Khe Sanh bất tử và âm vang ngày mới

Tối 8.7, tại Quảng Trị đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa (9.7.1968 - 9.7.2018) tại Nhà văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều - Pa Cô (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa). Đông đảo cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh trên mọi miền đất nước và người dân địa phương đã có mặt tại buổi lễ long trọng này.

Nhân sự kiện trọng đại nói trên, Báo Lao Động đã tổ chức cuộc thi “Bút ký, phóng sự về 50 năm Chiến thắng Khe Sanh”. Trong ảnh, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (bìa phải ảnh) và ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động (bìa trái ảnh) trao giải đặc biệt cho tác giả tham dự cuộc thi. Ảnh: TRẦN TUẤN

Quá khứ anh hùng của Khe Sanh

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) năm 1954, đất nước ta tạm thời chia cắt 2 miền, với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, Mỹ đã nhảy vào xâm lược Miền Nam. Cùng với việc xây dựng “con mắt thần” bằng tuyến Hàng rào điện tử McNamara ở nam sông Bến Hải, chúng đã thiết lập tuyến phòng thủ dọc đường 9 và tập trung xây dựng tập đoàn cứ điểm Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) gồm các cứ điểm: Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh và Huội San (Lào).

Từ 1 thung lũng hoang vắng, Khe Sanh trở thành 1 căn cứ quân sự lớn của Mỹ và được ví là “cái mỏ neo”, làm bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc XHCN vào, từ Lào sang, và cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh. Với tham vọng đó, Tổng thống Mỹ Johnson cho đắp cả sa bàn Khe Sanh ở Nhà Trắng, hàng ngày nghe giao ban chiến sự ở đây và yêu cầu tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam - ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh, vì đó là danh dự của nước Mỹ.

Các tiết mục nghệ thuật tại lễ kỷ niệm. Ảnh: ĐT

Cùng với tập trung xây dựng Khe Sanh thành tập đoàn cứ điểm quân sự hiện đại vào loại bậc nhất ở miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã thiết lập hệ thống kìm kẹp đắc lực từ huyện đến xã, để đàn áp phong trào cách mạng.

Trong những tháng năm gian khó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hướng Hóa đã phát động phong trào đánh giặc ngoại xâm, xây dựng hậu cứ, đẩy mạnh sản xuất, huy động sức người, sức của cùng các lực lượng vũ trang phục vụ chiến đấu và chiến đấu, giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, với Bác Hồ.

Qua 170 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hệ thống chiến tranh hiện đại và quy mô khổng lồ của Mỹ. Thất bại ở Khe sanh không kể những tổn thất về người, đó còn là danh dự của nước Mỹ và niềm tin của công chúng Mỹ đối với chính quyền Johnson.

Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Mậu Thân năm 1968 đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, tạo ra cục diện mới ngày càng có lợi trên chiến trường, vùng hậu cứ và hành lang chiến lược được mở rộng, tạo thế và lực để quân và dân ta tiến công giành thắng lợi trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, giải phóng quê hương Quảng Trị - địa phương đầu tiên của miền Nam vào năm 1972.

“Đô thị vàng” trên chiến trường xưa

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị - đã nhắc lại những câu thơ “Một đô thị vàng Lao Bảo…” mà nhà thơ Ngô Kha đã dự báo mấy chục năm về trước. Ông Hùng nhấn mạnh rằng, 50 năm sau ngày giải phóng, Hướng Hóa không chỉ từ trong hoang tàn đổ nát do hậu quả chiến tranh để lại, mà thêm vào đó thiên tai khắc nghiệt, hạn hán thường xuyên xảy ra, phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Hội trại chào mừng kỷ niệm 50 ngày Chiến thắng Khe Sanh. Ảnh: KH

Song, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hướng Hóa đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên để hàn gắn vết thương chiến tranh.

“Đường 9 - Khe Sanh một thời hoa lửa, giờ đây đã trở thành con đường của hội nhập và phát triển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Những địa danh như Khe Sanh, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Vây, đồi Động Tri, suối La La gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… giờ trở thành những đô thị, khu kinh tế và điểm đến của du lịch hòa bình” - ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Tại chương trình lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh, lịch sử ngày hôm qua được nhắc lại, và hiện thực của Khe Sanh hôm nay được nói đến, được thể hiện sinh động qua những tiết mục nghệ thuật “Khe Sanh - bản hùng ca bất tử” và “Khe Sanh - âm vang ngày mới” trong sự hứng khởi, tươi vui của màn pháo hoa lung linh trên đỉnh đồi Cù Bốc (địa điểm một thời ác liệt trong những năm chiến tranh ở trung tâm thị trấn Khe Sanh)…

HƯNG THƠ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/khe-sanh-bat-tu-va-am-vang-ngay-moi-617414.ldo