Khánh Hòa vươn lên mạnh giàu từ biển

Sau thời gian suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến nay, kinh tế tỉnh Khánh Hòa đang hồi phục, tạo đà phát triển mạnh. Kinh tế biển tiếp tục được khẳng định trong quá trình xây dựng Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Kết thúc năm 2022, Khánh Hòa tăng trưởng GRDP 20,7%, cao nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người gần 77 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thu nhập này chỉ bằng 80% mức trung bình chung của cả nước. Trước đó, 2 năm (2020, 2021), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng âm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do lượng khách du lịch sụt giảm, các thị trường truyền thống, chiếm tỷ trọng lớn như Trung Quốc, Nga vẫn chưa thể khôi phục. Tỉnh Khánh Hòa xác định mục tiêu đến năm 2050 trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, xanh, thông minh và đứng đầu khu vực.

Tuyến đường 6 làn xe hiện đại tạo điều kiện thu hút đầu tư vào Vân Phong.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch cho rằng, với lợi thế biển, đảo, Khánh Hòa cần phát triển thêm các thị trường như Châu Âu, Bắc Mỹ, đa dạng các sản phẩm du lịch cao cấp, đồng thời dành không gian để phát triển kinh tế đêm.

“Định hướng sản phẩm là nhóm đặc thù, chỉ có Khánh Hòa có hoặc nếu nơi khác họ có thì chúng ta phải chất lượng cao hơn. Đó là du lịch vịnh, đảo. Khám phá mũi Cực Đông, trải nghiệm Trường Sa. Bên cạnh đó, có những sản phẩm nhỏ nhưng độc đáo ví dụ như con đường Trầm Hương, bước chân theo bác sỹ A. Yersin, đấy là những cái chỉ có Khánh Hòa có thôi.” Tiến sĩ Phạm Trung Lương nói.

Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh trở thành khu du lịch hiện đại, đẳng cấp

Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385km, thuộc loại dài nhất trong 28 tỉnh ven biển của Việt Nam. Với nhiều vịnh, đầm, cảng, Khánh Hòa có nhiều lợi thế khác biệt, đẳng cấp so với các địa phương trong cả nước. Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì Khánh Hòa chưa chuyển hóa “lợi thế so sánh” thành “lợi thế cạnh tranh”, chưa tạo được sự đột phá. Trong thời gian gần đây, Khánh Hòa đang quy hoạch tỉnh và 3 khu vực: Vân Phong, Nha Trang, Cam Lâm để hiện thực hóa tiềm năng – lợi thế thành lợi ích phát triển. Khánh Hòa đang dần trở thành trung tâm của tiểu vùng Nam Trung bộ, trong đó, Khu Kinh tế Vân Phong sẽ có sức hấp dẫn toàn cầu, một trung tâm cạnh tranh quốc tế hàng đầu của Việt Nam.

Hạ tầng tại Khu Kinh tế Vân Phong đang được đầu tư mạnh mẽ.

Theo ông Trần Đình Thiên thì Vân Phong cùng với Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh tạo thành chuỗi đô thị biển, là trục cốt lõi của đô thị Khánh Hòa trong thời gian tới: “Đường hải hành quốc tế quan trọng nhất đi qua Việt Nam, tọa độ gần nhất, thuận lợi nhất cho đường hải hành đấy là Vân Phong. Đây là lợi thế chiến lược dài hạn và mang tầm quốc tế. Trước mắt, 10 năm tới, Khánh Hòa làm một cảng tổng hợp, lâu dài, phải có cảng trung chuyển. Sẽ có một tổ hợp liên kết quốc tế cho Khánh Hòa. Về công nghiệp, các loại liên quan đến thép và năng lượng, 2 loại này liên quan với nhau.”

Thành phố Nha Trang với nhiều nhà cao tầng, hiện đại

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, không gian phát triển các khu chức năng trong Khu Kinh tế Vân Phong gồm các khu du lịch, dịch vụ du lịch với các loại hình du lịch sinh thái - vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino...; phát triển về cảng biển, cảng hàng không và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics. Khu Kinh tế Vân Phong sẽ phát triển thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư, là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng, có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch ở phía bắc Vân Phong, công nghiệp ở phía Nam Vân Phong giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.

Cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột kết nối giữa Tây nguyên và các cảng biển tại Vân Phong

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết: “Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ tiến hành ngay, hàng loạt các quy hoạch phân khu, định hình 17 phân khu cơ bản. Có đề xuất, bổ sung 5 khu công nghiệp mới. Công nghiệp, đô thị, du lịch, các cảng hành khách quốc tế...Hiện nay, chưa xác định từng dự án cho nên chưa xác định được từng đề xuất, đề xuất rất nhiều.”

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, muốn có tương lai tốt thì phải làm tốt công tác quy hoạch. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh du lịch, dịch vụ; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp... Sắp đến, tỉnh Khánh Hòa sẽ công bố các quy hoạch quan trọng của tỉnh gắn với xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để khơi thông mọi nguồn lực, tạo nguồn bổ sung cho đầu tư phát triển; thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia như các tuyến đường cao tốc Vân Phong- Nha Trang, Khánh Hòa- Buôn Mê Thuột.

Nha máy đóng tàu Hyundai- Việt Nam tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

“Đây là những hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất quan trọng ở khu vực Bắc và Nam Vân Phong. Lâu nay chúng ta chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của Vân Phong. Hiện nay, đã có những cơ chế, chính sách và một loạt những nội dung hạ tầng quan trọng để phục vụ cho định hướng trở thành phố trực thuộc Trung ương. Các cơ chế, chính sách đáp ứng được yêu cầu đấy, thực sự tạo ra được sự đột phá.” - ông Nguyễn Hải Ninh nói./.

Thái Bình/VOV Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/khanh-hoa-vuon-len-manh-giau-tu-bien-post1011001.vov