Khẳng định vị thế hàng Việt trước hàng nhập khẩu

Theo quy định, trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa. Vì vậy, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc giao thương gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều thương hiệu vẫn liên tục mở thêm chuỗi cửa hàng mới, bán sản phẩm giá cạnh tranh với hàng Việt. Hơn lúc nào hết, các sản phẩm hàng hóa Việt cần nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế trước 'làn sóng' hàng nhập khẩu.

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Đỗ Tâm

Thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu thời trang nước ngoài liên tục "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam. Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng trung bình đến cao cấp như: Uniqlo, Zara, Mango, Giovanni, Chanel... đã có mặt tại Việt Nam.

Thống kê không chính thức của các siêu thị cho thấy, tỷ lệ hàng may mặc sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm bình quân từ 30% đến 40% tại các siêu thị, còn lại phần lớn là hàng nhập từ Trung Quốc do hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình và thấp. Trong khi đó, tại nhiều cửa hàng thời trang sang trọng, vốn có thương hiệu riêng, đã chọn cách bán hàng mua từ Trung Quốc thay vì sản xuất trong nước như trước đây.

Tương tự, hệ thống các cửa hàng TokyoLife trên nhiều tuyến phố Hà Nội cũng là một địa chỉ tin cậy của các tín đồ yêu thích các sản phẩm thời trang Nhật Bản. TokyoLife là cửa hàng bán lẻ đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, phụ kiện chính hãng các thương hiệu Nhật Bản: KAI, Inomata, Ebisu, Lec, Seria, Merries, Glico, Aprica, Kose (dòng Softymo), Shiseido (dòng Senka, Anessa), KAO, Rosette, Naive... Phụ kiện giày, túi, ví, balo và thời trang hiệu TokyoLife, TokyoBasic, In The Now và nhiều thương hiệu thời trang, phụ kiện khác sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc.

Trong bối cảnh hàng nhập khẩu gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng để khẳng định vị thế, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, doanh nghiệp Việt phải khẩn trương nâng sức cạnh tranh thông qua xây dựng thương hiệu, từ đó tạo niềm tin, thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng: "Sản phẩm không có tên tuổi, thương hiệu sẽ rất khó được người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy, doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng thương hiệu để tạo ấn tượng, niềm tin của khách hàng với sản phẩm".

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) chia sẻ, trong giai đoạn này nhiều ngành hàng đang phải đóng cửa, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên họ sẽ ưu tiên những loại hàng hóa có thương hiệu, đặc biệt là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. "Doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia không chỉ là mục tiêu hướng đến, mà còn là yêu cầu cấp thiết. Bởi, từ Thương hiệu quốc gia sẽ góp phần giúp doanh nghiệp định vị ở thị trường nội địa và vươn ra thế giới" - PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do hạn chế về nhân lực, tài chính nên việc xây dựng thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp chưa đạt kết quả khả quan, thậm chí nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán thương hiệu của mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, quản trị, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam...

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy chế "Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu". Cụ thể, đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng, đặt tên và quảng bá thương hiệu; thiết kế biểu tượng hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận biết thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu, sản phẩm doanh nghiệp.

"Xây dựng thương hiệu là công cụ hữu hiệu để các ngành, doanh nghiệp phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh. Nếu vận dụng hiệu quả, đây sẽ là "chìa khóa" để hàng Việt khẳng định vị thế tại thị trường trong và ngoài nước", Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1009644/khang-dinh-vi-the-hang-viet-truoc-hang-nhap-khau