'Khát' trường học: Vẫn chưa hạ nhiệt

Tình trạng chủ đầu tư 'quên' xây trường học khiến các trường học công lập bị quá tải không phải là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, đây còn là trách nhiệm của các ngành liên quan tới công tác quy hoạch. Câu chuyện này năm nào cũng nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở nhiều địa bàn.

Nhiều trường học tại Hà Nội quá tải học sinh. Ảnh: TL

Nhiều trường học tại Hà Nội quá tải học sinh. Ảnh: TL

Thêm 2 trường mầm non và 5 tòa chung cư đang xây

Hiện Hoàng Mai là quận có dân số đông nhất Hà Nội. Đây cũng là quận có nhiều trường học quá tải nhất với sĩ số học sinh (HS)/lớp rất đông, có lớp gần 60 cháu ở cấp 1, cấp 2. Gần đây nhất, Trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã phải dùng tới phương thức bốc thăm trong tuyển sinh do chỉ tiêu ít nhưng số lượng HS đăng ký quá đông. Việc này không chỉ vi phạm quyền đi học của trẻ, mà còn báo động tình trạng quá tải HS tại các cơ sở giáo dục công lập ở Thủ đô nói chung và tại địa bàn này nói riêng.

Ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, địa phương này có đến 227 tòa nhà chung cư cao tầng, 202 nhà chung cư cũ. Và hiện các chung cư vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Riêng phường Hoàng Liệt có 85 tòa chung cư và sắp tới có thêm 5 tòa đang được xây thêm.

Với sự gia tăng dân số theo cấp số nhân như hiện nay, quận này tính toán bình quân 4 năm liên tiếp vừa qua, mỗi năm tăng 3.836 HS. Cụ thể, năm học 2022-2023, quy mô mạng lưới trường lớp của quận Hoàng Mai là 89 trường học, trong đó 59 trường công lập, 30 trường ngoài công lập. Số HS là hơn 98.000.

Riêng phường Hoàng Liệt có 92.000 người, bình quân tăng khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi mầm non hàng năm. Theo thống kê trẻ trên địa bàn phường Hoàng Liệt, trẻ từ 0-16 tuổi là hơn 19.000 trẻ, trong đó số trẻ trong độ tuổi đi học là hơn 8.000, phường có 11 trường và 79 nhóm lớp mầm non. Năm học 2022 - 2023, Trường mầm non Hoàng Liệt quy mô chỉ tiếp nhận 1.202 HS, đến nay đã tiếp nhận đủ. Riêng trẻ từ 3-4 tuổi chỉ tiếp nhận được 333 em, nhưng có tổng số 718 HS đăng ký. Do vượt quá khả năng tiếp nhận của trường nên mới có tình trạng bốc thăm may rủi để con vào trường.

Giải pháp trước mắt là trong thời gian tới, phường Hoàng Liệt sẽ xây dựng 2 trường tại các ô đất có diện tích 7.400m2 và 1.934m2 cho năm học 2023 - 2024 để tăng số trường lớp mầm non, đáp ứng nhu cầu của trẻ. Dù vậy, theo thực tế có 5 tòa đang được xây thêm ở khu vực này, nguy cơ quá tải vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Thái cho biết quận Hoàng Mai sẽ tiếp tục xây dựng trường lớp theo các ô quy hoạch. Cụ thể, tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tài chính đầu tư, cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học. Bên cạnh đó, khuyến khích huy động và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục đào tạo, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu giáo dục.

Trách nhiệm không chỉ riêng ai

Không chỉ quận Hoàng Mai, thống kê của quận Hà Đông cho thấy, địa bàn này cũng có sĩ số HS bậc tiểu học trung bình là 49,7, bậc THCS trung bình là 42,7 em/lớp. Số lượng HS đông, sĩ số HS/lớp cao, quận khó nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Tiểu học là bậc có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất, chỉ 55%. Đặc biệt, phường Dương Nội do có nhiều chung cư cao tầng nên dù có tới 19 trường học, trong đó có 15 trường công lập các cấp thì vẫn có những trường quá tải HS, sĩ số lên đến hơn 50 HS/lớp.

Nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện phụ huynh xô đổ cổng trường, hay xếp hàng xin học cho con từ đêm diễn ra những mùa khai giảng trước. Không chỉ tại Thủ đô, ở Quảng Nam vừa qua, một trường mầm non vùng ven biển, phụ huynh cũng chen lấn xếp hàng, trèo qua tường để vào nộp hồ sơ cho con vì lo không được xếp lớp ở điểm trường chính.

Vấn đề cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm. Đến khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cấp tiểu học học 2 buổi/ngày đã khiến nhiều trường phải học luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần, như Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai bà Phạm Đàm Thục Hạnh chia sẻ. Một số trường phải tạm sử dụng các phòng chức năng làm phòng học. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, chất lượng dạy và học, mà còn gây bất tiện cho việc phụ huynh đưa đón con.

Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, thực tế số lượng phòng học, trường học ở một số địa phương, địa bàn tập trung đông dân cư vẫn không đáp ứng được sự gia tăng cơ học của HS mầm non, mẫu giáo. “Để từng bước khắc phục tình trạng này, các địa phương cần quan tâm phát triển hệ thống trường học nói chung và hệ thống trường mầm non nói riêng, đặc biệt là tại các khu đô thị mới phải dành quỹ đất để xây trường, phù hợp với tỷ lệ dân cư trên địa bàn” - bà Minh nói và nhấn mạnh, các địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 1677/QĐ-TTg. Tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non, đặc biệt là tại các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất; tiếp tục phát triển các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục phù hợp quy hoạch và phát triển bền vững để giảm áp lực cho trường mầm non công lập.

Để giải quyết bài toán quá tải, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất, cần ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong khu vực nội thành khi di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học, cao đẳng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi khu vực nội đô. “Ngoài ra, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm. Theo đó, bố trí học sinh ở các tầng thấp, các cán bộ, giáo viên ở tầng cao” - ông Cương nói.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khat-truong-hoc-van-chua-ha-nhiet-5696432.html