'Khát' nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Theo TS. Lê Viết Quốc, chuyên gia nghiên cứu tại Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là 1 triệu người, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Những người làm AI đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và các tập đoàn lớn. Nguồn: Internet

Những người làm AI đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và các tập đoàn lớn. Nguồn: Internet

Nhu cần lớn về nhân lực AI

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức hội thảo “Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018”. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức từ ngày 18-24/8.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu; kết nối, hội tụ, chia sẻ và định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về AI cho Việt Nam; thu hút sự quan tâm, đóng góp của giới trí thức người Việt ở nước ngoài nghiên cứu, công tác trong các ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ hàng đầu.

Đồng thời, tạo dựng mạng lưới kết nối các trí thức người Việt tại các quốc gia với đội ngũ làm khoa học, công nghệ trong nước để có thể tham gia góp phần xây dựng các định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định: “Hơn lúc nào hết, những người làm AI đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và các tập đoàn lớn”.

"Lần này, chúng ta sẽ tập trung nguồn lực rất lớn, bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước, từ đó huy động nguồn lực để xây dựng chương trình nghiên cứu phát triển AI", Thứ Trưởng Duy cam kết.

Theo GS., TS. Nguyễn Thanh Thủy, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam đã bắt đầu hình thành AI startup, đặc biệt trong lĩnh vực fintech. Về chương trình đào tạo, môn trí tuệ nhân tạo đã được quan tâm và giảng dạy từ những năm 1975-1977. Đến nay, nhiều trường đại học trên cả nước đã xây dựng các chương trình giảng dạy AI đối với các cấp đại học, sau đại học, hướng tới đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp.

Cũng tại hội thảo, TS. Lê Viết Quốc cho rằng, AI đang đòi hỏi nguồn nhân lực rất cao. Theo một kết quả nghiên cứu, tại Mỹ, top 6 công việc mà mọi người mong muốn tìm kiếm đều thuộc lĩnh vực AI. Hiện nay, nhu cầu nhân lực cho AI cần 1 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10 nghìn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu. Đây là một cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Đó là chưa kể, từ năm 2013 trở lại đây, cứ mỗi năm, đầu tư vào các startup AI tăng gấp đôi. Trong số các công nghệ AI hiện nay, thì đột phá lớn nhất là công nghệ nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói, và ngôn ngữ tự nhiên. Trong đó, riêng công nghệ nhận diện hình ảnh đã có tốc độ tăng trưởng kỳ diệu khi vượt qua khả năng nhận diện của con người vào năm 2016.

Kinh nghiệm đầu tư theo “kiểu Trung Quốc”

Mặc dù vậy, có nhiều thách thức đối với triển khai AI tại Việt Nam liên quan đến vấn đề vốn, vật liệu…

Làm rõ hơn, theo Thứ trưởng Duy, chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam hiện nay khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương gần 150 triệu USD. Nếu cộng thêm cả đầu tư của các tập đoàn lớn như Viettel hay FPT… thì cũng chỉ được vài trăm triệu USD, con số này là quá nhỏ và ít ỏi so với nhiều nước trên thế giới.

Một khó khăn khác, theo TS. Lê Viết Quốc, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam rất dàn trải. TS. Quốc gợi ý, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính đó là đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.

TS. Quốc cũng chia sẻ thêm về 2 mô hình đầu tư được đánh giá là hiệu quả nhất tại thời điểm hiện nay. Đó là đầu tư “kiểu Mỹ” và đầu tư “kiểu Trung Quốc”.

Mô hình đầu tư kiểu Mỹ có đặc trưng là chính phủ không can thiệp quá nhiều vào các hoạt động của doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp tùy ý phát triển và tạo ra doanh thu cạnh tranh theo sở thích và định hướng mở. Chính phủ Mỹ qua đó sẽ trợ cấp các quỹ nghiên cứu cơ bản, tập trung vào các nhóm được cho là trọng yếu như phát triển Internet, AI, xe tự lái. TS. Quốc đánh giá mô hình này là bền vững, nhưng sẽ có tốc độ phát triển chậm hơn một chút.

Trái lại, mô hình đầu tư “kiểu Trung Quốc” lại phân ra nhiều mảng nhỏ hơn, từ y tế, xe tự lái, nhận diện giọng nói... và được chính phủ tổ chức các chương trình kiểu như “hành trình cùng doanh nghiệp”, nhằm tập hợp các công ty startup lại rồi đầu tư mạnh tay, giúp các công ty này bùng phát trong thời gian ngắn.

Trong mô hình này, các công ty có thể phát triển theo đúng định hướng đề ra, mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào về hành lang pháp lý. Theo TS. Lê Viết Quốc, phương thức này hoàn toàn có thể được áp dụng tốt tại Việt Nam do sẵn có một cộng đồng startup lớn mạnh.

Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 quy tụ hơn 100 chuyên gia công nghệ là các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm về AI từ các ngành (công nghiệp, nông nghiệp, y tế, ngân hàng…), các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Pháp, Ba Lan... đều là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới, có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng …).

Theo Trang Trần/kinhtevadubao.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/khat-nhan-luc-trong-linh-vuc-tri-tue-nhan-tao-148084.html