Khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Mai Sơn - Quốc lộ 45

Từ hôm nay (29/4), cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khánh thành, người dân có thể di chuyển qua cao tốc vào sáng cùng ngày.

 Sáng 29/4, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua địa phận 2 tỉnh Đồng Nai (khoảng 51,5 km) và Bình Thuận (khoảng 47,5 km) và Mai Sơn - quốc lộ 45 (nối Ninh Bình - Thanh Hóa), được khánh thành. Trong ảnh, Thủ tướng và đoàn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại điểm cầu Bình Thuận.

Sáng 29/4, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua địa phận 2 tỉnh Đồng Nai (khoảng 51,5 km) và Bình Thuận (khoảng 47,5 km) và Mai Sơn - quốc lộ 45 (nối Ninh Bình - Thanh Hóa), được khánh thành. Trong ảnh, Thủ tướng và đoàn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại điểm cầu Bình Thuận.

Từ sáng sớm, dọc khu vực diễn ra lễ khánh thành tuyến cao tốc được thắt chặt an ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận việc khánh thành 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Ninh Bình, Thanh Hóa, các địa phương lân cận và lớn hơn là của vùng và cả nước nói chung.

"Đây là những đoạn tuyến quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận - TP.HCM, giữa Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa và các địa phương khác. Việc đưa vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao dịp nghỉ lễ", Thủ tướng nói.

Ông Chính cũng cho rằng với vị trí quan trọng, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác cũng mang lại lợi thế cạnh tranh logistics với các nước trong khu vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng nhìn nhận việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo (ngày 19/5 tới) tạo động lực quan trọng khai thác tối đa tiềm năng địa phương và tăng sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, nhằm khai thác tối đa lợi thế, cơ hội, ông Dũng cho hay Bình Thuận tập trung hoàn chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, cơ chế chính sách, hợp tác đa phương lẫn song phương, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển mạnh hơn logistics và các ngành đầu tư trụ cột.

Đoàn xe của Thủ tướng và bộ, ngành, địa phương lăn bánh trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ km 0, đánh dấu cột mốc hoàn thành, đưa công trình vào khai thác. Công trình trước khi đưa vào thông xe nhận được sự quan tâm của người dân nhiều địa phương phía nam.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu km 0+000 tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (cách quốc lộ 1A 2,6 km). Điểm cuối kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại km 43+125.

Công trình có tổng vốn hơn 12.500 tỷ đồng, được đưa vào thông xe sau 3 năm thi công, rút ngắn hành trình đi lại của người dân, du khách từ TP.HCM đến trung tâm Phan Thiết còn một nửa, với khoảng 2 giờ di chuyển.

Nằm ở cửa ngõ miền Trung, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ là vùng nối "xương sống" tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, kéo theo sự phát triển của bất động sản xung quanh cũng như các ngành kinh tế xã hội.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo dự kiến khánh thành dịp 30/4. Đồ họa: Tiến Hoàng.

Chí Hùng - Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khanh-thanh-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-mai-son-quoc-lo-45-post1426573.html