Kháng nghị hủy án đâm xe lùi: Nơi cũ vẫn điều tra?

Theo luật sư, sau khi hủy hai bản án trong vụ đâm xe lùi trên cao tốc, việc điều tra lại từ đầu do cơ quan điều tra cũ điều tra.

Mới đây lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội (TAND Tối cao) đã ký kháng nghị giám đốc thẩm, hủy hai bản án phúc thẩm, sơ thẩm và đề nghị điều tra bổ sung vụ tài xế container Lê Ngọc Hoàng đâm xe Innova do Ngô Văn Sơn điều khiển đang lùi trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên ngày 19/11/2016.

Nhận định về quyết định trên, luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho biết: "Sau khi có kháng nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, bước tiếp theo TAND Cấp cao sẽ mở phiên tòa xem xét kháng nghị đó. Sau khi xem xét xong sẽ ra quyết định hủy hai bản án sau đó xem xét điều tra lại hoặc xử lại.

Theo kháng nghị của lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội là hủy bản án điều tra lại thì vụ án sẽ được xem xét lại từ giai đoạn điều tra để kiểm tra xem xét lại các vấn đề liên quan đến tội phạm hành vi... Sau sẽ đó giao cho VKS nhân dân nào đó. Việc điều tra lại sẽ mở ra một hướng đi mới trong vụ án".

Theo luật sư Hùng, TAND Cấp cao chỉ xem xem xét những căn cứ buộc tội, nếu không đủ căn cứ phải điều tra lại và thu thập lại chứng cứ. Cơ quan điều tra trong trường hợp này sẽ phải giám định lại, thu thập chứng cứ xem có hành vi phạm tội hay không? Nếu cần giám định lại sẽ mời giám định, cần thẩm định sẽ thẩm định. Cơ quan điều tra trong trường hợp này có thể sẽ làm giám định về tốc độ xe, độ lùi, dựng lại hiện trường...để thu thập chứng cứ.

Hiện trường vụ tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng sau khi lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội ký kháng nghị giám đốc thẩm, hủy hai bản án phúc thẩm, sơ thẩm sẽ có hội đồng xét xử, giám đốc thẩm xem xét về kháng nghị này.

Về lý khi Chánh án ký kháng nghị thì các cấp sau sẽ quyết định hủy hai bản án và sẽ theo đường lối làm lại toàn bộ. Theo quy trình điều tra, sẽ điều tra lại từ đầu và vẫn do cơ quan điều tra cũ điều tra.

Theo luật tố tụng, sẽ không có thay đổi về cơ quan tố tụng. Trong quy trình trả hồ sơ lại luật quy định chỉ có hội đồng xét xử cũ là không được xem xét xử lại bản án, còn lại cơ quan VKS, công an vẫn là người cũ tham gia. Chi tiết này khiến nhiều người băn khoăn. Vừa rồi sửa đổi luật tố tụng hình sự, nhiều người muốn làm lại điều đó nhưng luật chưa có.

Theo luật sư Hòe, thực tế vụ án tiếp theo sẽ làm khách quan hơn. Theo chỉ đạo của chánh án TAND Cấp cao, cả cơ quan kỹ thuật tham gia vào điều tra lại.

Về nguyên tắc, trong quá trình giải quyết vụ án, công an nếu không có chuyên sâu về kỹ thuật có quyền trưng tụng và đề nghị giám định. Tòa án, VKS cũng có quyền trưng cầu giám định, kể cả luật sư khi thấy vụ án chưa làm rõ được các nội dụng vẫn có quyền đề nghị trưng cầu giám định, thậm chí quyền của bị can bị cáo cũng có quyền đề nghị trưng cầu giám định. Như vậy, quyền trưng cầu giám định này tại tòa là khách quan, sử dụng kỹ thuật của những người có chuyên môn để đánh giá đúng sự thật của vụ án.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Hòe, vụ án có nhiều bên tham gia phụ thuộc vào cơ quan công an có đặt yêu cầu trưng cầu hoặc luật sư, VKS cần trưng cầu ai thì cơ quan công an trưng cầu.

Về nguyên tắc có 3 cơ quan được ra trưng cầu để giám định chứng cứ pháp lý đó là công an, VKS, tòa án.

"Tôi tin vụ án này sau khi được điều tra lại sẽ khả quan. Có thể thời điểm trước đó công an giám định không đến nơi hoặc không trưng cầu cơ quan có chuyên môn cao. Giờ nếu trưng cầu kỹ hơn khách quan hơn thì sẽ làm rõ hơn nhiều điểm của vụ án" -luật sư Hòe nhận định.

Thu Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/khang-nghi-huy-an-dam-xe-lui-noi-cu-van-dieu-tra-3369712/