Khảo sát: Một nửa tòa soạn trên thế giới sử dụng AI Sáng tạo

Kể từ khi ChatGPT của OpenAI bùng nổ vào cuối năm 2022, các công nghệ AI đang bùng nổ, và ngành báo chí cũng không hề đứng ngoài cuộc chơi.

Đặc biệt, ngành công nghiệp truyền thông tin tức đang vật lộn với một số câu hỏi sâu sắc và phức tạp về ý nghĩa của Trí tuệ nhân tạo Sáng tạo (GenAI) đối với việc làm báo. Dù không còn nhiều rủi ro về việc AI có thể thay thế các nhà báo hoàn toàn, nhưng vẫn có những lo ngại nhất định, chẳng hạn như về độ chính xác của thông tin, đạo văn và quyền riêng tư dữ liệu.

Ảnh: Internet

Để có cái nhìn tổng quan về vị thế của mọi thứ trong ngành, Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN-IFRA) đã khảo sát vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đối với cộng đồng báo chí toàn cầu gồm các nhà báo, các tổng biên tập và các chuyên gia tin tức khác về cách các tổ chức sử dụng các công cụ GenAI.

Một nửa số tòa soạn đã hoạt động với GenAI

Điều khá đáng chú ý là gần một nửa (49%) số đơn vị trả lời khảo sát nói rằng toàn soạn của họ đang sử dụng các công cụ AI.

Nhìn chung, thái độ về AI Sáng tạo trong ngành là cực kỳ tích cực: 70% người tham gia khảo sát cho biết họ mong đợi các công cụ AI Sáng tạo sẽ hữu ích cho các nhà báo và các tờ báo. Chỉ 2% cho biết họ không thấy giá trị trong ngắn hạn, trong khi 10% khác không chắc chắn. 18% cho rằng công nghệ cần phát triển hơn nữa để thực sự hữu ích.

Tóm tắt nội dung là công cụ phổ biến nhất

Mặc dù đã có một số phản ứng hơi hoang mang đối với ChatGPT khi đặt câu hỏi liệu công nghệ này có thể thay thế các nhà báo hay không, nhưng thực tế số lượng tòa soạn sử dụng các công cụ GenAI để viết báo là tương đối thấp. Thay vào đó, đa phần các công cụ AI được sử dụng để tổng hợp và tóm tắt các thông tin. Các nhiệm vụ quan trọng khác của AI bao gồm nghiên cứu/tìm kiếm đơn giản hóa, chỉnh sửa văn bản và cải thiện quy trình làm việc.

Tuy nhiên, trong tương lai, việc sử dụng AI có thể trở nên phổ biến hơn khi ngày càng có nhiều tòa soạn tìm cách sử dụng công nghệ mới và tích hợp chúng trong hoạt động của mình. Những người được hỏi đã cho biết họ mong chờ khả năng cá nhân hóa, dịch thuật và mức độ cải thiện quy trình công việc cao hơn của AI trong tương lai.

Rất ít tòa soạn được hướng dẫn sử dụng GenAI

Có rất nhiều cách làm khác nhau liên quan đến cách kiểm soát việc sử dụng các công cụ GenAI tại các tòa soạn. Hiện tại, phần lớn các nhà xuất bản có cách tiếp cận thoải mái: gần một nửa số người tham gia khảo sát (49%) nói rằng các nhà báo của họ có quyền tự do sử dụng công nghệ khi họ thấy phù hợp. 29% nói rằng họ không sử dụng GenAI.

Chỉ 1/5 số người được hỏi (20%) nói rằng họ có hướng dẫn từ ban biên tập về thời điểm và cách sử dụng các công cụ GenAI, trong khi 3% nói rằng việc sử dụng công nghệ này không được cho phép tại nơi họ làm việc.

Thông tin sai lệch và đạo văn

Cũng có những trường hợp hãng tin đã xuất bản nội dung được tạo ra bởi các công cụ AI và sau đó phát hiện ra các thông tin này sai hoặc không chính xác. 85% người trả lời khảo sát nhấn mạnh đây là một vấn đề cụ thể mà họ gặp phải liên quan đến GenAI.

Một mối quan tâm khác là các vấn đề liên quan đến đạo văn và vi phạm bản quyền, tiếp theo là các vấn đề về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu. Điều cần làm hiện nay là phát triển các chính sách AI từ phía các nhà chức trách cũng như các tổ chức báo chí, cùng với đó là đào tạo nhân viên và trao đổi cởi mở về việc sử dụng các công cụ GenAI một cách có trách nhiệm.

Hoàng Tôn (theo WAN-IFRA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khao-sat-mot-nua-toa-soan-tren-the-gioi-su-dung-ai-sang-tao-post249194.html