Khát vọng cống hiến là văn hóa công vụ

Giá trị văn hóa công vụ quan trọng nhất chính là đáp ứng kỳ vọng mà đơn vị, tổ chức, công dân đặt ra cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Hiện cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đang triển khai thực hiện đề án Văn hóa công vụ số 1847/QĐ-TTg (đề án 1847) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27-12-2018. Đề án này có 4 nội dung đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ, gồm: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực về đạo đức, lối sống; trang phục.

Chứa đựng những giá trị cốt lõi

Lâu nay chúng ta vẫn hay nói về văn hóa công vụ - công sở (CV-CS). Nay, thực hiện Đề án 1847 chính là thực hiện văn hóa CV-CS.

Trước hết, phải hiểu văn hóa CV-CS không chỉ là những biểu hiện bên ngoài công sở mà phải chứa đựng những giá trị cốt lõi của hoạt động công vụ. Đó là sự cộng hưởng giữa văn hóa chung của tổ chức và văn hóa của các cá nhân trong tổ chức đó, gồm: nền nếp; tác phong làm việc khoa học, hợp lý, hợp pháp; sử dụng hiệu quả nguồn lực công; không khí dân chủ, bình đẳng.

Văn hóa CV-CS còn là ở khát vọng cống hiến, được cống hiến. Giá trị văn hóa công vụ quan trọng nhất chính là sự đáp ứng những kỳ vọng mà các đơn vị, tổ chức, công dân đặt ra cho CB-CNVC.

Văn hóa CV-CS là gốc của nền hành chính hiện đại. Việc nâng cao văn hóa CV-CS vì thế sẽ góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CB-CNVC; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM làm thủ tục cho người dân, doanh nghiệp Ảnh: Tấn Thạnh

Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM làm thủ tục cho người dân, doanh nghiệp Ảnh: Tấn Thạnh

Một số giải pháp

Để thực hiện tốt văn hóa CV-CS, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

- Thường xuyên tuyên truyền về văn hóa CV-CS nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ CB-CNVC về tầm quan trọng của thực hiện văn hóa CV-CS; về ý nghĩa của việc đẩy mạnh thực hiện văn hóa CV-CS trong hoàn thiện nhân cách của người CB-CNVC.

- Bên cạnh việc tuyển chọn, sắp xếp công việc phù hợp còn phải tạo ra môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả; quan tâm đến đời sống của CB-CNVC, tạo động lực và môi trường cho những nét đẹp về ứng xử văn hóa được nhân rộng trong cơ quan, đơn vị. Xây dựng và gìn giữ bầu không khí làm việc nơi công sở.

- Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa CV-CS cho đội ngũ CB-CNVC, đặc biệt về kỹ năng giao tiếp, ứng xử nơi công sở.

- Xây dựng hệ giá trị chuẩn về văn hóa CV-CS và phải có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm.

- Xây dựng tác phong chuyên nghiệp. Được hiểu là mỗi người chuyên tâm vào công việc của mình; toàn tâm, toàn ý để hoàn thành công việc một cách tốt nhất; chuyên nghiệp là có hiểu biết rộng và giỏi về một lĩnh vực cụ thể; biết phối hợp, điều tiết công việc phù hợp với tiến độ và môi trường xung quanh để tạo nên hiệu quả tốt nhất; tác phong làm việc năng động, khoa học kết hợp với ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào công việc.

- Ngăn chặn tệ "tham nhũng". Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa CV-CS. Có giải pháp và cơ chế hữu hiệu để nhân dân giám sát việc thực thi văn hóa CV-CS.

Đủ phẩm chất cách mạng

Văn hóa CV-CS thực chất là văn hóa ứng xử ở nơi công sở, phản ánh đạo đức, lối sống của CB-CNVC. Cho nên, xây dựng văn hóa CV-CS suy cho cùng là xây dựng đội ngũ CB-CNVC mới với đầy đủ phẩm chất cách mạng làm nền tảng cho việc xây dựng phong cách làm việc của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đó cũng là một mục tiêu trong qua trình học tập và làm theo phong cách làm việc của Hồ Chí Minh.

Diệp văn Sơn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khat-vong-cong-hien-la-van-hoa-cong-vu-20190825213300934.htm