Khẳng định vị thế

Dù mới với Việt Nam, nhưng việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo không mới trên thế giới...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Luật Nhà giáo và xin ý kiến góp ý; trong đó, quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo nhận được nhiều sự quan tâm của ngành Giáo dục và dư luận xã hội.

Dù mới với Việt Nam, nhưng việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo không mới trên thế giới. Ví dụ, tại Trung Quốc, việc công nhận “tư cách nhà giáo” được thực hiện thông qua kỳ thi sát hạch do chính phủ tổ chức gồm các tiêu chí: Đạo đức, chuẩn trình độ, năng lực giáo dục - giảng dạy.

Thái Lan cấp “giấy phép hành nghề” cho nhà giáo dựa trên tiêu chí kiến thức (bằng cấp chuyên môn), kinh nghiệm chuyên môn (hoàn thành khóa đào tạo khoảng 1 năm).

Tại Indonesia, “chứng chỉ nhà giáo” cấp dựa trên 3 tiêu chí: Tốt nghiệp cử nhân giáo dục hoặc chương trình đại học khác; hoàn thành Chương trình Giáo dục chuyên nghiệp dành cho giáo viên (khoảng 1 năm); vượt qua bài thi năng lực do chính phủ tổ chức.

Ở bang Texas (Mỹ), “chứng chỉ nhà giáo” được cấp bởi Hội đồng Giáo dục Tiểu bang, dựa trên 3 tiêu chí: Kiến thức (bằng cấp chuyên môn); kỹ năng thiết yếu cho từng lĩnh vực giáo dục; tiêu chuẩn trách nhiệm nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm…

Canada cấp “chứng chỉ giáo viên và giáo viên quản lý” dựa trên các tiêu chí kiến thức; có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; kinh nghiệm 2 năm giảng dạy ở một cơ sở giáo dục. Báo cáo mới đây của UNESCO cho biết: Phần lớn các nước đều yêu cầu nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề dạy học.

Mặc dù vậy, quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo ở Việt Nam vẫn nhận được những ý kiến trái chiều. Bên cạnh ý kiến ủng hộ, một số thể hiện lo ngại sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính, thêm một “giấy phép con” với nhà giáo, có thể khiến thầy cô rơi vào vòng xoáy của cơ chế “xin - cho”…

Giải tỏa nỗi lo này, Bộ GD&ĐT - tại tọa đàm với các cơ quan báo chí về Dự thảo Luật Nhà giáo ngày 17/5 vừa qua - đã thông tin về phương án với nhà giáo tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Thầy cô cũng an tâm hơn khi hiểu rõ mục tiêu của việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là nhằm chuẩn hóa nhà giáo; nâng tầm vị thế, vai trò khi nhà giáo được phân biệt với nghề khác, phân biệt giữa người đủ tư cách hành nghề dạy học với người tự nhận là “nhà giáo” nhưng không đạt chuẩn.

Đồng thời, tạo điều kiện cho nhà giáo khi thay đổi đơn vị công tác và vị trí việc làm, tham gia thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục khác. Tạo cơ hội cho nhà giáo tham gia hợp tác quốc tế trong GD-ĐT. Đảm bảo thực hiện công bằng về chế độ, chính sách cho nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài; đảm bảo chất lượng giảng dạy, giáo dục. Công tác quản lý Nhà nước đối với nhà giáo được thuận lợi hơn, không chỉ với nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục mà có thể quản lý nhà giáo tham gia các hoạt động giảng dạy, giáo dục ngoài cơ sở giáo dục.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo cần được thực hiện khoa học, chính xác, công bằng với hình thức tổ chức, nội dung sát hạch, quản lý cấp phép… phù hợp. Bộ GD&ĐT nhiều lần khẳng định: Luật Nhà giáo không nhằm quản lý nhà giáo chặt chẽ hơn mà kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng từng lưu ý tại phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo sáng 7/5: “Cần trả lời được câu hỏi nhà giáo sẽ được gì, được phát triển thêm gì khi ban hành Luật?”. Với tinh thần này, Luật Nhà giáo ra đời, trong đó có quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ là lực đẩy mạnh mẽ phát triển đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho thầy cô - nhân tố quyết định chất lượng giáo dục.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khang-dinh-vi-the-post684280.html