Kháng nghị không cho hưởng án treo bị cáo lừa đảo gây thiệt hại lớn

Cho rằng hành vi của các bị cáo gây ra hậu quả thiệt hại về tài sản lớn cho Nhà nước, nhưng HĐXX cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo mức án quá nhẹ,… Viện Kiểm sát đã kháng nghị phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt, không cho bị cáo hưởng án treo.

Theo hồ sơ, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11/2013, bị cáo Phạm Thị Thúy Vân, với cương vị là Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Thúy Vân và Lê Thị Kim Tước – Kế toán Công ty đã dùng thủ đoạn gian dối bằng cách: nhiều lần lập khống tổng cộng 18 bộ chứng từ nhập kho nguyên liệu là vỏ và lá cây Bời Lời, đứng tên 3 công nhân trong Công ty, bị cáo Vân giả là người bán nguyên liệu cho Công ty, với mục đích hợp thức hóa các chứng từ nhập kho nguyên liệu không có thật, để rút tiền vay vốn của Ngân hàng NN & PTNT Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài, tỉnh Bình Định tổng cộng 6.516.000.000 đồng. Sau khi vay được tiền thông qua việc lập hồ sơ khống, Vân chỉ sử dụng 1.571.000.000 đồng vào việc mua nguyên liệu để duy trì sản xuất, còn lại 3.254.096.461 đồng, Vân chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Hành vi của các bị cáo đã phạm vào Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 174 BLHS 2015, có khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù.

VKSND tỉnh Bình Định kháng nghị tăng nặng hình phạt, không cho bị cáo hưởng án treo.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Lê Thị Kim Tước đã nộp 40.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, riêng bị cáo Vân không khắc phục hậu quả, luôn quanh co, chối tội.

Tại phiên tòa sơ thẩm, căn cứ vào tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo, nhân thân người phạm tội và hậu quả của tội phạm, Kiểm sát viên đại diện VKSND tỉnh Bình Định đề nghị HĐXX: xử phạt bị cáo Phạm Thị Thúy Vân từ 12 đến 13 năm tù; xử phạt bị cáo Lê Thị Kim Tước từ 7 đến 8 năm tù.

Tuy nhiên, Bản án hình sự sơ thẩm số 71/2019/HSST ngày 22/11/2019 của TAND tỉnh Bình Định đã áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Thị Thúy Vân 7 năm tù. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 2 Điều 54, Điều 65 BLHS, xử phạt bị cáo Lê Thị Kim Tước 2 năm tù cho hưởng án treo.

Kiểm sát bản án sơ thẩm, VKSND tỉnh Bình Định xét thấy, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định đã áp dụng không đúng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” đối với bị cáo Vân, đồng thời, quá nhấn mạnh đến các tình tiết giảm nhẹ khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và vai trò trong vụ án đối với bị cáo Tước, nên chỉ xử phạt bị cáo Vân 7 năm tù, bị cáo Tước 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Hai mức án này là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện. Trong khi bị cáo Tước là đồng phạm, giúp sức tích cực, việc HĐXX xác định bị cáo với vai trò thứ yếu, cho hưởng án treo là thiếu chính xác, không nghiêm minh, không đủ tác dụng răn đe, giáo dục đối với loại tội phạm này đã và đang diễn ra ở địa phương.

Từ đó, VKSND tỉnh Bình Định quyết định kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với hai bị cáo, đồng thời không cho bị cáo Lê Thị Kim Tước được hưởng án treo.

Thái Văn Mừng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/khang-nghi-khong-cho-huong-an-treo-bi-cao-lua-dao-gay-thiet-hai-lon-80049.html