Khẳng định vị thế trước các đồng minh

Sau nhiều chỉ trích 'lơ là' châu Á, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cuối cùng cũng thu xếp được chuyến công du đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a từ ngày 23-29/4. Giới phân tích cho rằng, đây là dịp để ông Ô-ba-ma khôi phục hình ảnh và 'chuộc lỗi' vì đã hoãn chuyến thăm châu Á hồi tháng 10-2013 (do cuộc khủng hoảng ngân sách khiến Chính phủ phải đóng cửa một phần). Chuyến đi này của ông Ô-ba-ma còn nhằm trấn an 3 nước đồng minh tin cậy với lời tái khẳng định những cam kết về an ninh trong bối cảnh có những diễn biến căng thẳng trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, khẳng định lại cam kết chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, không chỉ về mặt quân sự mà còn về mặt kinh tế.

Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (trái) mới gặp Tổng thống Ô-ba-ma tại Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân ở Hà Lan, hôm 24-3 vừa qua. Ảnh: Reuters

Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên và trong thời gian ở thăm Tô-ki-ô, Tổng thống Ô-ba-ma hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê để nhấn mạnh những bước đột phá mang tính lịch sử trong quá trình hiện đại hóa mà hai nước đã trải qua sau 54 năm thiết lập quan hệ đồng minh. Tăng cường liên minh an ninh sẽ là chủ đề chính trong bối cảnh vốn còn nhiều bấp bênh xung quanh tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và những căng thẳng trong quan hệ giữa Tô-ki-ô và Bắc Kinh, chủ yếu do những tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo không người ở Xen-ca-cư/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Đồng thời, Tổng thống Ô-ba-ma cũng muốn nhân đây thúc đẩy Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước và mở rộng hợp tác Mỹ - Nhật cũng như cùng đối phó với hàng loạt thách thức ngoại giao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Có thể thấy rõ, kể từ khi Oa-sinh-tơn tuyên bố chính sách đổi hướng chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì Nhật Bản là một trong những nước đồng minh vô cùng quan trọng mà Mỹ hướng tới. Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, cả hai đều cần có nhau để giúp giải quyết những "cái khó" của riêng mình.

Theo giới phân tích, hiện nay, khi mà cán cân lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương ngày càng thay đổi với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, thì việc củng cố quan hệ đồng minh và tăng cường phối hợp an ninh quân sự với Nhật Bản chính là nội dung cốt lõi của chính sách xoay trục sang châu Á dưới chính quyền Ô-ba-ma.

Ngược lại, trong bối cảnh những tranh cãi về chủ quyền quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư ở khu vực Đông Bắc Á ngày càng trở nên gay gắt, thì Nhật Bản cũng muốn tận dụng chiến lược "xoay trục" của Mỹ để thực thi một thái độ quyết đoán hơn với Trung Quốc, với hy vọng giành được sự ủng hộ lớn hơn của Mỹ. Vì thế, việc Nhật Bản trở thành đối trọng với Trung Quốc cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ. Hơn nữa, đối với Nhật Bản, mặc dù ở nước này đã tính tới sửa đổi Hiến pháp hòa bình năm 1947, nhưng vấn đề này không thể hoàn thành xong trong "một sớm một chiều", nên ít nhất trong tương lai ngắn hạn, Tô-ki-ô vẫn phải tiếp tục dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình. Thủ tướng A-bê rất muốn nhận được những xác nhận mới từ chính vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ này về việc Oa-sinh-tơn sẽ không ngần ngại đứng về phía Tô-ki-ô trong cuộc xung đột nếu xảy ra với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên đang gây nhiều tranh cãi, với những vụ phóng tên lửa vào cuối tháng 3-2014 vừa qua của Triều Tiên khiến đất nước "Mặt trời mọc" như ngồi trên lửa, Mỹ - Nhật đều xác định cần phải tăng cường hợp tác để bảo vệ đồng minh. Rõ ràng, việc đặt chân đến Tô-ki-ô của ông Ô-ba-ma được xem là lời khẳng định các cam kết quân sự của Mỹ với Nhật Bản, theo đó Mỹ sẽ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Nhật Bản một khi xảy ra xung đột tại khu vực.

Sau Nhật Bản, Tổng thống Ô-ba-ma sẽ thăm Hàn Quốc và hội đàm với Tổng thống Pắc Cưn Hê để tái khẳng định cam kết quan hệ đồng minh lớn mạnh Mỹ - Hàn, đồng thời thảo luận diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên và nỗ lực cùng Hàn Quốc thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Những người đứng đầu Nhà nước Mỹ - Hàn cũng không thể bỏ qua các vấn đề như việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương.

