Khánh Hòa lên phương án đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

Trước tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 còn thấp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa dự kiến thông qua một số Nghị quyết để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế…

Ngày 29/3, trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Khánh Hòa, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh cho biết, theo rà soát, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Khánh Hòa chưa cao.

Cụ thể, tính đến ngày 31/1/2023, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt 83,3% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 91,6% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao.

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Khánh Hòa.

Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm nguồn bội chi ngân sách địa phương) giải ngân đạt 97,9% kế hoạch; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (vốn trong nước, không bao gồm vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia) giải ngân đạt 83,6% kế hoạch; nguồn vốn Trung ương bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 66,5% kế hoạch.

Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (cấp phát từ ngân sách Trung ương) giải ngân đạt 73,8% kế hoạch. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi (nguồn vốn này là vay lại Chính phủ để thực hiện các dự án ODA) giải ngân đạt 68,2% kế hoạch.

Ông Nguyễn Khắc Toàn cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do một số dự án trên địa bàn huyện Cam Lâm đang phải ngừng triển khai để rà soát, phục vụ công tác lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm nhằm tránh sự chồng chéo về quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Khánh Hòa lên phương án đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Trung Nhân.

Bên cạnh đó, nguồn thu tiền sử dụng đất thực tế của một số địa phương không đạt kế hoạch giao đầu năm, ảnh hưởng đến việc phân bổ và giao kế hoạch vốn thực tế cho các dự án đầu tư công.

Ngoài ra, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát và vốn vay lại Chính phủ, tiến độ giải ngân chậm là do vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải – Tiểu dự án TP Nha Trang.

“Trước tình hình đó, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế, Kỳ họp thứ 9 Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra trong ngày 30/3 sẽ xem xét, cho ý kiến về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 sang năm 2023.

Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo nguyên tắc: điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án theo nhu cầu, khả năng thực hiện và khả năng giải ngân kế hoạch vốn thực tế của các chủ đầu tư; bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án cấp thiết thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền sau khi các dự án hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định.

Song song đó là, bổ sung nguồn vốn dự phòng năm 2023 để ưu tiên bố trí cho các dự án trọng điểm, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…” – ông Nguyễn Khắc Toàn cho biết.

Trung Nhân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khanh-hoa-len-phuong-an-day-nhanh-toc-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html