Khát vọng và tình yêu dân tộc

Mỗi khi cả nước ''nhuốm đỏ'' màu cờ Tổ quốc để tiếp lửa cho đội tuyển Việt Nam, người hâm mộ ủng hộ, cổ vũ từ sân cỏ đến các vùng miền trên cả nước. Chúng ta được chứng kiến lòng yêu nước bùng nổ sau mỗi chiến thắng và đã thổi bùng được khát vọng vươn lên.

Bằng sự đoàn kết một lòng, ý chí quyết tâm dù có thể hình và thấp bé nhất, nhưng các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam đã thi đấu với 200% sức lực để bảo vệ thành công và lên ngôi vô địch lần thứ 6 môn bóng đá nữ tại SEA Games 30. Còn Đội tuyển nam thì chưa từng một lần. Đây là gánh nặng tâm lý khá lớn cho Ban huấn luyện đội tuyển và các cầu thủ cũng như người hâm mộ.

Nhưng với “tinh thần Việt Nam”, đội bóng đá nam đã có một chiến thắng thuyết phục, hoàn mỹ tại trận chung kết trước đội tuyển Indonesia, giải được cơn khát “vàng” mà chúng ta chờ đợi suốt 60 năm của môn bóng đá nam tại SEA Games.

Tuần qua, tại buổi gặp mặt Đội tuyển bóng đá nam và nữ đoạt Huy chương Vàng tại SEA Games 30, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi xin nói rằng, chiến thắng này không chỉ là chuyện thể thao và là một chiến thắng của tinh thần yêu nước, tinh thần Việt Nam. Chiến thắng của sự đoàn kết quyết tâm, là ý thức trách nhiệm lớn trước hàng triệu người dân yêu nước... Chiến thắng này sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và để mọi người cùng đóng góp xây dựng nước Việt Nam hùng cường".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng hai đội tuyển bóng đá nữ và nam đoạt Huy chương vàng tại SEA Games 30.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng hai đội tuyển bóng đá nữ và nam đoạt Huy chương vàng tại SEA Games 30.

Chúng ta đều hiểu những tấm huy chương này là mồ hôi, nước mắt nhưng cũng thể hiện khát vọng lớn lao vì màu cờ sắc áo Việt Nam. Tại kỳ SEA Games 30, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành 98 Huy chương Vàng, 85 Huy chương Bạc và 105 Huy chương Đồng, đứng thứ hai toàn đoàn và vượt mức kế hoạch đề ra.

Tinh thần phấn chấn của người dân không chỉ bởi sự lan tỏa từ “men say chiến thắng” mà đội tuyển bóng đá Việt Nam đã truyền vào mỗi trái tim người Việt, mà niềm tin còn được thăng hoa bởi khát vọng đưa nước Việt Nam sớm trở thành một quốc gia hùng cường.

Để biến khát vọng thành hiện thực, chúng ta phải nhanh chóng giải quyết một số vấn đề: Hiện tượng xuống cấp về đạo đức, lối sống, các tệ nạn xã hội, chủ nghĩa cá nhân thực dụng, phân hóa giàu nghèo, việc coi nhẹ những giá trị truyền thống xã hội nhân văn, nạn ô nhiễm môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng, tiêu cực... đã gây ra những bức xúc, bất bình trong xã hội, làm giảm đi niềm vui, tình yêu và hạnh phúc của con người, giảm niềm tin về tương lai cuộc sống. Cái nhìn tiêu cực đang phủ bóng lên xã hội.

Việt Nam khó có thể phát triển với năng lượng tiêu cực như vậy. Do vậy, điều hết sức quan trọng là làm sao để tạo ra khát vọng và niềm cảm hứng Việt Nam với suy nghĩ rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa thì mới có thể kích hoạt được khối năng lượng tích cực của dân tộc.

Đây là thời điểm người dân Việt Nam cần soi xét lại mình để thấy rằng, trong điều kiện hiện nay, tinh thần dân tộc đóng vai trò hết sức quan trọng đối với công cuộc cải cách, phát triển hài hòa và bền vững của đất nước. Thực tế của công cuộc cải cách, hiện đại hóa ở các nước trong khu vực và trên thế giới trong những năm qua đã chỉ ra rằng, nhờ biết phát huy tinh thần dân tộc, một số nước đã đạt được những thành công kỳ diệu, vươn mình trở thành những con rồng châu Á.

Gắn tinh thần “khát vọng Việt Nam” với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần kiến tạo sức mạnh tập thể của cả dân tộc để thực hiện được tầm nhìn khát vọng năm 2045 đã đặt ra. Đích đến của Việt Nam vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước là phải hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN... Vì vậy, trong ba thập kỷ tới, Việt Nam phải không ngừng nỗ lực, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để trỗi dậy và phát triển, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.

Mục tiêu tầm nhìn năm 2045 của quốc gia có tính khả thi cao, bởi Việt Nam có các động lực nền tảng là khát vọng và tâm thế của người Việt sẵn sàng đổi mới; có vị trí chiến lược trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, thế giới đang mở ra nhiều cơ hội rộng mở trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để cất cánh, vươn cao, chúng ta phải biết làm nhẹ mình bằng việc loại bỏ được những lực cản khách quan và chủ quan, nhất là căn bệnh chủ quan quá mức và dễ hài lòng với chính mình; bằng cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực và bỏ đi những thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê và biết phát huy những truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp.

Mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là mong muốn của toàn dân tộc Việt Nam. Chỉ khi có sự tin tưởng, tinh thần đoàn kết, ủng hộ và tiếp sức của nhân dân thì dân tộc ta mới có thể rửa được nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, vươn tới xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường trong ba thập kỷ tới. Tới lúc đó, chúng ta mới có thể tự tin sánh vai với các cường quốc năm châu, được bạn bè quốc tế nể trọng.

Cù Tất Dũng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/khat-vong-va-tinh-yeu-dan-toc-574602/