Khảo sát thực tế công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững

Đồng chí Thân Thị Ngọc Kiều, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cho biết: qua khảo sát, Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách có ý kiến đến Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, UBND thành phố Trà Vinh, UBND huyện Tiểu Cần chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo và kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Đồng chí Nguyễn Minh Mẫu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần báo cáo công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững trên địa bàn huyện tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh vào sáng ngày 03/5/2024.

Đồng chí Nguyễn Minh Mẫu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần báo cáo công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững trên địa bàn huyện tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh vào sáng ngày 03/5/2024.

Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh vừa tiến hành khảo sát thực tế công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, giai đoạn 2021 - 2023 tại thị trấn Cầu Quan, thị trấn Tiểu Cần (huyện Tiểu Cần) và Phường 7, Phường 9 (thành phố Trà Vinh).

Qua khảo sát cho thấy, UBND thị trấn Cầu Quan quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị theo Luật Quy hoạch năm 2017 và Luật Kiến trúc năm 2019. Hiện, thị trấn Cầu Quan có 100% hộ có điện sử dụng; có 100% tuyến đường phố chính và ngõ xóm được chiếu sáng; giai đoạn năm 2022 - 2023, thị trấn Cầu Quan được đầu tư 14/14 công trình công cộng đúng quy hoạch được duyệt, có kiến trúc hài hòa, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 100%. Thị trấn Cầu Quan được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận đô thị loại V vào năm 2017.

Thị trấn Tiểu Cần được đầu tư mới hệ thống chiếu sáng các trục đường chính đô thị, tỷ lệ các đường phố chính khu vực nội thị mở rộng được chiếu sáng đạt 100% và ngõ hẻm được chiếu sáng đạt khoảng 75%; hệ thống thoát nước các tuyến đường được quan tâm cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới; tỷ lệ dân số khu vực nội thị được cấp nước sạch đạt 100%; cây xanh đô thị được quan tâm duy trì và đầu tư mới; tỷ lệ hộ đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt tăng, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt 98%...

Thị trấn Tiểu Cần được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV mở rộng vào năm 2020. Giai đoạn năm 2022 - 2023, thị trấn Tiểu Cần được đầu tư 19 công trình công cộng đúng quy hoạch được duyệt, có kiến trúc hài hòa, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định.

Đối với UBND Phường 7, thành phố Trà Vinh phối hợp thực hiện tốt đồ án quy hoạch về công bố, công khai, cung cấp thông tin, cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị trên địa bàn phường; đầu tư mới hệ thống chiếu sáng các trục đường chính đô thị, nâng cao tỷ lệ chiếu sáng đô thị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, tỷ lệ các đường phố chính trên địa bàn được chiếu sáng đạt 100% và ngõ hẻm được chiếu sáng trên địa bàn đạt khoảng 86%.

Hệ thống thoát nước các tuyến đường được quan tâm cải tạo nạo vét hàng năm, nâng cấp và đầu tư mới; trên địa bàn phường hiện nay xử lý thoát nước thải khu vực nội thị đang sử dụng chung với hệ thống thoát nước mưa dọc theo các trục giao thông vào hệ thống thoát nước do Đức tài trợ và đổ ra hệ thống sông Long Bình, kênh rạch. Tỷ lệ dân số trên địa bàn phường được cấp nước sạch đạt 100%; bình quân đất cây xanh đô thị trên dân số khu vực nội thị đạt 2,92m2/người; công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt được quan tâm thực hiện, tỷ lệ hộ đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt tăng, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt 100%; tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn phường đạt 100%.

Hiện, Phường 7 có 01 quy hoạch kiến trúc về nhà ở, thực hiện quản lý tốt về đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị; giai đoạn năm 2021 - 2023 Phường 7 được đầu tư nhiều công trình nâng cấp hẻm, bó lề đường, lát gạch vỉa hè, hệ thống thoát nước... góp phần phát triển đô thị địa phương.

