Khát vọng nền nông nghiệp hữu cơ nơi vùng 'đất lửa'

Những năm gần đây, thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị (nông nghiệp hữu cơ) đã được nhiều người biết đến. Bây giờ, hạt gạo như làm bừng sáng lên trên mỗi vùng đất cằn...

Lúa hữu cơ trên cánh đồng huyện Gio Linh. Ảnh: Tâm Phùng.

Khi PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) công bố gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, trong đó, điều bất ngờ nữa là hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B trong gạo có tác dụng chống bệnh gout, tiểu đường, béo phì… thì người nông dân Quảng Trị từ ngỡ ngàng đến tự hào, vui sướng…

Khi chính quyền đi tìm doanh nghiệp

Nhiều năm qua, nông nghiệp Quảng Trị vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi điệp khúc được mùa mất giá. Chìa khóa giải bài toán chính là phải có doanh nghiệp đồng hành.

Vì vậy, những người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần trực tiếp mời chào Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam (Cty Đại Nam, có địa chỉ tại Bà Rịa - Vũng Tàu).

“Các mô hình nông nghiệp chất lượng cao đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức của nông dân, giúp họ hiểu trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng. Không những thế, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Quảng Trị an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng", ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp liên kết với Quảng Trị sản xuất gạo hữu cơ là Công ty CP Nông sản Hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic), đơn vị thành viên của Cty Đại Nam.

Những lần ghé thăm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tại trụ sở Cty Đại Nam đã làm lãnh đạo doanh nghiệp “mềm lòng” trước khó khăn của vùng đất lửa. Cũng ít có doanh nghiệp nào khi được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị mời gọi lại sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vất vả với nông dân như Cty Đại Nam.

Để có đi có lại, đại diện Cty đã đàm phán với nông dân với những điều khoản bắt buộc.

Đó là: nông dân phải dùng phân bón Ong Biển do Cty sản xuất; tuyệt đối không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác.

Ngoài ra, nông dân phải tuân thủ kỹ thuật thâm canh đúng với cán bộ kỹ thuật của Cty, của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hướng dẫn..

Đổi lại, Cty tuyên bố bao tiêu sản phẩm, cam kết mua thóc tươi, trả tiền ngay tại ruộng.

“Nếu đến kỳ thu hoạch, diện tích nào có sản lượng dưới 2,5 tạ/sào (50 tạ/ha), Cty sẽ bù phần lỗ mất mùa đó cho bà con” - đại diện Cty chốt như vậy. Ngoài ra, Cty Đại Nam cũng cam kết, trả tiền tươi 7.000 đồng/kg và “bao cấp” từ cái bao đựng lúa cho đến phân bón và nhận sản phẩm ngay tại ruộng, khi bà con vừa thu hoạch xong.

Theo ông Trần Đại Nam, Tổng Giám đốc Cty Đại Nam, bao đời nay, người nông dân lam lũ với nghề nông và cũng khó cất mặt lên được.

Việc trồng lúa chỉ đủ ăn hay có dư thì cũng được chút ít làm người nông dân khó thoát ra được tư duy đó. Nhưng nếu đưa gạo hữu cơ chế biến ra các sản phẩm khác thì giá trị từ hạt gạo sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Theo đó, giá thu mua lúa cho nông dân sẽ tăng lên, thị trường được mở rộng. Khi ấy, người nông dân sẽ không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà có thể làm giàu trên đồng ruộng của mình.

Cơ quan chức năng thăm mô hình lúa hữu cơ trên cánh đồng huyện Gio Linh. Ảnh: Tâm Phùng.

Năng suất vượt mong đợi

Tại thời điểm vào vụ Hè Thu năm 2017, HTX Phước Thị là đơn vị được Sở NN-PTNT chọn là đơn vị đầu tiên canh tác lúa hữu cơ.

Diện tích ban đầu được triển khai 20ha, dự kiến năng suất tầm 2 tạ/sào (40 tạ/ha). Những ngày đầu khi cây lúa trên đồng bắt đầu vào chín ươm.

