Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của các tổ hòa giải ở cơ sở

Theo Bộ Tư pháp, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 120.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ, việc.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc đồng chủ trì Hội thảo.

Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa cho biết, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm; không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện xảy ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững.

Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên có cơ hội lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở.

Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các hòa giải viên để hoạt động hòa giải có hiệu quả.

Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

Các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả phù hợp với đặc điểm của địa phương như các tổ hòa giải, tổ hòa giải điển hình tiên tiến, câu lạc bộ hòa giải, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải 5 tốt,…

Cụ thể, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 120.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiện được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, hàng năm, đội ngũ công chức quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở từ Trung ương đến địa phương được duy trì, đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đã tại điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải đi vào nền nếp và đạt hiệu quả. Mạng lưới tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn, thu hút được nhiều thành phần, lực lượng tham gia.

Sau khi nghe các đại biểu tham dự thảo luận, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong quá trình 10 năm thi hành Luật.

Để tiếp tục phát huy phương thức giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị, các Sở Tư pháp cần tiếp tục quan tâm tổ chức thực chất, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tiến hành phân loại các địa bàn đã làm tốt, địa bàn chưa làm tốt.

Đối với địa bàn chưa làm tốt, đề nghị cơ quan tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để xây dựng kế hoạch khắc phục, tạo sự chuyển biến trên thực tế; đồng thời cần nghiên cứu đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu trong triển khai.

Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cần tham mưu cho cấp ủy địa phương có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng thuận và sự vào cuộc của hệ thống chính trị tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó quan tâm đến công tác lựa chọn, bố trí hòa giải viên và thành lập, liên tục rà soát, kiện toàn Tổ hòa giải trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng cơ chế hòa giải ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.

Về chế độ, chính sách cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng đề nghị Sở Tư pháp có đề xuất cụ thể với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo bố trí đáp ứng yêu cầu về kinh phí tối thiểu bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khang-dinh-vi-tri-vai-tro-quan-trong-cua-cac-to-hoa-giai-o-co-so-164563.html