Khát vọng ly khai khiến Texas chật vật với khủng hoảng?

Một lưới điện tách biệt và định giá thị trường của Texas đã khiến người dân tại đây sống trong cuộc khủng hoảng đợt lạnh kỷ lục.

Trận bão tuyết bất thường đã tấn công nhiều bang ở miền nam nước Mỹ như Texas, Tennessee, Kentucky và Louisiana từ ngày 14/2, khiến ít nhất 23 người chết. Bão tuyết đã khiến nhiệt độ ở nhiều nơi ở miền nam nước Mỹ vốn quen với khí hậu ấm áp hạ xuống ngưỡng kỷ lục, thậm chí có nơi ghi nhận mức âm 18 độ C.

Bão tuyết tại Texas. Ảnh:AP

Bão tuyết tại Texas. Ảnh:AP

Khi đợt giá lạnh ập đến, lượng điện sử dụng đã tăng vọt để sưởi ấm cho các tòa nhà và lưới điện Texas không đáp ứng được. Các nhà máy khí đốt tự nhiên, vốn cung cấp phẩn lớn sản lượng điện cho tiểu bang, không được trang bị để hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp như vậy.

Cuộc khủng hoảng điện đã cho thấy một lưới điện không ổn định có thể nguy hiểm như thế nào, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Giới chức Texas đã báo cáo ít nhất 17 ca tử vong và trên 300 người nhập viện do phơi nhiễm khí CO2 từ việc sử dụng lò nướng và các thiết bị khác để sưởi ấm. Khoảng 300.000 hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn bị mất điện cho đến ngày 18/2, trước đó con số này là 4,5 triệu.

Nhà chức trách một số khu vực ở Texas cho biết nhiều trường hợp tử vong vì ngộ độc khí carbon monoxide, hậu quả của việc nổ máy ôtô hay sử dụng máy phát điện chạy bằng xăng trong nhà.

Nhiều người dân phải tạm thời sơ tán tới các trung tâm tạm trú và sưởi ấm để vượt qua những ngày buốt giá.

Nhưng đáng sợ không kém tình trạng thiếu điện, nước là cơn khủng hoảng giá điện. Người dân ở bang này đã "sốc" khi thấy hóa đơn điện tăng vọt, có trường hợp tăng 28 lần lên 17.000 USD.

Thảm họa tại Texas: Nơi bị mất điện, nơi có điện thì hóa đơn tăng không phanh.

Theo New York Post, tiền điện tại Texas đã tăng phi mã một phần do nhu cầu sử dụng thiết bị sưởi tăng vọt và nguồn cung bị hạn chế cũng do thời tiết băng giá. Giá điện ở Texas đã tăng vọt từ 50 USD lên 9.000 USD mỗi Megawatt trong một số trường hợp vì nhu cầu dùng điện tăng mạnh khi xảy ra thảm họa tự nhiên nhưng nguồn cung lại hạn chế dẫn tới chênh lệch cung - cầu quá lớn.

Cư dân Ty Williams tại Dallas đã "sốc" khi nhận được hóa đơn tiền điện tăng từ 600 USD tháng trước lên 17.000 USD vào tháng này, tương đương với mức tăng 28 lần. Royce Pierce, cư dân ở Dallas, cho biết hóa đơn điện cho căn hộ 3 phòng ngủ của anh tăng lên 10.000 USD trong những ngày qua.

Veronica Garcia, một khách hàng của công ty Reliant Energy Mansfield, Texas cho biết hóa đơn tiền điện cho căn hộ một phòng ngủ của cô đã tăng gần gấp 2 vào mức 114 USD.

Texas là bang duy nhất tự vận hành hệ thống điện của riêng mình, tách biệt với lưới điện quốc gia và giá điện tại đây bị ảnh hưởng một phần bởi nhu cầu thị trường. Điều đó khiến giá điện tăng vọt lên khi người dân Texas không bị mất điện đã tăng cường sưởi ấm trong bối cảnh nhiệt độ xuống thấp kỷ lục, có khu vực ở mức -18 độ C.

Giá điện tăng ở mức kỷ lục không kém tình trạng thất thường của thời tiết khiến người dân Texas bối rối và lâm vào cảnh khốn khổ.

Cô Garcia nói: "Tôi mong họ nếu tử tế thì sẽ không tăng giá điện vì đây là tình huống ngoài tầm kiểm soát."

Niềm tự hào về khả năng độc lập trong một quốc gia đông đúc

Cuộc khủng hoảng thiếu điện khiến hàng triệu người dân Texas nổi giận với nhà chức trách tiểu bang.

Năm ngoái, Texas - thành trì của phe Cộng hòa - nhiều lần chế nhạo khi California - bang truyền thống Dân chủ - liên tục rơi vào cảnh mất điện. Giờ đây, người dân đòi hỏi các lãnh đạo tiểu bang phải có câu trả lời thỏa đáng vì sao Texas, nơi luôn tự hào với khả năng độc lập về năng lượng, lại rơi vào thảm cảnh thậm chí tồi tệ hơn.

