Khẳng định ý nghĩa tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh

Tuy sự nghiệp cứu nước của Phan Châu Trinh không thành, nhưng chủ thuyết 'Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh' do ông đề xướng và ra sức cổ xúy vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

Sáng 9/9, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Phan Châu Trinh (9/9/1872-9/9/2022).

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu khách mời, đại biểu gia tộc nhà yêu nước Phan Châu Trinh và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu khách mời, đại biểu gia tộc nhà yêu nước Phan Châu Trinh và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích, khai thác về bối cảnh thời đại tác động đến tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; sự ảnh hưởng của phong trào Duy tân và tư tưởng canh tân đối với xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy các giá trị tư tưởng canh tân, đổi mới của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, nhất là tư tưởng về xây dựng ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong lịch sử hình thành và phát triển, Quảng Nam được biết đến là vùng đất mở, nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa lớn, cũng là vùng đất từng chịu biết bao thử thách khắc nghiệt của tự nhiên và chiến tranh… để từ đó đã sản sinh ra các nhà duy tân với tư duy sáng tạo, đổi mới.

Trong số đó, tiêu biểu là nhà yêu nước Phan Châu Trinh, người khởi xướng, vận động và lãnh đạo phong trào Duy tân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào đầu thế kỷ XX.

Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, tuổi thơ của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đã trải qua nhiều gian nan cơ cực cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực của nhân dân; cứu nước trước hết phải cứu dân. Từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Sinh thời, Phan Châu Trinh đã nhận ra và chỉ rõ nguyên nhân khiến dân tộc ta mất nước và đã bao lần quật khởi vẫn chưa giành lại được độc lập, chủ quyền. Đó chính là do trình độ quốc dân.

Để có thể ngang bằng với các dân tộc khác trên thế giới, chí sĩ Phan Châu Trinh cho rằng phải khắc phục sự tụt hậu về trình độ. Bởi vậy, ông đã khởi xướng cuộc cách mạng xã hội rộng lớn, sôi nổi ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhằm giải phóng dân tộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo.

Tuy sự nghiệp cứu nước của Phan Châu Trinh không thành, nhưng chủ thuyết “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do ông đề xướng và ra sức cổ xúy vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc, từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng nhưng trong lòng vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/khang-dinh-y-nghia-tu-tuong-canh-tan-cua-nha-yeu-nuoc-phan-chau-trinh-i666830/