Khánh Hòa dừng xây trụ sở ngàn tỷ: Điều nên chấm dứt

'Cần thực hiện cơ chế 'áp đặt', buộc dừng xây dựng các trung tâm hành chính để chờ đánh giá, xem xét toàn diện'...

Khánh Hòa vừa quyết định chấm dứt đầu tư dự án Khu trung tâm hành chính tỉnh (tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng) theo hình thức BT. Về phần Khánh Hòa, lãnh đạo địa phương vẫn bày tỏ mong muốn được thực hiện dự án theo hình thức BT nhằm đẩy nhanh tiến độ và giúp dự án sinh lợi.

Tuy nhiên, tại thời điểm Khánh Hòa bị vướng nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án theo chủ trương BT, dự án phải dừng lại để chờ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ.

Trung tâm hành chính hoành tráng của Đà Nẵng gây nhiều tranh cãi. Ảnh: VnE

Trung tâm hành chính hoành tráng của Đà Nẵng gây nhiều tranh cãi. Ảnh: VnE

Nói lời thật về dự án này, ông Lê Việt Trường - nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng, Khánh Hòa không nên "chạy đua" làm xây trung tâm hành chính mà dồn lực phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển xã hội.

Theo ông Trường, quyết định chấm dứt dự án theo hình thức BT là do Khánh Hòa đã nhận ra những vấn đề bất cập từ chủ quá trình triển khai dự án theo hình thức đầu tư nêu trên. Đó là nhận thức và quyết định đúng đắn.

Ông Trường nhấn mạnh, về bản chất đầu tư dự án theo hình thức BT là một chủ trương tốt, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện mới bộc lộ nhiều bất cập, sai phạm.

Những sai phạm, bất cập từ chủ trương đầu tư theo hình thức BT thực tế đã được ghi nhận ở nhiều nơi, nhiều địa phương. Bản chất của việc kêu gọi đầu tư theo hình thức BT thời gian qua chính là đổi đất lấy hạ tầng, đổi dự án lấy dự án. Những sai phạm xuất phát từ việc định giá đất, xác định giá đất khi giao cho nhà đầu tư không được thực hiện công khai, minh bạch dẫn tới nhiều lùm xùm, tiêu cực. Tham nhũng cũng được "đẻ ra" từ chính cách thực hiện thiếu rõ ràng nêu trên.

Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, nhiều kết luận sai phạm liên quan tới các dự án BT cũng đã được chỉ ra. Đã có những dự án bị điều tra, khởi tố, nhiều cá nhân, lãnh đạo ở các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì có liên quan tới việc triển khai thực hiện các dự án BT không đúng quy định, gây thất thoát, lãng phí.

Chính vì những bất cập quá rõ như vậy, Chính phủ đã phải chỉ đạo các địa phương tạm dừng thực hiện các dự án theo hình thức BT để rà soát, đánh giá và có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể. Đây là động thái tích cực, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện.

Khánh Hòa quyết định chấm dứt dự án trung tâm hành chính theo hình thức BT để chờ Chính phủ hướng dẫn cho thấy, địa phương đã lĩnh ngộ, và tiếp thu, thực hiện rất nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Các địa phương khác cũng cần nhìn nhận và làm theo.

Ông Trường nhấn mạnh, với những địa phương lập luận rằng sử dụng trụ sở cũ, thực hiện đấu giá đất, đấu thầu dự án công khai thu hút nguồn lực đầu tư cũng không nên thực hiện dự án khi chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể từ Chính phủ.

"Tôi cho rằng, phải có mệnh lệnh yêu cầu các địa phương chấm dứt ngay việc triển khai thực hiện các dự án theo hình thức BT để chờ có văn bản hướng dẫn hoàn chỉnh", ông Trường nói.

Bàn thêm về dự định xây trung tâm hành chính hoàng tráng của Khánh Hòa nói riêng và các địa phương khác như Bình Phước, Hòa Bình, Hải Dương... nói chung, ông Trường nói thẳng, đó là không cần thiết, phải xem lại.

Ông Trường nhắc lại chuyện cũ khi còn là ĐBQH, ông từng lên tiếng cảnh báo về một trào lưu xây trụ sở, quảng trường, tượng đài hoành tráng... tại các địa phương. Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ và phản đối vì cho rằng không cần thiết phải phô trương, hình thức quá mức như vậy. Hơn nữa, đó đều là những công trình tiêu tốn nhiều nguồn lực, nhiều tiền của trong khi chúng ta lại đang rất thiếu những công trình phục vụ nhu cầu an sinh xã hội, thiếu nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Mặc dù đã lên tiếng cảnh báo, cùng những phản biện mạnh mẽ xong theo nguyên ĐBQH Khóa XIII, tinh thần tiếp thu ở địa phương rất hạn chế.

"Ở nơi này nơi khác họ vẫn che chắn rất kỹ và lặng lẽ thực hiện. Tới khi dư luận lên tiếng cũng là lúc dự án đã hoàn thành.

Bây giờ lại tới trào lưu xây dựng trung tâm hành chính tập trung, chủ trương này cũng đang vấp phải rất nhiều phản ứng.

Đà Nẵng là ví dụ điển hình của những ý kiến đánh giá trái chiều về hiệu quả, tính tiện ích của dự án này. Khi mới làm thì đấu tranh làm cho bằng được, bây giờ làm xong rồi lại lấy lý do thiếu dưỡng khí, thiếu gió... phải khắc phục nếu không phải làm dự án khác.

Việc tiêu tiền một cách thiếu thận trọng, lãng ví tiền thuế của dân, nguồn lực của ngân sách là điều cần phải lên án.

Tư tưởng chạy đua, tỉnh này phải có, tỉnh kia cũng phải có phải chấm dứt ngay", ông Trường nhấn mạnh.

Khánh Hòa: Chấm dứt dự án trung tâm hành chính 4.300 tỷ

Ông Trường lưu ý thêm, Chính phủ đang quyết liệt trong chủ trương thực hiện tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, nhiều đầu mối công việc bị thu gọn, xây dựng trung tâm hành chính là không phù hợp.

"Trong bối cảnh có nhiều biến đổi về mặt tổ chức, cơ cấu biên chế, đầu mối công việc và có thể còn nhiều cuộc cải cách nữa... nếu xây trung tâm hành chính tập trung kiểu đếm đầu đơn vị gom về một chỗ, tới khi tinh giảm, tinh gọn lại thừa ra cả một tòa nhà mênh mông không có ai ngồi, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tôi vẫn cho rằng, các địa phương không nên chạy đua làm trung tâm hành chính tập trung, đợi đến khi kinh tế phát triển, điều kiện thuận lợi có làm cũng chưa muộn.

Về phía Chính phủ cũng đã có chỉ đạo không dùng ngân sách đầu tư xây dựng trung tâm hành chính địa phương nhưng như vậy chưa đủ. Cần thực hiện cơ chế "áp đặt", buộc các địa phương dừng lại, không được xây dựng các trung tâm hành chính để chờ đánh giá, xem xét toàn diện", ông Trường bày tỏ.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/khanh-hoa-dung-xay-tru-so-ngan-ty-dieu-nen-cham-dut-3394843/