Tình trạng hiện nay đã buộc họ phải đặt câu hỏi về việc liệu tiếp tục duy trì một khả năng độc lập về năng lượng như vậy liệu có phải là phương án tốt nhất cho tiểu bang này? 49 tiểu bang còn lại liệu có khả năng nào hỗ trợ cho Texas chống chọi lại cơn bão tuyết khắc nghiệt này không?

Texas luôn tự hào về khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình khỏi nước Mỹ.

Cần làm rõ về lưới điện của Texas. Một trong những đặc điểm riêng biệt của mạng lưới điện Texas là nó hầu như tách biệt với phần còn lại của đất nước. Tiểu bang này cố tình tách lưới điện khỏi lưới quốc gia để tránh các quy định liên bang. Và hậu quả là, một lưới điện riêng biệt đã giới hạn các lựa chọn của tiểu bang khi đối mặt với tình trạng thiếu điện.

Trong cuộc khủng hoảng điện lần này, lẽ ra Texas có thể được cấp cứu một phần nguồn điện từ các vùng khác của đất nước nếu lưới điện được kết nối. Nhưng một quyết định khiến cho chính mình trở nên "khác biệt và độc lập" đã làm hại chính Texas.

Việc Texas tự tách biệt mạng lưới điện của mình khỏi phần còn lại của liên bang chỉ là một phần nhỏ trong các nỗ lực đưa tiểu bang này trở thành một quốc gia độc lập. Ở Texas đã từng xuất hiện một phong trào đòi độc lập khỏi nước Mỹ rầm rộ không kém bang California.

California từng chỉ trích các chính sách dưới thời ông Trump đã làm phá vỡ các quan niệm của họ về một cuộc sống xanh, an lành và hòa bình, đặt lên trên hết các mục tiêu về khí hậu và năng lượng xanh. Trong khi đó, ở Texas, người dân muốn bỏ phiếu tách khỏi nước Mỹ nếu cả ông Trump lẫn bà Hillary Clinton thắng cử. Những người ủng hộ 2 ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ở mức sít sao và người ta đã đòi ly khai tiểu bang này khỏi nước Mỹ nếu nửa kia giành chiến thắng.

Tiểu bang này cũng nhiệt tình ủng hộ ông Trump trong việc cáo buộc Đảng Dân chủ tìm cách gian lận và đánh cắp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Cuối tháng 12/2020, nỗ lực đẩy nhanh phong trào "exit" khỏi nước Mỹ vẫn tồn tại ở Texas.

Dân biểu Kyle Biedermann của Đảng Cộng hòa tại bang Texas mới đây đã công bố kế hoạch đệ trình dự luật cho phép tổ chức trưng cầu ý dân về chuyện "Texit" (chơi chữ kết hợp hai chữ "Texas" + "exit"), tách bang này khỏi chính quyền liên bang và trở thành một quốc gia độc lập.

"Chính quyền liên bang đã mất kiểm soát về không còn đại diện cho các giá trị của người Texas" - nghị sĩ này viết trên Facebook.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng tuyên bố về một thảm họa lớn tại bang Texas

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng mới đây, Tổng thống Biden cho biết đã trao đổi qua điện thoại với Thống đốc Greg Abbott vào tối 18/2 để nắm bắt thêm tình hình và xem liệu bang Texas có cần thêm trợ giúp từ chính phủ liên bang hay không.

Các lực lượng của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) hiện có mặt tại Texas và đang cung cấp máy phát điện, dầu diesel, nước, chăn và các vật tư khác. Tuy nhiên, ông đã chỉ đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị, Bộ Nông nghiệp và Bộ Quốc phòng xác định các nguồn lực khác để có thể cung cấp và giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của người dân bang Texas.

Nhắc lại cam kết khi vận động tranh cử, rằng sẽ trở thành tổng thống của toàn nước Mỹ, ông Biden tuyên bố sẽ hỗ trợ người dân các bang gặp khó khăn, không phân biệt đó là bang thuộc đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ.

Nếu bang Texas có thể tách ra khỏi nước Mỹ thì đó sẽ là một kỳ tích pháp lý. Bang Texas đã từng rời khỏi chính quyền liên bang một lần trước đây. Đây cũng là bang có biệt danh "Lone Star State" (bang Ngôi sao cô đơn).

Sau khi trở thành một bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1845, bang Texas đã tách khỏi Mỹ và sau đó gia nhập Liên minh miền nam Mỹ (gồm 11 bang) năm 1861. Sau giai đoạn Nội chiến và Tái thiết, Texas gia nhập hoàn toàn trở lại chính quyền liên bang năm 1870.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/khat-vong-ly-khai-khien-texas-chat-vat-voi-khung-hoang-3427889/