Kháng nghị phúc thẩm về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại

Xét thấy bản án sơ thẩm buộc bị đơn Nguyễn Văn Khánh cùng bị cáo Trần Công Hoàng chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại là không phù hợp. Do đó, VKSND huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã quyết định kháng nghị phúc thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử vụ án theo hướng tuyên buộc bị cáo Hoàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Theo hồ sơ vụ án, chiều ngày 19/3/2019, Trần Công Hoàng hỏi mượn xe mô tô của anh Nguyễn Văn Khánh để đi mua mồi về cùng nhậu, anh Khánh đồng ý. Lúc 14h cùng ngày, Hoàng điều khiển xe mô tô vượt sai quy định nên đã đụng vào ông Sử chạy cùng chiều phía trước đang chuyển hướng sang bên trái đường, gây tai nạn. Sau khi tai nạn xảy ra, ông Sử được đưa đi cấp cứu, đến ngày 25/3/2019 thì chết tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Bản án số 72/2019/HSST ngày 20/8/2019, TAND huyện Tân Phú đã căn cứ điểm a khoản 1 Điều 260, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS xử phạt bị cáo Trần Công Hoàng 1 năm tù về Tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và áp dụng các Điều 468, 584, 585, 586, 590, 601 BLHS và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, buộc bị cáo Trần Công Hoàng và bị đơn dân sự Nguyễn Văn Khánh phải liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Sử, cụ thể: bị cáo Hoàng phải bồi thường 60.720.000 đồng, bị đơn Khánh phải bồi thường 60.720.000 đồng.

Việc TAND huyện Tân Phú nhận định, theo quy định Điều 601 BLHS trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có quy định: “Chủ sỡ hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, Khánh chỉ cho Hoàng mượn xe để đi mua mồi về cùng nhậu, do đó, chiếc xe vẫn do Khánh chiếm hữu và sử dụng nên Khánh phải cùng chịu trách nhiệm liên đới bồi thường với bị cáo Hoàng”.

VKSND huyện Tân Phú xét thấy: Nhận định trên chưa hợp lý, bởi lẽ theo hướng dẫn tại điểm đ mục II của Nghị quyết số 03/2006 /NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì người được giao chiếm hữu sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải là người được giao thông qua một giao dịch dân sự như thuê, mượn… nguồn nguy hiểm cao độ, phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Do đó, nếu các bên không có thỏa thuận gì khác thì người được giao, chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại trong thời gian mình chiếm hữu, sử dụng. Bị cáo Trần Công Hoàng đã có giấy phép lái xe, khi bị đơn Khánh cho bị cáo Trần Công Hoàng mượn xe mô tô thì quyền chiếm hữu, sử dụng đã chuyển giao cho Hoàng từ thời điểm mượn xe, do đó, khi có thiệt hại xảy ra, Hoàng phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.

Vì các lẽ trên, VKSND huyện Tân Phú đã kháng nghị một phần Bản án số 72/2019/HSST ngày 20/8/2019 của TAND cùng cấp về phần trách nhiệm dân sự liên đới bồi thường thiệt hại và đề nghị TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm theo hướng, tuyên buộc bị cáo Trần Công Hoàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, bị đơn Nguyễn Văn Khánh không có trách nhiệm liên đới bồi thường cùng Hoàng.

Hồng Phúc

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/khang-nghi-phuc-tham-ve-trach-nhiem-lien-doi-boi-thuong-thiet-hai-75463.html