Khát vọng đưa TPHCM trở thành Trung tâm tài chính khu vực

Thông tin trên được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2019 với chủ đề ' Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế' do UBND TPHCM tổ chức ngày 18/10. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại diễn đàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh N.H

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh N.H

Quyết tâm cao

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới. Tại New York, dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London là 42%, tại Thượng Hải là 27% và tại Singapore là 29%. Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu.

Đối với TPHCM, ngay từ năm 2002 nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, thành phố đã có khát vọng biến mình trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập.

Việc trở thành Trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp, trong số 400 ngàn doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% DN vừa và nhỏ. Đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Bên cạnh đó, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.

Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của thành phố còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kuala Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%… Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn. Những yếu tố này đã giảm sức hấp dẫn của TPHCM như một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư. Do vậy, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Những hạn chế đó không làm thành phố chùn bước mà càng thôi thúc mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn. Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, thành phố tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành Trung tâm tài chính quốc tế.

Rất nhiều đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự Diễn đàn kinh tế TPHCM 2019. Ảnh: N.H

Nhiều cơ hội

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, TPHCM đã mạnh dạn, chủ động, thể hiện sự quyết tâm rất lớn trong việc xây dựng trung tâm tài chính, đặt nền móng cho việc xây dựng trung tâm tài chính quốc gia thể hiện khát vọng, tầm nhình và tư duy đột phá của lãnh đạo thành phố.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, TPHCM đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một trung tâm tài chính của quốc gia, khu vực và trên thế giới, góp phần tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư, góp phần quan trọng nâng tầm quốc gia trên bản đồ thế giới.

Hiện nay sự trỗi dậy của khu vực châu Á đang là chất xúc tác cho các hoạt động tài chính. Việc ra đời của trung tâm tài chính tại TPHCM với các ưu đãi và thể chế vốn thuận lợi hơn sẽ thu hút được các nhà đầu tư tài chính luôn có xu hướng tìm kiếm các mảnh đất mới để gia tăng lợi nhuận. Việt Nam nói chung và TPHCM cũng đang sở hữu nhiều lợi thế sẵn có về GDP, FDI, độ mở của nền kinh tế, cải cách thể chế, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, kết nối hàng không… Đặc biệt, múi giờ Việt Nam không trùng với 21 trung tâm tài chính lớn của thế giới là cơ hội tốt để xoay chuyển dòng vốn trong giờ giao dịch. TPHCM cũng là trung tâm kết nối các trung tâm của khu vực Đông Nam Á và được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong 7 nền kinh tế mới nổi; tỷ lệ vốn hóa đạt 137 tỷ USD trong năm 2018, chiếm lượng lớn qua M&A… thể hiện nhu cầu tài chính lớn với thị trường tài chính ổn định.

“Với nhiều thay đổi về cục diện thế giới với những biến động về kinh tế và các trung tâm tài chính lớn trên thế giới đang mở ra cơ hội cho các trung tâm mới nổi như TPHCM có cơ hội bứt phá. Mặc dù vậy, để thu hút nhân tài về tài chính từ quốc tế di chuyển về TPHCM, Thành phố không những phải hiện đại, có hạ tầng tốt, kết nối rộng mà còn phải có môi trường sống tốt nhất, dịch vụ xã hội chất lượng cao. Do vậy, TPHCM cần có tầm nhìn chiến lược, có các bước đi cụ thể vững chắc, cần phải có thể chế, pháp luật, chính sách vượt trội với có thể cạnh tranh được với các trung tâm khác trên khu vực và thế giới. Đặc biệt, TPHCM phải đảm bảo được môi trường đầu tư tốt, thu hút nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng tầm cỡ quốc tế, phát triển khu vực tài chính lành mạnh, vững chắc, xây dựng được các thương hiệu hàng đầu. Đây là 5 yếu tố quyết định để TPHCM có thể trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, TP.HCM đã có được nhiều lợi thế như vị trí địa lý thuận lợi, môi trường kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định, sự tham gia của các định chế tài chính lớn trên thế giới và sự hội tụ của nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động. Trong những năm vừa qua, khu vực thị trường tài chính TP.HCM đã có những phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương và khu vực.

