Khẳng định vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri

Nhiệm kỳ 2016-2021, Đoàn ĐBQH tỉnh, khóa XIV đã tăng cường các hoạt động theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động. Kết quả hoạt động của đoàn đã góp phần cho thành công của Quốc hội và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện đầy đủ trách nhiệm trước cử tri.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 17, HĐND huyện Nga Sơn khóa XIX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Đóng góp vào nhiều quyết sách của Quốc hội

Xác định vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, phân tích, tổng hợp, phản ánh trung thực, kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban MTTQ, Thường trực HÐND, UBND các cấp và các đơn vị hữu quan trên địa bàn tỉnh tổ chức 195 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ và tiếp xúc theo chuyên đề; tổng hợp phân loại, chuyển 477 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết, trả lời.

Tại các kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH tỉnh đã dành thời gian nghiên cứu và tích cực tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ, góp ý đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời kết hợp phản ánh những vấn đề bức xúc của cử tri để Quốc hội và Chính phủ quan tâm. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 120 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường và 228 lượt ý kiến phát biểu tại các buổi thảo luận tổ. Nhiều ý kiến tham gia chất lượng, phù hợp thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của ĐBQH tỉnh được Quốc hội, Chính phủ, ban soạn thảo, cơ quan chức năng có thẩm quyền ghi nhận, tiếp thu trong các dự thảo nghị quyết, dự thảo luật để hoàn thiện dự thảo các văn bản trước khi trình Quốc hội thông qua, góp phần hoàn thành tốt chương trình của kỳ họp Quốc hội.

Đồng chí Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, khẳng định: Tại các kỳ họp của Quốc hội, nội dung chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh đều xuất phát từ những yêu cầu, bức xúc của Nhân dân trong tỉnh. Cùng với thực hiện chất vấn các vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm, trong thực hiện chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh hàng năm của Quốc hội, ngay từ đầu các năm, Đoàn ĐBQH đã tổ chức họp đoàn để thống nhất phân công các vị ĐBQH tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự án luật. Để nâng cao chất lượng các ý kiến tham gia vào công tác xây dựng pháp luật, đoàn có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, dân chủ, công khai, minh bạch trong việc xin ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp ở địa phương. Qua việc chất vấn và đề xuất, kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, trả lời thỏa đáng ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân trong tỉnh. Do đó, đến nay, đã có trên 90 lượt cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản về 425 vấn đề mà cử tri và Đoàn ĐBQH Thanh Hóa có ý kiến, kiến nghị. Những đề xuất, hiến kế của cử tri về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được các bộ, ngành chức năng nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri

Trên cơ sở nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, kế hoạch, chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của các ĐBQH trong đoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát của từng năm. Trong nhiệm kỳ, đoàn đã tổ chức 7 cuộc giám sát chuyên đề; phối hợp tham gia 4 cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tại địa phương. Phương thức tổ chức hoạt động giám sát có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát huy trí tuệ của các vị ĐBQH trong đoàn. Qua giám sát, đoàn đã có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những vấn đề về chính sách, cơ chế để thực hiện tốt những nội dung đã giám sát; kiến nghị với các cơ quan quản lý, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế. Do vậy, nhiều kiến nghị, đề xuất của đoàn đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu giải quyết, góp phần tích cực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Với phương châm gần dân, sát dân, các ĐBQH trong phạm vi, khả năng của mình đã tăng cường đi cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của cử tri; quan tâm thực hiện tốt công tác dân nguyện. Hoạt động tiếp công dân của đoàn ngày càng đi vào chiều sâu với phương châm nâng cao trách nhiệm ĐBQH với công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Hàng năm đoàn xây dựng lịch tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh với tất cả các ĐBQH. Lịch tiếp công dân được thông báo công khai trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để người dân biết, tiện liên hệ, theo dõi và tham dự. Do vậy, những ngày tiếp dân của Đoàn ĐBQH tỉnh cử tri thường đến với số lượng đông và nhiều kiến nghị đã được ĐBQH, Đoàn ĐBQH xem xét, chuyển tới các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định. Thông qua các lần tiếp công dân và nhận đơn qua đường bưu điện, đoàn đã tiếp nhận 2.145 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. Đoàn đã chuyển 800 đơn, ban hành 20 văn bản đôn đốc và kiến nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của Đoàn ĐBQH trong giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Kết quả, có 355/800 đơn (chiếm 44%) đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời; 445/800 đơn (chiếm 66%) đang xem xét, giải quyết. Nhiều vụ việc kéo dài đã được đoàn quan tâm đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, tổ chức làm việc với cơ quan liên quan, xem xét thực tế... đã chấm dứt được việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, qua đó tạo niềm tin trong Nhân dân, khẳng định vai trò, vị thế của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Với những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh. Điều đó cũng được sự ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tại Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025: “Đoàn ĐBQH khóa XIV đã tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội, nhất là thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật và xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại các kỳ họp Quốc hội. Luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và Nhân dân trong tỉnh để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội, kiến nghị với các cơ quan Trung ương, địa phương xem xét, giải quyết. Thường xuyên giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, tổ chức giám sát chuyên đề tại các ngành, địa phương, đơn vị có vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri và Nhân dân quan tâm”.

Bài và ảnh: Phan Nga

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/khang-dinh-vai-tro-dai-dien-cho-y-chi-nguyen-vong-cua-cu-tri/136606.htm