Khánh Hòa: Người dân phải dùng nước nhiễm flo vì hạn hán

Những cơn mưa cuối năm qua không thể xua tan nỗi lo hạn nặng khi 2.600ha đất hoa màu của tỉnh Khánh Hòa không thể sản xuất vụ đông xuân 2015-2016. Và tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn đã đang hiện hữu…

Hạn hán, nước sinh hoạt càng hiếm…

Kể từ tháng 9.2014 đến nay, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) luôn quay quắt lo tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước cho sản xuất. Mùa mưa vừa qua, trên địa bàn thị xã chủ yếu mưa ở gần biển còn 10 xã phía tây thì hầu như không có mưa, nên hiện đang rất khó khăn về nguồn nước. “Khu vực này nhà máy nước vẫn chưa kéo hệ thống nước đến được nên người dân vẫn sử dụng hệ thống nước tự chảy, nước giếng. Trong khi đó, lượng nước giếng đang bị tụt giảm mạnh, người dân phải sử dụng nước giếng nhiễm phèn, flo nặng. Thị xã đang hết sức lo lắng khi mùa hạn sắp đến”- ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết.

Các tổ chức, các nhân tham gia vào đầu tư vào 13 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn của Khánh Hòa sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi. Các hộ dân ở vùng miền núi, hải đảo gặp khó khăn về nguồn nước sẽ được ưu tiên đầu tư.

Ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây (TX. Ninh Hòa) cho hay: “Cả xã hiện chưa tiếp cận được nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhiều thôn thiếu nước sạch nghiêm trọng. Nguồn nước được sử dụng chủ yếu là nước tự chảy, nước giếng và nước suối. Xã đang chờ thị xã đầu tư hệ thống nước máy để giúp dân đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân”.

Cách thị xã Ninh Hòa gần 100km, người dân ở xã Cam Tịnh Tây (TP. Cam Ranh) cũng đang khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt khi nguồn duy nhất ở đây gần như cạn kiệt. Chắt chiu từng giọt nước mưa, chị Thị Xèo (xã Cam Thịnh Tây) nói: “UBND xã khuyến cáo năm nay có thể tiếp tục hạn nên gia đình tôi phải đầu tư bể chứa nước mưa để dự trữ. Năm ngoái hạn nặng, cả nhà phải đi bộ gần 4km để gánh nước rất cực khổ”. Còn ông Mang Phương - Phó Chủ tịch xã Cam Thịnh Tây cho biết: “Chưa hết mùa mưa mà đã lo hạn. Để chống hạn, hiện nay xã đã đào 10 giếng để phục vụ nước cho người dân. Nguồn nước này hiện đáp ứng đủ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân nhưng chất lượng nước vẫn chưa đảm bảo. Xã đã có văn bản đề nghị TP.Cam Ranh đấu nối hệ thống nước máy để giúp người dân có nước sạch sinh hoạt”.

Mới đầu mùa khô, nhiều địa phương phía tây tỉnh Khánh Hòa đã thiếu nước sinh hoạt
nghiêm trọng. Ảnh: Mai Khuê

Kêu gọi đầu tư công trình nước sạch

Theo Sở NNPTNT Khánh Hòa, toàn tỉnh có 18 hồ tích nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhưng có 6 hồ chỉ đạt từ 18-70% dung tích thiết kế. Trong thời gian tới Khánh Hòa tiếp tục rơi vào tính trạng hạn nặng. Đã gần hết tháng 2 nhưng mực nước ở 2 hồ chính của địa phương là Đá Bàn (75 triệu m3) chỉ trên mực nước chết khoảng 5m (khoảng 14 triệu m3), hồ Ea Krong Rou (35 triệu m3) trên mực nước chết khoảng 4,5m (8,5 triệu m3), ngoài ra, còn hàng loạt công trình thiếu nước hoặc không có nước như: Đập Cùng, đập dâng Phước Mỹ, đập Khúc…

Để chủ động chống hạn, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các địa phương đào ao trữ nước, khoan giếng; các địa phương có nguy cơ thiếu nước phải xây dựng phương án chống hạn để chủ động sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; chuyển đổi cây trồng ngắn ngày, luân canh lúa - đậu xanh – đậu phụng (lạc) - bắp ngô; sử dụng các giống lúa chịu hạn… Bên cạnh đó, cuối năm 2015 tỉnh đã bổ sung ngân sách cho các địa phương 5 tỷ đồng để hỗ trợ công tác chống hạn.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định đưa 13 công trình nước sinh hoạt nông thôn vào danh mục dự án kêu gọi doanh nghiệp đầu tư năm 2016, với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, trong đó có 3 công trình nâng cấp, 10 công trình đầu tư mới, khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 50.000 dân.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/khanh-hoa-nguoi-dan-phai-dung-nuoc-nhiem-flo-vi-han-han-663513.html