TPHCM hiện có 48 hội sở chính các tổ chức tín dụng (TCTD), 29 chi nhánh của ngân hàng nước ngoài, 413 chi nhánh của các TCTD, 1.616 phòng giao dịch và 25 văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài hoạt động. Tính đến ngày 30/9/2019, trên địa bàn TPHCM, huy động vốn ước đạt gần 2 triệu 400 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,91% tỷ trọng vốn huy động cả nước), dư nợ tín dụng đạt 2 triệu 200 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,96% tỷ trọng dư nợ của cả nước). Thành phố còn là đầu mối để dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam với lượng kiều hối gửi về hàng năm ổn định ở mức 5 tỷ USD. Đến ngày 30/9/2019, kiều hối chuyển về TPHCM ước đạt 3,3 tỷ USD. Lượng góp vốn, mua cổ phần của gần 3.300 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TPHCM năm 2018 cũng đạt khoảng 6 tỷ USD.

Với những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, điều kiện sinh sống và làm việc, nỗ lực đổi mới sáng tạo, TP.HCM được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và trở thành một ứng viên tiềm năng cho đô thị mang tầm cỡ khu vực và thế giới. Trong báo cáo về thành phố toàn cầu tiềm năng năm 2019 của Công ty tư vấn chiến lược ATKearney, TP.HCM được xếp hạng 82/130 thành phố được đánh giá, cao hơn Bangkok ở vị trí 86 và Mumbai ở vị trí 92. Các yếu tố trên đang tạo cơ hội rất tốt để TPHCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: TPHCM là trung tâm tài chính, kinh tế lớn nhất của Việt Nam nơi tập trung 52% DN của nước, sàn giao dịch chứng khoán chiếm 93% vốn hóa, 87% giá trị giao dịch. TPHCM cũng là trung tâm đi đầu về công nghệ cải cách hành chính, đặc biệt, giáo dục đứng trong top 10 của cả nước. Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính không chỉ là mong muốn và quyết tâm của của thành phố mà là của cả nước.

Để TPHCM sớm trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ như mong muốn có rất nhiều việc phải làm, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với vai trò vô quan trọng của TPHCM rất cần có cơ chế, chính sách vượt trội. Hiện thành phố đang chuẩn bị đề án xây dựng TPHCM thành Trung tâm kinh tế tài chính khu vực và quốc tế để trình Chính phủ vào năm tới trùng dịp Quốc hội, Chính phủ cùng thành phố sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Do vậy, đề nghị các bộ ngành phối hợp chặt chẽ trên tinh thần khuyến khích ý tưởng đổi mới và muốn có giải pháp đột phá thì cần phải có chính sách vượt trội hơn bình thường. Mặt khác, TPHCM là đầu tàu, cần tập trung sức lực, do vậy các địa phương cần chung sức để TPHCM sớm trở thành trung tâm tài chính trong khu vực

Ông Yue Yi Nguyên, Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung Quốc, Nguyên chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Hongkong: Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Việt Nam đã có tốc độ phát triển kỷ lục trong 30 năm, kinh tế năng động, đa dạng, GDP năm 2017 đạt 6,7%, năm 2018 đạt 7,1% năm 2018, thặng dự thương mại 7 tỷ USD, ngoại hối 68 tỷ USD ở mức cao lịch sử.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có ưu thế về cải cách thị trường thể hiện ý chí mạnh từ Chính phủ, ưu thế về dân số, chính trị ổn định, đầu tư trong không gian ASEAN rộng lớn và FTA đang mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, các DN nước ngoài đang tái định vị cơ sở sản xuất, nhiều khả năng chuyển tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, ASEAN được xác định là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, DN Trung quốc sẽ rất quan tâm đến cơ hội phát triển của các quốc gia ASEAN bao gồm tài chính. Việt Nam cũng đang có quan hệ ngày càng sâu sắc với Trung Quốc, với kim ngạch thương mại đã đạt hơn 100 tỷ USD/năm…

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/khat-vong-dua-tphcm-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-113586.html