Khẩu vị mới của Mekong Capital

Liệu Chảo Đỏ có thể trở thành một Golden Gate thứ 2 cho Mekong Capital hay không vẫn còn chờ thời gian.

Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital đã đổi tên Wrap&Roll thành Chảo Đỏ, chính thức mở rộng một trong nhiều khoản đầu tư mới công bố của Mekong Capital.

Áp lực thay đổi

Khi các quỹ đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn mới thì Mekong Capital chỉ mất 12 tháng, tính từ khi thành lập Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III), để hoàn thành quá trình gọi vốn mới. Đến tháng 5.2016, MEF III đã huy động được 112 triệu USD. Con số này tuy thấp hơn mức dự định ban đầu (150 triệu USD) nhưng đủ để Mekong Capital thực hiện những khoản đầu tư chiến lược.

Sở dĩ Mekong Capital có thể thuyết phục được nhà đầu tư quốc tế bỏ tiền vì đã chứng minh được nhiều khoản đầu tư hiệu quả. Thực tế, sau 5-7 năm, những công ty nhận được vốn đầu tư từ Mekong Capital như Thế Giới Di Động, Golden Gate, Traphaco, Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận, Vietnam Australia International School (VAS)... đều tăng trưởng cao. Trong đó, đặc biệt lần thoái vốn gần đây nhất của Mekong Capital tại Thế Giới Di Động vào quý IV đã bán được với mức giá gấp 89 lần so với giá ban đầu mà quỹ của Mekong Capital đầu tư vào năm 2007.

Trước đây, Mekong Capital đầu tư vào nhiều lĩnh vực bao gồm công nghiệp chế tạo, bất động sản, công nghệ thông tin và tiêu dùng. Tuy nhiên, hàng tiêu dùng là lĩnh vực mà Mekong Capital có nhiều thành công nhất. Công ty này gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào dệt may, sản xuất thực phẩm. Vì thế, khi lập quỹ mới MEF III, ông Chad Ovel, Tổng Giám đốc Mekong Capital, từng nhấn mạnh, chiến lược đầu tư của MEF III là chỉ tập trung các doanh nghiệp ngành tiêu dùng Việt Nam, thuộc các lĩnh vực như bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng.

Chiến lược này thực ra không khác biệt gì so với Quỹ Mekong Enterprise Fund II (MEF II). Tuy nhiên, so với thời kỳ Quỹ MEF II tiến hành đầu tư (2006-2008), môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện đã thay đổi. Chẳng hạn, cùng dấn bước vào ngành nhà hàng nhưng cơ hội cho Wrap&Roll dự báo sẽ không còn rộng trong “đại dương xanh” như Golden Gate của 8-10 năm trước.

Ngành nhà hàng ở Việt Nam vẫn được đánh giá là còn tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ vào thu nhập bình quân đầu người ước tăng lên 3.400 USD/người và tầng lớp trung lưu có thể đạt 33 triệu người vào năm 2020, theo Boston Consulting Group (BCG). Bên cạnh đó, Mekong Capital cho biết, quý I//2017, doanh số trên các cửa hàng Wrap&Roll cũ tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, thực tế, Wrap&Roll giờ đây bị cạnh tranh khốc liệt, từ các đối thủ trong nước như chuỗi các nhà hàng ẩm thực truyền thống Việt của Huy Việt Nam, Phố Ngon 37 của Golden Gate đến hàng loạt tên tuổi nước ngoài đình đám trong ngành thức ăn nhanh như KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut, Burger King, Starbucks, McDonald’s...

Chiến lược đầu tư mới

Để duy trì được tốc độ tăng trưởng, Golden Gate đã phải liên tục đổi mới. Sau mô hình nhà hàng lẩu nấm Ashima, Golden Gate mở rộng ra nhiều mô hình khác, theo văn hóa ẩm thực của Nhật, Hàn Quốc, Mông Cổ, Mỹ, Việt Nam. Golden Gate cũng mở các nhà hàng lẩu băng chuyền (Kichi-Kichi), nhà hàng và trạm bia (Vuvuzela, City Beer Station...), hay nhà hàng theo hình thức nhận nhượng quyền (Crystal Jade của Singapore, Osaka Osho của Nhật).

Mekong Capital cũng hướng Wrap&Roll đi theo cách thức như Golden Gate, nghĩa là sẽ mở rộng đa dạng chuỗi kinh doanh, phục vụ đa dạng nhiều đối tượng nhưng sẽ chỉ tập trung vào ẩm thực Việt. Để làm được điều này, Mekong Capital quyết định thay đổi nhận dạng thương hiệu cũng như triển khai chiến lược đầu tư nhiều mô hình nhà hàng mới, với nhiều thương hiệu con, bên cạnh việc giữ và phát triển chuỗi nhà hàng Wrap&Roll. Trước mắt, sự ra đời của nhà hàng Cuốn Việt đánh dấu bước thâm nhập vào thị trường thuộc nhóm người thu nhập tầm trung, qua hệ thống Co.opmart trên khắp cả nước.

Mekong Capital thoái vốn lãi gấp 9 lần tại Golden Gate. Chảo Đỏ có thể trở thành một Golden Gate thứ 2 cho Mekong Capital hay không còn chờ thời gian. Tính ra, Mekong Capital đã đầu tư vào Wrap&Roll khi công ty này hoạt động được 10 năm. Sau 10 năm, Wrap&Roll mới chỉ có 10 nhà hàng ở Việt Nam, phải tìm đường nhượng quyền ra nước ngoài, lại từng đóng cửa vài tiệm, cho thấy mô hình của Wrap&Roll có những vấn đề nội tại. Mekong Capital có thể sẽ gặp thách thức khi muốn thúc đẩy tăng trưởng nhanh ở Chảo Đỏ.

