Điều tra chống buôn lậu, đặc biệt là trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma túy. Điển hình: Tháng 1/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- C04 (Bộ Công an), Cục Hải quan Hà Tĩnh triệt phá thành công vụ vận chuyển trái phép 370 bánh heroin, bắt giữ 7 đối tượng.

Tháng 3/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp tục phối hợp với C04 và các lực lượng chức năng triệt phá vụ vận chuyển 300 kg ma túy đá xuyên quốc gia, do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, bắt giữ 13 đối tượng người Trung Quốc và Việt Nam. Mở rộng vụ án, lực lượng chức năng Việt Nam đã chuyển thông tin cho cơ quan chức năng Philippines bắt giữ thêm 276 kg ma túy đá.

Ngày 6/5/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- PC04 (Công an tỉnh Tiền Giang) và lực lượng chức năng bắt giữ 119 kg cocain... Điển hình nhất là việc tham gia tích cực cùng với Cục Hải quan TPHCM, C04 (Bộ Công an) và các lực lượng chức năng triệt phá đường dây vận chuyển hơn 500 kg ma túy tổng hợp ketamin trị giá nhiều tỷ đồng vào tháng 5/2019. Kết quả này là một minh chứng khẳng định vai trò chủ công của lực lượng Hải quan trong công tác phòng, chống ma túy nói riêng và chống buôn lậu nói chung.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/khang-dinh-vai-tro-chu-cong-tren-mat-tran-chong-buon-lau-110617-110617.html