UBND Phường 9 thường xuyên rà soát những khu quy hoạch không còn phù hợp hoặc đã hết thời gian quy hoạch đề xuất về các ban, ngành tỉnh, thành phố xem xét điều chỉnh hoặc xóa bỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin phép xây dựng nhà ở; định kỳ hàng tháng UBND Phường 9 đều kiến nghị các đơn vị có liên quan nạo vét hệ thống thoát nước, hệ thống đường dây dẫn điện, cấp nước có dấu hiệu bị rò rỉ để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng kịp thời; thường xuyên rà soát những tuyến đường, hẻm liên khóm chưa được đầu tư đồng bộ kiến nghị về các cấp có thẩm quyền đầu tư; phường có tổng cộng 09 tuyến đường chính và 63 tuyến hẻm. Tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn phường đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,97%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ đất ở tại đô thị chiếm 91,14ha.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững tại các địa phương nói trên còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững từng lúc chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ.

Một góc đô thị Phường 7, thành phố Trà Vinh.

Một góc đô thị Phường 7, thành phố Trà Vinh.

Công tác định hướng đề xuất các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn như về quy mô, vị trí, công suất, tỷ lệ giao thông... chưa đạt theo quy hoạch do kinh phí bồi hoàn, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình không có, việc vận động hiến đất, vật kiến trúc, cây trái hoa màu có mặt cũng còn hạn chế, từ đó một số công trình giao thông chưa đảm bảo chiều rộng đồng bộ tuyến đường.

Việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ và ổn định; hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị còn nhiều hạn chế, công tác chỉnh trang, phát triển đô thị còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Các tuyến đường chính đô thị có mặt đường hẹp, vỉa hè nhỏ, có nơi hư hỏng, sụp lún; các tuyến đường quy hoạch mới để thúc đẩy quá trình đô thị hóa có được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị; diện tích cây xanh đô thị đạt thấp; hệ thống thoát nước sinh hoạt đô thị chưa đồng bộ, thoát chung với hệ thống thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý gây ô nhiễm, chưa có trạm xử lý nước thải tập trung; nhiều tuyến hẻm chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng.

Công tác kêu gọi đầu tư để thực hiện các công trình, dự án gặp khó khăn do quỹ đất sạch còn hạn chế, một số dự án có nhà đầu tư quan tâm thì e ngại trong công tác giải phóng mặt bằng do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cao.

Đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ; chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực chính của đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. Nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế, chỉ giải quyết đầu tư những công trình bức xúc, chưa có dự án trọng điểm mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm nhấn đô thị.

Giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị còn chồng chéo gây khó khăn cho Nhân dân trong việc chuyển mục đích sử dụng đất và xin phép xây dựng. Nhiều khu quy hoạch không còn phù hợp hoặc quy hoạch đã hết hạn nhưng chưa thực hiện hoặc xóa bỏ gây bức xúc trong Nhân dân. Ý thức của một số ít người dân còn hạn chế trong việc thực hiện đăng ký giấy phép xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất…

Đồng chí Thân Thị Ngọc Kiều, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cho biết: Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách có ý kiến đến Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, UBND thành phố Trà Vinh, UBND huyện Tiểu Cần chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo và kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng trên địa bàn tỉnh bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo. Tổ chức quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, vùng đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, đèn đường…), hạ tầng xã hội, khu công cộng đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy định của pháp luật.

Bảo đảm phân loại đất đô thị gắn với quy hoạch đô thị và mục đích sử dụng đất: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt và quy hoạch hạ tầng; nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế khu vực đô thị; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng như vỉa hè trong phát triển kinh tế khu vực đô thị. Tập trung ưu tiên thực hiện mục tiêu về phát triển đô thị theo quy hoạch trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của địa phương; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong các công trình xây dựng đô thị.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các vi phạm trong quy hoạch và các dự án đô thị chậm triển khai, việc quản lý không chặt chẽ, việc cấp giấy phép xây dựng đô thị và việc chuyển mục đích sử dụng đất; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các ngành, các cấp liên quan trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị…

Bài, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-quyen/khao-sat-thuc-te-cong-tac-quy-hoach-xay-dung-quan-ly-va-phat-trien-do-thi-ben-vung-37119.html