Trong khi đó, khoản đầu tư tại F88 cũng khiến nội bộ ở Mekong Capital tranh luận quyết liệt. Lý do vì dịch vụ cầm đồ xưa nay được xem là khá nhạy cảm, bị xã hội nhìn nhận như dạng cho vay nặng lãi. Lợi nhuận của các tiệm cầm đồ có thể là tín hiệu không vui cho các nền kinh tế bởi chúng kinh doanh hiệu quả nhờ tận dụng sự khó khăn về tài chính của các hộ gia đình.

Nhưng Việt Nam có trên 30.000 cửa hàng cầm đồ và quy mô tín dụng tiêu dùng từ 3 năm trước đã đạt khoảng 8,8 tỉ USD, theo báo cáo của StoxPlus. Mekong Capital nhận thấy đây là ngành hấp dẫn nếu đầu tư nghiêm túc. Báo cáo StoxPlus còn lưu ý thêm, con số trên mới chỉ dựa vào dữ liệu của các ngân hàng và 17 công ty tài chính, vẫn còn một khoản tín dụng khổng lồ từ thị trường chợ đen chưa được tính đến.

Rõ ràng, nhu cầu vay vốn nhanh và đơn giản là rất lớn. Chưa kể, nhìn ra Đông Nam Á, mô hình dịch vụ cầm đồ khá thành công. Chẳng hạn, cầm đồ của Thái Lan ước tính có giá trị khoảng 5,3 tỉ USD vào năm 2013. Còn theo ghi nhận của hãng Reuters, biên lợi nhuận trước thuế của chuỗi cầm đồ Money Max của Singapore là hơn 30%, khá cao khi so sánh với các lĩnh vực kinh doanh tài chính khác.

Mekong Capital đã đặt mục tiêu đến năm 2020, F88 sẽ trở thành công ty cầm đồ số 1 tại Việt Nam về thương hiệu, thị phần với việc sở hữu chuỗi 300 cửa hàng trên 63 tỉnh thành. Đây là mục tiêu rất tham vọng do F88 hiện mới chỉ có 21 cửa hàng và chưa tiến vào phía Nam. Mục tiêu này còn bị thách thức bởi nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang ráo riết săn lùng mặt bằng. Việc tìm địa điểm thích hợp để mở điểm bán lẻ mới đã khó khăn hơn. Ngoài ra, theo ông Phùng Anh Tuấn, Tổng Giám đốc F88, mất nhiều thời gian nhất là làm sao thay đổi cái nhìn của xã hội về loại hình kinh doanh cầm đồ.

Đối với khoản đầu tư vào Công ty Vàng bạc Đá quý Bến Thành (BTJ), Mekong Capital đặt mục tiêu mở chuỗi cửa hàng trang sức riêng của BTJ, mang phong cách và thương hiệu hoàn toàn mới: Precita. Precita sẽ chỉ tập trung vào thiết kế đẹp, nhập khẩu chọn lọc các sản phẩm mang xu hướng mới nhất từ Âu Mỹ cùng với chế tác riêng. Ở ngành dịch vụ logistics, ông Chad Ovel nhận thấy lĩnh vực chuyển phát nhanh có rất nhiều cơ hội để phát triển nhờ vào nhu cầu ngày càng gia tăng của các ngành bán lẻ và thương mại điện tử.

Thực tế, Mekong Capital cũng khá linh hoạt khi rót vốn vào Nhất Tín, bởi công ty này chỉ mới thành lập khoảng 2 năm. Mekong Capital cũng cho thấy xu hướng đầu tư vào ngành tiềm năng nhưng bị phân mảnh lớn, với kỳ vọng các công ty sẽ có cơ hội tăng trưởng nhanh nếu cung cấp dịch vụ chất lượng, tin cậy, sáng tạo. Mekong Capital chỉ chọn rót vốn vào những công ty đã có sẵn nền tảng, có quy mô. Chẳng hạn, trước khi lọt vào mắt xanh của Mekong Capital, Nhất Tín đã là đối tác chiến lược của Thế Giới Di Động, FPT Shop, PSD, Amway, DHL, Samsung, LG, Sony... Đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân chưa niêm yết, Mekong Capital hợp tác và nắm giữ các khoản đầu tư trong thời gian dài từ 5-8 năm, vì thế những nhân tố tác động nhiều vào kết quả hoạt động của quỹ thường sẽ đến từ đội ngũ quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Những công ty trong danh mục tư vấn đầu tư của Mekong Capital trong năm 2016 đã đạt bình quân tăng trưởng lợi nhuận ròng ở mức 115%. Do đó, Mekong Capital theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao và phải đầu tư theo những gì đã cam kết khi lập Quỹ MEF III. Đây là áp lực lớn nhất trong bối cảnh Việt Nam ngày càng ít các công ty đủ khả năng để sớm đạt tăng trưởng nhanh. Nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm trong đầu tư tiêu dùng, có nhiều nguồn lực quốc tế hỗ trợ và theo Nielsen, tiêu dùng cũng là tăng trưởng cao nhất 3 năm qua, Mekong Capital vẫn kỳ vọng để có thể lập lại thành công.

Thủy Ngọc

Thủy Ngọc

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/phan-tich/khau-vi-moi-cua-mekong-capital-3319287/