Gần như hôm nào các anh trong HTX cũng tranh thủ ra thăm đồng. Thông tin được cập nhật cho lãnh đạo Sở NN-PTNT để nắm bắt tình hình. Khi những hạt thóc đầu tiên được chở từ ruộng về sân bà con thì mọi người mới nhẹ nhõm trong lòng.

“Cho dù lúc đó, năng suất cũng chỉ đạt 40 ta/ha, nhưng chúng tôi và bà con nông dân đã có được lòng tin ban đầu”, Giám đốc HTX Phước Thị cho hay.

Có được những kinh nghiệm từ vụ đầu tiên, HTX Phước Thị chỉ đạo bà con xuống vụ thứ hai trong khí thế mới. Cây lúa trên đồng cứ cứng cáp lên trong nắng gió khắc nghiệt. Năng suất thu hoạch tăng lên 50 tạ/ha, rồi 60 tạ/ha.

Người nông dân càng vững chắc lòng tin nhìn ra đồng ruộng. Hễ gặp nhau là chuyện trao đổi kinh nghiệm về canh tác lúa hữu cơ được mở ra hàng đầu. Người chưa làm được cũng nóng ruột muốn được tham gia làm ngay.

Cho đến vụ ĐX năm 2019, năng suất trên đồng được xác định trung bình là 70 tạ/ha và có thửa đến 80 tạ/ha. Theo cán bộ kỹ thuật của QTOrganic, toàn bộ diện tích gieo cấy được canh tác bằng chủng men vi sinh Ong Biển. Loại phân bón này được dành riêng cho thổ nhưỡng của những địa phương trước đó dùng nhiều phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.

Đánh thức tiềm năng

Quảng Trị đã có trên 100 mô hình nông nghiệp hữu cơ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân có hiệu quả ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn… Do đó, việc nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh là bài toán mà lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo sát sao.

Từ những mô hình ban đầu, đến nay Quảng Trị đã có bước tiến vững chắc trong xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để mang lại cho bà con nông dân thu nhập cao trên đồng đất của mình.

“Rõ ràng, Quảng Trị không có thế mạnh về cây lúa, hạt gạo so với các tỉnh khác trong nước. Nhưng khi hạt gạo “Made in Quảng Trị” có đủ sức hút với người tiêu dùng và đã có những bước tiến dài trên thị trường thì cách làm nông nghiệp, tư duy sản xuất của bà con nông dân cũng có sự thay đổi lớn”, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết.

Sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị. Ảnh: Tâm Phùng.

Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch tỉnh, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT, đó chính là thay đổi cách nhìn, về tư duy hướng tới nông nghiệp hữu cơ organic của nông dân.

Trong lộ trình mà tỉnh Quảng Trị thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững” là chủ động thu hút, mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư.

Mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trên tinh thần này, Quảng Trị không làm ồ ạt, nóng vội mà có từng bước đi vững chắc dựa trên nền tảng hiệu quả từ những vùng đất, những cánh đồng để sau đó nhân rộng các mô hình với tầm vóc lớn.

Sự cam kết ban đầu của doanh nghiệp tạo cho nông dân có thêm lợi thế sân nhà để an tâm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mức lợi nhuận cứ tăng dần theo thời gian, từ 22 triệu đồng/ha lên 30 triệu đồng rồi 40 triệu đồng/ha và con số chưa dừng lại.

Đến nay, mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ đã được nhân rộng ra gần 400ha. Trong tương lao gần, lúa hữu cơ sẽ được mở rộng trên 6.000 ha cánh đồng lớn của Quảng Trị.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tái cơ cấu nông nghiệp.

“Trong đó, một trong những bước đột phá là đã từng bước ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, tích cực kêu gọi và thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Tân Yên - Tâm Phùng - Việt Khánh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khat-vong-nen-nong-nghiep-huu-co-noi-vung-dat-lua-d269346.html