Khát khao cống hiến của nữ cán bộ kế toán Kho bạc Nhà nước Phú Thọ

25 năm gắn bó với Kho bạc Nhà nước (KBNN) là 25 năm chị tự trau dồi kiến thức, trưởng thành và cống hiến. Dẫu vất vả, nhiều thử thách nhưng quãng thời gian ấy cũng đã mang lại nhiều 'trái ngọt' cho chị. Gương mặt chúng tôi đề cập tới là Nguyễn Thị Việt Hương, Phó trưởng Phòng Kế toán nhà nước, KBNN Phú Thọ.

Khát khao cống hiến

Vào ngành Kho bạc từ khi còn là cô sinh viên mới ra trường (năm 1995), chị Nguyễn Thị Việt Hương đã gắn bó 25 năm với công tác kế toán tại KBNN tỉnh Phú Thọ. Suốt quãng thời gian toàn hệ thống KBNN “lột xác”, thay đổi, từng bước hiện đại, chị Hương cũng như các cán bộ Kho bạc khác cũng phải vất vả thay đổi, tự hoàn thiện bản thân mình, trau dồi kĩ năng nghiệp vụ để phù hợp với yêu cầu của công việc.

Chị Nguyễn Thị Việt Hương vẫn rạng rỡ tại trụ sở cơ quan khi giờ "tan ca" đã điểm từ lâu. Ảnh: Thùy Linh

Chị Nguyễn Thị Việt Hương vẫn rạng rỡ tại trụ sở cơ quan khi giờ "tan ca" đã điểm từ lâu. Ảnh: Thùy Linh

Chi Hương cho biết, nghề Kho bạc là nghề “tay hòm chìa khóa”. Đây là một nghiệp vụ khô khan nhưng lại đòi hỏi ở người làm nghề sự tỉ mỉ, kiên trì và chính xác tuyệt đối. Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, chị luôn chủ động tham mưu, đề xuất với Ban giám đốc các giải pháp trong xử lý nghiệp vụ, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời mọi khoản thu vào ngân sách nhà nước và điều tiết các khoản chi cho các cấp theo đúng tỷ lệ quy định. Cùng với đó, chị tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp, nghiên cứu các văn bản chế độ và luôn sẵn sàng chia sẻ với các cán bộ trẻ những nghiệp vụ mới để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo lời chị Hương, từ năm 2011 đến nay, nghiệp vụ của KBNN luôn có sự thay đổi, nhất là nghiệp vụ kế toán triển khai trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc). Nếu không chịu khó tìm tòi, học hỏi và dành nhiều thời gian nghiên cứu thì sẽ khó thực hiện và đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Đặc biệt, để hướng tới KBNN điện tử với mục tiêu “3 không”: không tiền, không chứng từ và không khách hàng đến giao dịch, cùng với toàn hệ thống KBNN, KBNN Phú Thọ đã tích cực triển khai phối hợp thu với hệ thống ngân hàng, trong đó, phòng Kế toán nhà nước (nơi chị Hương công tác) là đầu mối được giao trọng trách đảm bảo công tác phối hợp thu được hiệu quả, tập trung kịp thời vào ngân sách nhà nước. Trên cương vị công tác, chị đã tích cực nghiên cứu đưa ra nhiều sáng kiến, chia sẻ cùng đồng nghiệp để giải quyết công việc. Chị nhận thức rằng mỗi cán bộ, đặc biệt là cán bộ Kho bạc phải rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt, tích cực học tập nâng cao trình độ, đề cao tính chấp hành pháp luật theo tiêu chí “Người cán bộ Kho bạc đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi, hết lòng phục vụ nhân dân”.

Đặc biệt, mới đây, chị đã cùng các đồng nghiệp công tác tại KBNN Phú Thọ xây dựng đề tài khoa học cấp ngành “Giải pháp hoàn thiện công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước tại KBNN Phú Thọ”. Chia sẻ về lý do chọn đề tài này, chị Hương cho biết, hiệu quả đạt được trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước qua 10 năm là rất lớn, đã được khẳng định rõ ràng, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có tồn tại, vướng mắc cả về khung khổ pháp lý, quy trình nghiệp vụ và tổ chức triển khai thực hiện. Từ những thực tế đó, chị Hương cùng đồng nghiệp mong muốn nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước tại KBNN Phú Thọ trong thời gian tới.

