Khát vọng đổi thay

Với đa số ý kiến ủng hộ gói sửa đổi Hiến pháp do Tổng thống Liên bang (LB) Nga Vladimir Putin đề xuất, cử tri Nga đã quyết định lựa chọn con đường cải cách hiến pháp nhằm làm thay đổi diện mạo cả hệ thống chính trị, tạo ra nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển ở xứ Bạch Dương trong tương lai.

Theo kết quả kiểm phiếu do Ủy ban bầu cử trung ương LB Nga (SIK) công bố trưa 2-7, giờ Hà Nội, sau khi kiểm 100% số phiếu trong cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp LB Nga, có 77,92% cử tri ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp. Điều này cho thấy, sửa đổi Hiến pháp là vô cùng cần thiết để thích ứng với sự thay đổi của đất nước trong gần 30 năm qua cũng như phù hợp xu thế chung của thế giới.

Hiến pháp hiện hành của Nga có hiệu lực từ ngày 12-12-1993. Trong suốt 27 năm qua, LB Nga đã trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như diễn biến địa chính trị phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, Nga đã thành công trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, trong thời gian ngắn hình thành hệ thống chính trị dân chủ và nền kinh tế thị trường, bảo đảm tiềm lực quốc phòng và củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế. Cho dù có các thách thức trong và ngoài nước nhưng Nga vẫn đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế. Năm 2019, tăng trưởng GDP của Nga đạt hơn 1,5%, lạm phát và nợ công giữ ở mức thấp nhất, an sinh xã hội được cải thiện rõ rệt. Hơn thế, nước Nga tồn tại trên một lãnh thổ rộng lớn với 200 dân tộc và khoảng 300 ngôn ngữ khác nhau... Những yếu tố trên cho thấy, việc sửa đổi Hiến pháp vào thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, phản ánh đúng tình hình ở Nga hiện nay.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS

Đề xuất sửa đổi Hiến pháp được Tổng thống Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang ngày 15-1 vừa qua và đây thực sự là cuộc cách mạng. So với Hiến pháp năm 1993, gói sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều thay đổi lớn, tập trung sửa đổi ở 41 điều và bổ sung 5 điều mới (nghĩa là liên quan đến hơn 60% các điều khoản trong Hiến pháp 1993). Về mặt chính trị, gói sửa đổi Hiến pháp có một số điểm mới, đặc biệt tăng quyền hạn cho cơ quan lập pháp, bao gồm Duma quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện). Nếu như trước đây 90% quyền lực nằm trong tay tổng thống, thì điều đầu tiên trong sửa đổi hiến pháp là tăng quyền hạn cho Quốc hội. Mặt khác, gói sửa đổi Hiến pháp có quy định chặt chẽ hơn đối với ứng viên tham gia vào bầu cử tổng thống, theo đó, ứng viên phải sống ở Nga liên tục 25 năm và chưa từng có quốc tịch “kép”, không được mở tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài. Sửa đổi Hiến pháp cũng quy định nhiệm kỳ tổng thống không kéo dài quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Một số sửa đổi về các vấn đề xã hội, trong đó bao gồm sự bảo đảm của nhà nước với mức lương tối thiểu trên mức sinh kế, điều chỉnh tiền lương hưu hoặc trợ cấp theo các chỉ số lạm phát, các giá trị gia đình, bảo tồn di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ nền khoa học Nga và tổ chức phi lợi nhuận… Ngoài ra, các sửa đổi khác cũng khẳng định, Hiến pháp Nga giữ vai trò tối thượng trong mọi trường hợp.

Với những thay đổi trên, Hiến pháp sửa đổi do Tổng thống Putin đề xuất được đánh giá là văn bản mang tính tiến bộ và nhân văn. Những đề xuất này thực chất đã thay đổi cơ cấu nền tảng của chính quyền hành pháp, biến LB Nga từ một nước cộng hòa “siêu tổng thống” từ năm 1993 thành nước cộng hòa tổng thống-nghị viện, với hai nhánh chính quyền hành pháp và lập pháp có liên hệ chặt chẽ, bảo đảm cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như giúp Nga đứng vững vị thế trong khu vực và thế giới.

Việc gần 80% người dân Nga tán thành đề xuất sửa đổi Hiến pháp do Tổng thống Putin đề xuất còn cho thấy vị thế của ông trong lòng người dân nước này. Trong 20 năm qua, Tổng thống Putin có công lao to lớn trong việc vực dậy nước Nga từ đống đổ nát của người tiền nhiệm trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về quân sự. Từ năm 2014 đến nay, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, nước Nga tiếp tục đứng vững và thể hiện sức mạnh của mình trên trường quốc tế. Người Nga yêu nước đều ghi nhận công lao to lớn của Tổng thống Putin và thực sự muốn ông tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2024 để chèo lái con thuyền nước Nga vượt qua khó khăn do lệnh cấm vận kéo dài cũng như dịch Covid-19 hiện nay.

Khát vọng hướng tới một tương lai thịnh vượng, người dân Nga thực sự sẽ “sống và làm việc” theo Hiến pháp mới với tinh thần trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc, tôn trọng lịch sử văn hóa, tiếng mẹ đẻ và những truyền thống bảo đảm chủ quyền của nước Nga.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/khat-vong-doi-thay-625942