Khánh Sơn từng bước chuyển mình

Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã mở ra cơ hội lớn để huyện miền núi Khánh Sơn phát triển vươn tầm, với mục tiêu trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng trong tương lai.

Chuyển mình đi lên

Khánh Sơn một ngày chớm xuân. Men theo dòng sông Tô Hạp chảy ngược về phía tây, từ xã Ba Cụm Nam qua các địa phương: Sơn Trung, thị trấn Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm đi xã Thành Sơn, xe chúng tôi bon bon trên những cung đường nhựa phẳng lì đến trung tâm xã, đường bê tông đã về đến tận các khu dân cư, khu sản xuất. Những vườn sầu riêng, vườn bưởi da xanh, chôm chôm… đâm chồi, nảy lộc xanh mướt mắt, thấp thoáng là những homestay, những ngôi nhà bề thế của người dân mới được xây dựng sau vụ mùa bội thu. Trò chuyện với người dân địa phương, chúng tôi thấy trong ánh mắt họ rộn rã niềm vui khi Khánh Sơn đã chuyển mình đi lên, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày càng được cải thiện…

Lãnh đạo huyện Khánh Sơn đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng huyện.

Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ: Sau 63 năm giải phóng (20-11-1960), nhất là từ khi tái lập huyện ngày 27-6-1985, Khánh Sơn đã từng bước “thay da, đổi thịt”, hạ tầng được quan tâm đầu tư; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được chú trọng; quốc phòng an ninh được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương hàng năm tăng từ 8 đến 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, trong đó ngành nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, chiếm 69,95%; thương mại - dịch vụ và du lịch chiếm 18,13%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 11,91%. Đặc biệt, địa phương đã tận dụng lợi thế riêng có, phát triển thành vùng cây ăn quả lớn nhất tỉnh, với hơn 3.500ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy nhanh công tác giảm nghèo của địa phương…

Sầu riêng Khánh Sơn đã trở thành thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Theo ông Đinh Văn Dũng, tuy gặp nhiều thách thức nhưng năm 2023, huyện Khánh Sơn đã thực hiện đạt và vượt 27 trong số 31 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được địa phương triển khai hiệu quả như: Triển khai xây dựng Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng theo định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; tổ chức tốt việc lập các quy hoạch quan trọng của huyện; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn để tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của huyện… Đây là những tiền đề quan trọng, đưa Khánh Sơn chuyển mình đi lên trong tương lai không xa.

Tiểu đô thị sinh thái trong tương lai

Khát vọng vươn tầm của huyện nghèo Khánh Sơn đã được tiếp thêm động lực khi các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển tỉnh đã có những định hướng, cơ chế đặc thù để tỉnh tập trung nguồn lực, đầu tư cho 2 huyện miền núi. Trong đó, Khánh Sơn được định hướng phát triển trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Kinh tế - xã hội huyện, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sẽ phát triển theo hướng nhanh, bền vững, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa, có vai trò đảm bảo an ninh, môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, đại đoàn kết các dân tộc.

Khánh Sơn đang được xây dựng trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng trong tương lai.

Trong tương lai không xa, huyện Khánh Sơn được xây dựng trở thành vùng du lịch sinh thái, với những giá trị sinh thái cảnh quan và văn hóa đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, lồng ghép không gian sinh thái nông - lâm nghiệp, trong đó thị trấn Tô Hạp được xây dựng trở thành trung tâm dịch vụ lữ hành và lưu trú. Hệ thống đô thị địa phương sẽ phát triển hài hòa, kết hợp giữa khu vực hiện hữu và các không gian phát triển mới ở Sơn Lâm, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam…; khai thác và bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, gắn với hệ thống mặt nước. Hệ thống đô thị của huyện sẽ phát triển theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng trên cơ sở hình thành các đô thị có mật độ cây xanh, sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, kiến tạo các vành đai xanh, hạ tầng xanh… nhằm từng bước đưa Khánh Sơn trở thành điểm đến độc đáo của tỉnh. Khi ấy, Khánh Sơn được xây dựng phát triển thành điểm đến nghỉ dưỡng của các không gian sinh thái, văn hóa có giá trị cao, sẽ là trung tâm du lịch vùng núi, với trọng tâm khai thác khía cạnh văn hóa di sản đàn đá Khánh Sơn và văn hóa cồng chiêng...

Tiềm năng, lợi thế phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phát triển du lịch sẽ được huyện Khánh Sơn phát huy tối đa.

Truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai được phát huy, gắn với phát triển du lịch.

Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn nhìn nhận: “Định hướng, cơ chế, chính sách đặc thù là cơ hội, là động lực cho Khánh Sơn phát triển; phải lan tỏa được đến với mỗi nhà, từng người. Để hơn ai hết, người Khánh Sơn phải khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của mình; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nhất là chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… để nâng cao thu nhập, đời sống của từng hộ dân, từ đó thực hiện thành công mục tiêu đưa Khánh Sơn thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025 và xây dựng Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng như định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị”.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2024/202402/khanh-son-tung-buoc-chuyen-minh-bdf7e50/