Khẳng định vị thế của cơ sở y tế tuyến Trung ương

Là bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Bộ Y tế, tiền thân là Bệnh viện liên khu Việt Bắc, đến nay, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển. Với chức năng, nhiệm vụ được giao là cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) đa khoa tuyến cao nhất ở khu vực miền núi phía Đông Bắc; thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật trong công tác KCB; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức, đào tạo liên tục và chỉ đạo tuyến theo nhiệm vụ được phân công, những năm qua, Bệnh viện đã có sự bứt phá đáng ghi nhận.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tư vấn, hội chẩn và tham gia phẫu thuật từ xa cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Cao Bằng.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tư vấn, hội chẩn và tham gia phẫu thuật từ xa cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Cao Bằng.

Đến nay, Bệnh viện đã phát triển ngày càng lớn mạnh với quy mô 1.300 giường bệnh kế hoạch, gần 1.700 giường bệnh thực kê, hằng ngày thu dung điều trị và khám từ 1.600-1.800 người bệnh ngoại trú và từ 1.400-1.600 bệnh nhân nội trú. 10 năm trở lại đây, Bệnh viện đã có những bước tiến vượt bậc khi thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân đến KCB; công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và công tác cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh. Đặc biệt, trong vai trò là bệnh viện hạt nhân của trung tâm y tế vùng trung du, miền núi phía Bắc, những năm qua, Bệnh viện đã có nhiều cố gắng nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật mới, nâng cao y đức và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế...

Trong đó, nổi bật nhất là công tác chuyên môn, từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới. Cụ thể, Bệnh viện đã thực hiện ứng dụng chẩn đoán ung thư sớm bằng các kỹ thuật tumor marker; cắt amidan bằng kỹ thuật mới Comblator; định nhóm máu trên Gel-gard; sản xuất chế phẩm máu từ máu toàn phần, thu gom sản xuất các đơn vị máu như khối hồng cầu, tiểu cầu máy, huyết tương cho các bệnh viện trong khu vực.

Ngoài ra, Bệnh viện còn thực hiện được kỹ thuật mổ khối u não; mổ tim cho trẻ nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh sớm; nội soi khí quản sinh thiết chẩn đoán; thay khớp gối, khớp háng nhân tạo; xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu các bệnh nội tiết... Đặc biệt, Bệnh viện đã hoàn thiện và phát triển mạnh kỹ thuật mổ tim hở, mổ tim kín, đặt stent động mạch vành cấp cứu, đặt máy tạo nhịp tim; đặt dù vá lỗ thông liên nhĩ, liên thất.

Đồng thời, phát triển kỹ thuật nút mạch; phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ vành có dùng máy tim phổi nhân tạo; lập trình máy tạo nhịp tim (nội tim mạch); xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm trùng huyết sớm (Procalcitonin); định lượng thuốc ức chế miễn dịch tarcrolimus; cyclosporin A (ghép thận); xét nghiệm TG, Anti TG, calcitonin (ung thư tuyến giáp); TSI (bệnh tuyến giáp tự miễn); BNP (chẩn đoán và theo dõi điều trị suy tim cấp)...

Ca ghép thận thứ 23 được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Điều đáng nói, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là bệnh viện thứ 15 trên toàn quốc triển khai ghép tạng thành công (hiện đã ghép thận 28 cặp, tỷ lệ 100% thành công); là 1 trong những đơn vị được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19. Hiện, Bệnh viện đã thực hiện 70,1% danh mục kỹ thuật. Theo đó, Bệnh viện đã thành lập được các trung tâm chuyên sâu như: Nhi khoa; Tim mạch, Đột quỵ, Ung bướu, Sản khoa, Khám bệnh từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.

Nhằm phục vụ tốt cho công tác KCB, đến thời điểm này, Bệnh viện đã trang bị được nhiều thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán hình ảnh như XQ số hóa, MRI 1,5 tesla, chụp cắt lớp 32, 128 dãy, mamography, spect..; sử dụng PACK trong quản lý hình ảnh góp phần quan trong trong chẩn đoán và theo dõi điều trị tại Bệnh viện và trong khu vực. Ngoài ra, Bệnh viện còn trang bị được máy sinh hóa, huyết học tự động, máy tim phổi nhân tạo phục vụ phẫu thuật tim hở, hệ thống máy thận nhân tạo giúp bệnh nhân vùng núi không phải đi xa để điều trị...

Không dừng lại ở đó, các cán bộ của Bệnh viện còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. 10 năm qua, Bệnh viện đã có trên 500 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở; 12 đề tài, dự án cấp tỉnh và cấp bộ đã được Hội đồng khoa học kỹ thuật các cấp đánh giá nghiệm thu và ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Trong số đó có trên 200 đề tài đã được gửi tham dự các hội nghị, hội thảo và đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, đặc biệt có một số đề tài được đăng tải trên các tạp chí quốc tế.

Một điểm nhấn nữa là đến nay, cơ sở vật chất của Bệnh viện đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ với tòa nhà hành chính; khối nhà bệnh nhân nội trú cho các khoa hệ ngoại; khối nhà kỹ thuật nghiệp vụ 15 tầng, trung tâm Sản khoa chất lượng cao, khu xạ trị,... Đồng thời sửa chữa, cải tạo, đưa vào sửa dụng nhiều hạng mục công trình như Khoa Lão khoa - Bảo vệ sức khỏe; Khoa Bệnh nhiệt đới; Khoa Thần kinh, tòa nhà Khoa Khám bệnh, Cấp cứu, Trung tâm thận lọc máu,...

Với nhiều nỗ lực, những năm qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã trở thành địa chỉ đỏ trong KCB của người dân trong tỉnh và các khu vực lân cận. Từ năm 2010 đến nay, số lượt bệnh nhân đến khám đã tăng từ 266,4 nghìn lượt người lên gần 548 nghìn lượt người tăng 2,05 lần; số ca phẫu thuật cũng tăng từ trên 12 nghìn ca lên hơn 13 nghìn ca… Có thể khẳng định, qua quá trình xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh khẳng định được vị thế vai trò của một bệnh viện Trung ương khu vực miền núi phía Đông Bắc. Qua đó góp phần giảm và chống quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội; cung cấp dịch vụ y tế cao có chất lượng cho nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho vùng trung du miền núi phía Bắc.

PGS-TS Nguyễn Công Hoàng, (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên)

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/khang-dinh-vi-the-cua-co-so-y-te-tuyen-trung-uong-280235-85.html