Giới nghiên cứu cho rằng, trong chuyến thăm châu Á đầu tiên sau khi tái đắc cử này, Tổng thống Ô-ba-ma không thể bỏ sót Hàn Quốc. Nếu Xơ-un không nằm trong danh sách dừng chân của ông chủ Nhà Trắng, người đồng cấp Pắc Cưn Hê hẳn cảm thấy khó xử, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Nhật - Hàn ngày càng căng thẳng. Tình hình bán đảo Triều Tiên đang ở bước ngoặt quan trọng và cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao mọi diễn biến trên bán đảo này, nếu Mỹ và Hàn Quốc thiếu nhận thức chung về quân sự sẽ gây ra sự bất ổn chiến lược, vì vậy, Tổng thống Ô-ba-ma buộc phải coi trọng Hàn Quốc. Đối mặt với mối đe dọa từ Triều Tiên và việc phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Tổng thống Ô-ba-ma cần đảm bảo để Hàn Quốc và Nhật Bản không xảy ra "nội chiến". Chuyến công du này được xem là cơ hội tốt nhất để Mỹ hòa giải quan hệ giữa hai nước đều là đồng minh chủ chốt này của mình.

Rời "Xứ xở Kim chi", Tổng thống Ô-ba-ma sẽ đến Cu-a-la Lăm-pơ hội đàm với Thủ tướng Ma-lai-xi-a Na-gíp Tun Ra-dắc. Trong một tuyên bố gần đây, Nhà Trắng cho biết, Ma-lai-xi-a là một trong những đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, sợi dây gắn bó giữa Mỹ và nước này trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quốc phòng ngày càng trở nên sâu sắc.

Ngoài củng cố quan hệ song phương, vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ chắc chắn sẽ phải có câu trả lời thích đáng về những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Ét-uốt Xnâu-đơn xung quanh việc Mỹ tiến hành do thám các chính trị gia và sĩ quan quân đội cấp cao nhiều nước, trong đó có Ma-lai-xi-a. Được biết, Ma-lai-xi-a là một trong những mục tiêu chính của chương trình do thám "Nimrod" do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành. Có thể, trong chặng dừng chân tại Ma-lai-xi-a, ông Ô-ba-ma sẽ phải đưa ra cam kết chấm dứt chương trình Nimrod. Đồng thời, ông Ô-ba-ma cũng sẽ tìm cách thuyết phục Ma-lai-xi-a tham gia đàm phán TPP, bởi thúc đẩy thương mại luôn là chủ đề ưu tiên của ông Ô-ba-ma tại các nước mà ông đến thăm.

Phi-líp-pin là trạm dừng chân cuối cùng của Tổng thống Ô-ba-ma trong chuyến công du châu Á lần này. Nhà Trắng cho biết, trong thời gian ở Ma-ni-la, Tổng thống Ô-ba-ma sẽ hội đàm với người đồng cấp Bê-ni-nô A-ki-nô, đồng thời nhấn mạnh hợp tác kinh tế, an ninh giữa hai nước, trong đó bao gồm nỗ lực hiện đại hóa liên minh quân sự, mở rộng quan hệ kinh tế, thông qua "Quan hệ hợp tác đối tác tăng trưởng kinh tế" giữa hai nước nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như thúc đẩy giao lưu nhân dân sâu sắc, bền vững. Những căng thẳng mới đây giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc xung quanh tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông chắc chắn sẽ là chủ đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình làm việc của ông Ô-ba-ma tại Ma-ni-la, bởi việc này có liên quan tới Hiệp ước An ninh được ký giữa Mỹ và Phi-líp-pin. Cũng giống như Nhật Bản, Phi-líp-pin cũng muốn tìm kiếm những cam kết mới mạnh mẽ hơn từ Mỹ.

Cuộc khủng hoảng tại U-crai-na, đặc biệt vấn đề Crưm, đã bộc lộ điểm yếu trong việc sắp xếp lại chiến lược của Mỹ. Các nước đồng minh như Anh, Pháp, Đức nhân sự kiện này chỉ trích Mỹ dứt bỏ châu Âu, chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á. Mỹ đã phải "quay lại châu Âu" để gánh vác trách nhiệm của mình, song chiến lược "trở lại châu Á" cũng không thể khiến "chú Sam" lơ là. Nếu đã nói mà không làm (việc xoay trục sang châu Á), ảnh hưởng của Mỹ sẽ hoàn toàn sụp đổ và không có cách nào ra lệnh cho đồng minh với tư cách là "nước cầm đầu". Đây không chỉ là vấn đề "thể diện", mà nó liên quan trực tiếp đến vị thế quốc tế của Mỹ.

Trà My

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khang-dinh-vi-the-truoc-cac-dong-minh/