Khánh Hòa: Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Khánh Hòa hướng đến xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng.

Khánh Hòa sẽ ưu tiên đầu tư, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở địa bàn khó khăn. (Đường bê tông nội đồng xã Diên Thạnh 2, huyện Diên Khánh - Ảnh: https://khanhhoa.dcs.vn/)

Khánh Hòa sẽ ưu tiên đầu tư, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở địa bàn khó khăn. (Đường bê tông nội đồng xã Diên Thạnh 2, huyện Diên Khánh - Ảnh: https://khanhhoa.dcs.vn/)

Các cấp ngành cũng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai Chương trình, cập nhật liên tục các chính sách của Trung ương để triển khai đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là các chương trình chuyên đề: Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2021- 7/2023, tỉnh Khánh Hòa đã phân bổ 285.548 triệu đồng từ nguồn ngân sách các cấp thực hiện chương trình; trong đó, 68.742 triệu đồng vốn sự nghiệp kinh tế. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân vay vốn để thực hiện các nội dung có liên quan đến xây dựng nông thôn mới; dư nợ cho vay đến ngày 31/3/2023 là 15.040 tỷ đồng.

Qua triển khai thực hiện, chương trình bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025.

Tính đến tháng 7/2023 toàn tỉnh đã có 61/92 xã (66,3% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 6/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (6,5% số xã); không còn xã dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung trên địa bàn toàn tỉnh là 13,6 tiêu chí/xã (theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025). Hiện đang thẩm định để công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (64/92 xã chiếm 69,6% tổng số xã), 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (11/92 xã chiếm 12% tổng số xã).

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 định hướng xây dựng nông thôn trên nhiều lĩnh vực, thể hiện tầm nhìn, khát vọng của nhiều ngành.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa, việc triển khai chưa thực sự đồng bộ dẫn đến sự lúng túng của các địa phương tại những năm đầu triển khai thực hiện. Đặc biệt là việc thực hiện hoàn thành các tiêu chí có mức tăng đáng kể về số lượng chỉ tiêu và mức đạt chuẩn so với giai đoạn trước.

Có nhiều nội dung của các chỉ tiêu thuộc các tiêu chí đang được các bộ, ngành triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện như: Chỉ tiêu 14.2 về tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe; Chỉ tiêu 14.3 về tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; Chỉ tiêu 13.5 về việc có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả; Chỉ tiêu 13.4 về ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực.

Một vấn đề nữa được Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa đề cập đến là các công trình đầu tư hạ tầng trên địa bàn phải theo quy hoạch. Tuy nhiên, do hầu hết các quy hoạch nông thôn mới đã lập từ đầu giai đoạn 2010 - 2020 nên cần điều chỉnh để phù hợp; việc điều chỉnh, lập mới quy hoạch cần rất nhiều thời gian để đánh giá, xây dựng, điều chỉnh, chờ phê duyệt, quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với cấp trên nên thủ tục đầu tư công còn nhiều vướng mắc.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, có 75 xã nông thôn mới, trong đó có 37 xã nông thôn mới nâng cao, 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu và không có xã dưới 15 tiêu chí. Đây là mục tiêu khá cao, nhất là đối với đòi hỏi sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân.

Phấn đấu “về đích” mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra đã và đang là quyết tâm cao của tỉnh Khánh Hòa. Ngày 30/6/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 62/NQ-HĐND ngày 22/8/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng ông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1) cho 66 xã nằm ngoài “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050“, “quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm“; 26 xã còn lại sẽ tiếp tục tham mưu khi hai quy hoạch trên được duyệt.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai 2 nghị quyết trên. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 6166/KH-UBND ngày 07/7/2022 tổ chức thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới “giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 12/6/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch số 5664/KH-UBND thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2023 - 2025. Chương trình triển khai ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2025.

Tỉnh Khánh Hòa xác định, việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động cộng đồng, góp phần xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khanh-hoa-chuyen-doi-so-huong-toi-nong-thon-moi-thong-minh-278361.html