“Phối hợp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Với đề tài khoa học lần này, chúng tôi đã vận dụng kinh nghiệm công tác trong suốt 10 năm qua cùng với nhiều tháng nghiên cứu chuyên sâu, mô tả, phân tích, đánh giá thực trạng từ đó cùng tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thu. Thực tế, nói và chia sẻ những vướng mắc với nhau thì rất dễ nhưng để có thể viết và diễn giải ra sao cho chuẩn ý là điều không đơn giản. Do vậy, đề tài này hoàn thành chính là tâm huyết, mồ hôi công sức cùng tinh thần lao động tập thể, là thành quả quý báu trong quá trình công tác, cống hiến của chúng tôi”, chị Nguyễn Thị Việt Hương nói.

Không ngại khó, ngại khổ

Trong chuyến công tác về KBNN Phú Thọ những ngày tháng 6, phóng viên Báo Hải quan đã thực hiện cuộc gặp gỡ với chị Hương vào cuối buổi chiều khi chị vẫn còn đang dang dở công việc. Lẽ thường, đây là thời điểm mà những người phụ nữ khác đã được về với chồng con, chăm lo cho gia đình nhỏ của mình nhưng với người nữ kế toán này, việc tăng ca, thêm giờ, về muộn là việc xảy ra thường xuyên.

Chia sẻ về thời gian vừa qua, khi KBNN lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ mới – xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018, chị Hương cho biết, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên thì việc này là một công việc hoàn toàn mới. Nó bỡ ngỡ với cả cán bộ kế toán kho bạc cũng như những đơn vị sử dụng ngân sách phải thực hiện báo cáo. Chính vì vậy, khó khăn vất vả dường như nhân đôi khi phòng Kế toán nhà nước vừa phải tìm tòi, học hỏi nghiệp vụ vừa phải động viên, hỗ trợ sát sao các đơn vị khác. Tuy nhiên, chị Hương không giấu nổi niềm vui khi kể với chúng tôi về quãng thời gian “quá tải” đó, công việc bù đầu, điện thoại reo liên tục, nhưng thay vì các cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ hay than vãn như thời gian đầu là sự hào hứng từ đầu giây bên kia, “khoe” rằng “dù có quá tải nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện và đến giờ đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra”.

“Không chỉ riêng tôi mà tất cả những cán bộ công tác tại KBNN Phú Thọ đều phải dành rất nhiều thời gian cho công việc mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là những ngày cuối năm - thời điểm kết thúc niên độ ngân sách và những tháng đầu của năm mới - thời hạn giải ngân vốn đầu tư, công việc tăng lên gấp nhiều lần so với ngày thường. Khi đó, việc đi làm từ 5 giờ sáng và chỉ về nhà khi phố đã lên đèn, chồng con say giấc là chuyện hết sức bình thường. Có lẽ, làm lâu cũng quen và coi đó như một đặc trưng của công việc. Có vất vả và đôi khi là tủi thân nhưng đâu chỉ có riêng mình, xung quanh tôi đồng nghiệp luôn động viên, tương hỗ cho nhau để công việc luôn là niềm vui và là một phần tất yếu của cuộc sống”, chị Hương nói.

Khi chúng tôi hỏi chị về cuộc sống gia đình, chị đã không giấu nổi nỗi xúc động. “Những lúc bận rộn quá, ông bà nội ngoại đã không ngại ngần giúp đỡ. Chồng và các con cũng luôn bên cạnh động viên tôi dù trong hoàn cảnh nào. Chính sự quan tâm, chia sẻ của gia đình luôn là động lực lớn giúp tôi gắn bó với nghề, quyết tâm cống hiến cho cơ quan, đoàn thể và không ngừng phấn đấu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị Nguyễn Thị Việt Hương chia sẻ.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/khat-khao-cong-hien-cua-nu-can-bo-ke-toan-kho-bac-nha-nuoc-phu-tho-129124-129124.html