Khập khiễng khi áp dụng Uber thua kiện để làm 'án lệ' đối với Grab

Có vẻ như CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đang dựa vào kết quả vụ án Elite Taxi khởi kiện Uber Tây Ban Nha làm căn cứ khởi kiện Grab Việt Nam (Grab). Bằng chứng là Vinasun cố tình cho rằng Grab là doanh nghiệp vận tải và có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nếu dựa vào kết quả vụ kiện ở trời Tây, Vinasun đang mắc nhiều sai lầm.

Elite Taxi thắng kiện Uber Tây Ban Nha không có nghĩa Grab sai

Vào tháng 10/2014, Elite Taxi khởi kiện Uber Tây Ban Nha tại Tòa án Thương mại Tây Ban Nha. Công ty taxi này yêu cầu tòa ra phán quyết rằng các hoạt động của Uber Tây Ban Nha vi phạm các quy định hiện hành, gây nhầm lẫn và cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh Tây Ban Nha. Elite Taxi đồng thời cho rằng Uber Tây Ban Nha phải bị buộc dừng các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị cấm thực hiện các hành vi như thế trong tương lai.

Vinasun đang dựa vào kết quả vụ án Elite Taxi khởi kiện Uber Tây Ban Nha làm căn cứ khởi kiện Grab Việt Nam.

Kết quả, vào tháng 12/2017, Tòa án Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết cho Elite Taxi thắng kiện. Theo đó, Tòa EU cho rằng dịch vụ Uber, về nguyên tắc, là một dịch vụ riêng biệt thuộc dịch vụ vận tải. Dịch vụ Uber dựa trên sự kết nối giữa những tài xế không chuyên, những người sẽ không thể cung cấp dịch vụ vận tải nếu thiếu Uber. Và hành khách, những người đáng lẽ sẽ không sử dụng dịch vụ vận tải đó nếu không có Uber.

Tuy nhiên, nếu lấy kết quả này làm án lệ cho vụ Vinasun kiện Grab thì sẽ rất khập khiễng. Vì bản chất hai vụ việc hoàn toàn khác nhau.

Tháng 2/2018, Vinasun cho rằng Grab vi phạm chương trình thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông Vận tải (chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng). Vinasun còn nói Grab cạnh tranh không lành mạnh và nên được coi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo những lẽ này, Vinasun đòi Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng.

Để thấy khoảng cách giữa hai vụ kiện là khá xa và Vinasun đang mắc nhiều thiếu sót, hãy nhìn lại các yếu tố pháp lý.

Trước hết, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận Grab là pháp nhân cung cấp “ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc hỗ trợ quản lý và kết nối các dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng”, chứ không phải công ty vận tải. Vì thế bộ này mới cho Grab thực hiện chương trình thí điểm. Mặt khác, theo nhiều cơ sở pháp lý (Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 năm 2005, Luật Thương mại số 36/2005/QH11 năm 2005, Nghị định về thương mại điện tử số 52/2013/NĐ-CP năm 2013), Grab được xem là công ty cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử dưới dạng website và ứng dụng cho điện thoại di động và điện thoại thông minh, cho phép tài xế từ các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện các dịch vụ vận tải đường bộ.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai vụ kiện chính là Grab thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc hợp tác với các tài xế. Tài xế Uber Tây Ban Nha chủ yếu là nghiệp dư hoặc không được cấp phép bởi bất kỳ cơ quan nào. Trong khi đó, những tài xế của Grab ở Việt Nam phải có thẻ lái xe taxi (đối với GrabTaxi), hoặc là thành viên của hợp tác xã hoặc doanh nghiệp và có giấy đăng kiểm kinh doanh liên quan đến kinh doanh vận tải (đối với GrabCar). Hiện tại, tất cả các tài xế của Grab Việt Nam đều phải có giấy xác nhận lý lịch tư pháp rõ ràng.

Về hình thức kinh doanh, Vinasun cũng cáo buộc Grab quyết định giá cước vận chuyển. Tuy nhiên, do hợp tác với các hợp tác xã vận tải, Grab không thể tùy ý quyết định giá cước. Thay vào đó, giá cước được xác định trên cơ sở biểu phí tiêu chuẩn đề xuất của các doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải. Việc thanh toán do khách hàng thực hiện bằng tiền mặt hoặc thanh toán điện tử (nhờ Grab thu hộ). Tiền cước tại Tây Ban Nha là do Uber thu trước rồi định đoạt, trong khi ở Việt Nam, tài xế được thu tiền trước khi tính lại với Grab.

Hơn nữa, nếu Vinasun muốn đưa ra lập luận dựa vào các xu hướng pháp lý quốc tế, họ nên tham khảo các quy định pháp luật quốc tế. Chẳng hạn, Singapore chỉ quy định điều chỉnh đối với phương tiện xe cho thuê cá nhân mà không có quy định về dịch vụ gọi xe qua mạng điện tử. Còn quy định kết nối vận tải tại Hoa Kỳ chỉ quyết định áp dụng các quy tắc và quy định bảo vệ an toàn công cộng, không cấm các công ty như Grab tham gia vào ngành công nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, nếu lấy kết quả này làm án lệ cho vụ Vinasun kiện Grab thì sẽ rất khập khiễng. Vì bản chất hai vụ việc hoàn toàn khác nhau.

Lấy hợp tác cạnh tranh thay cho đối đầu

Rõ ràng, với khung pháp lý và các quy tắc vận hành kinh doanh khác nhau, việc lấy vụ kiện Uber Tây Ban Nha làm án lệ tham khảo cho vụ kiện Grab ở Việt Nam là một điều vô lý và hết sức khập khiễng.

Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đối đầu, Vinasun và Grab hợp tác được với nhau sẽ đem lại được nhiều lợi thế cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Các doanh nghiệp taxi truyền thống có kinh nghiệm trong việc quản trị nhân sự và các tài xế của mình, còn Grab có lợi thế về công nghệ. Sự kết hợp này đã được thực tế chứng minh và mang lại được kết quả. Cụ thể, hồi tháng 9/2018, Công ty Taxi Mekong đã quyết định bắt tay với Grab để chiếm lĩnh thị trường tỉnh Bạc Liêu và một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long với hơn 400 xe taxi. Trước đó không lâu, nhận diện được thời thế, Taxi Hoàng Long cũng hợp tác với Grab bằng nhiều hình thức, cụ thể nhất là cho Grab thuê lại ô tô và giới thiệu tài xế cho Grab.

Trong khi cả nước đang sôi sục phong trào khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ 4.0 và được các cơ quan Nhà nước cao nhất ủng hộ, thì Vinasun lại liều lĩnh đơn độc đi ngược xu hướng phát triển kinh tế quốc gia. Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng kinh tế chia sẻ đang là cách làm kinh doanh văn minh trên toàn thế giới.

Nếu Vinasun cầu thị hơn, dám thể hiện bản lĩnh để đối thoại với Grab, tìm ra cách thức hợp tác chung thì người tiêu dùng sẽ ủng hộ mạnh mẽ nhất. Vì xét cho cùng, mục đích cuối cùng của kinh doanh vẫn là phục vụ người tiêu dùng. Trong vụ kiện này, dù cho Vinasun có thắng đi chăng nữa, thì lựa chọn của người tiêu dùng mới là phán quyết có giá trị nhất.

Dương Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/khap-khieng-khi-ap-dung-uber-thua-kien-de-lam-an-le-doi-voi-grab-d73059.html