Khẳng định vai trò của Quân đội trong việc đưa pháp luật đến với người dân

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là bước đầu tiên của quá trình hình thành ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Bộ Quốc phòng đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung Đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027' (gọi tắt là Đề án 1371) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của các cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản và đi vào nền nếp; ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã. Ảnh: Thanh Nam

Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã. Ảnh: Thanh Nam

Ghi nhận từ thực tế

Trò chuyện với tôi ngay sau khi dự buổi tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Quân, sống ở thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Những buổi tuyên truyền, PBGDPL như thế này rất hữu ích, giúp chúng tôi nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua buổi hôm nay, tôi hiểu rõ hơn nhiệm vụ của lực lượng BĐBP cũng như trách nhiệm của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân đối với công tác xây dựng lực lượng BĐBP, bảo vệ biên giới quốc gia”.

Giống như ông Quân, ông Chu Xé Lù, ở xã biên giới Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu được dự nhiều buổi tuyên truyền, PBGDPL liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Vì vậy, ông ý thức rất rõ trách nhiệm giữ gìn đường biên, mốc quốc giới. Không chỉ trực tiếp tham gia tuần tra biên giới cùng BĐBP, ông còn tích cực vận động con cháu, nhân dân tự quản đường biên, cột mốc.

Ông Lù cho biết: “Đồn Biên phòng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, PBGDPL. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên rất nhiều, bà con tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, không vi phạm các quy định qua lại biên giới”.

Các đơn vị BĐBP còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến hôn nhân, bình đẳng giới, an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực gia đình... với nhiều hình thức sinh động. Thông qua tuyên truyền, nhận thức của người dân khu vực biên giới, biển đảo được nâng cao, tác động tới việc thay đổi hành vi.

Điển hình như cộng đồng người Mông ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, trước đây, nam giới thường được coi trọng và ưu tiên trong tất cả mọi việc, trong khi đó, nữ giới thường phải làm việc vất vả, cơ hội được đi học ít hơn. Trong gia đình người Mông, người chồng có quyền quyết định mọi việc... Tuy nhiên, thông qua tuyên truyền pháp luật, những định kiến đó dần được xóa bỏ.

Anh Giàng Ca Dinh, ở xã Mường Lạn cho hay: “Nhờ được tuyên truyền pháp luật, tôi hiểu rằng, nam giới và phụ nữ đều có quyền và trách nhiệm như nhau trong học tập, làm việc. Vợ chồng tôi cùng làm việc nhà, làm nương và chia nhau việc đưa đón con đi học. Hai vợ chồng cùng có quyền quyết định bán hay mua một thứ gì đó, không phải như ngày xưa chỉ người chồng mới có quyền. Trong bản cũng không còn tình trạng chồng đánh vợ nữa. Bây giờ, ai cũng nhận thức được việc đó là vi phạm pháp luật”.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật

Những điều ghi nhận kể trên là kết quả của quá trình nỗ lực đưa pháp luật đến với người dân của các đơn vị Quân đội. Thực tế, khi Đề án 1371 được Thủ tướng Chính phủ ban hành (ngày 30/7/2021), với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các đơn vị Quân đội đã huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực để thực hiện nhằm xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các đơn vị đã nghiên cứu, biên soạn hàng nghìn đề cương tuyên truyền về các bộ luật, luật, văn bản dưới luật bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; biên soạn in và cấp tờ rơi, tờ gấp và đĩa DVD tuyên truyền pháp luật với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức của các đối tượng. BĐBP một số tỉnh, thành phố đã phối hợp với địa phương luân chuyển, hỗ trợ, bổ sung sách vào tủ sách pháp luật được bố trí tại các xã, phường, thị trấn biên giới.

Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng xây dựng hệ thống pa nô, áp phích và các tiểu phẩm văn nghệ tuyên truyền trực quan; biên soạn nội dung tuyên truyền pháp luật và chiếu trên màn hình led tại các cửa khẩu; trên các chuyên mục của cơ quan thông tin đại chúng. Đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả như: Giới thiệu các văn bản pháp luật bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; giới thiệu văn bản luật trên website, ứng dụng (App), mạng xã hội...; mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý”, “Mỗi tuần học một điều luật”, “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”.

Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, tổ hòa giải cũng được các đơn vị Quân đội phối hợp với địa phương chú trọng tổ chức thực hiện và đạt hiệu quả tích cực. Các “Câu lạc bộ pháp luật”, “Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý”, Tổ hòa giải... đã phục vụ có hiệu quả nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tư vấn, giải quyết các tranh chấp về lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình, hòa giải các mâu thuẫn, bức xúc của nhân dân ở địa phương, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Việc tuyên truyền, PBGDPL thông qua trường học cũng được đẩy mạnh thông qua triển lãm, trưng bày sách, báo, tranh, ảnh, các mô hình “Em yêu biển, đảo quê hương”, “Biên giới với học đường”, “Tiết học vùng biên” và các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tham quan đường biên, cột mốc biên giới. Các hình thức, mô hình, cách làm trên đã góp phần khẳng định sự đa dạng, phong phú về hình thức, phương pháp công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của các đơn vị Quân đội.

Ban Chỉ đạo Đề án 1371 cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện, ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã được nâng lên. Các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trái phép, tình trạng di, dịch cư tự do và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm. Ý thức quốc gia, quốc giới, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của người dân được nâng lên đã góp phần ổn định an ninh trật tự, kiềm chế tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khang-dinh-vai-tro-cua-quan-doi-trong-viec-dua-phap-luat-den-voi-nguoi-dan-post460553.html