Khen thưởng hay ban ơn?

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, vai trò của nhân dân luôn được đánh giá rất cao.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, vai trò của nhân dân luôn được đánh giá rất cao. Và trong cuộc chiến với nạn tham nhũng, gian lận chế độ chính sách người có công để trục lợi rất cần những người có tâm huyết, dũng cảm đứng lên đấu tranh, phơi bày sự thật ra ánh sáng. Trong cuộc chiến ấy, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương đáng được tuyên dương, khen thưởng vì những thành tích đấu tranh của họ. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, chậm trễ trong khuyến khích và khen thưởng người có thành tích đấu tranh chống tham nhũng khiến dư luận bức xúc.

Vụ việc hai cụ ông Nguyễn Tiến Lãng (79 tuổi, trú tại phố Tam Á, xã Gia Đông) và ông Nguyễn Công Uẩn (80 tuổi, trú tại thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái) huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã tự điều tra, phát hiện và tố giác 2.745 trường hợp làm giả hồ sơ thương binh, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng và giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm lên đến hơn 20 tỷ đồng, xử lý hình sự 24 đối tượng vì tội chiếm đoạt tài sản... Những tưởng đó là thành tích xuất sắc trong đấu tranh, tố cáo tham nhũng, gian lận chính sách người có công, đưa sự thật ra ánh sáng và cần được kịp thời động viên, khen thưởng. Tuy nhiên, đã nhiều năm, việc tuyên dương, khen thưởng hai tấm gương này chưa được thực hiện. Trong khi đằng sau những thành quả đáng trân trọng và đáng tôn vinh hôm nay của hai cụ ông là bao nỗi cực khổ, sự xa lánh, thậm chí là sự nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và gia đình khi trong quá trình tìm hiểu, phanh phui sự thật bị nhiều kẻ xấu đe dọa bản thân và gia đình.

Sự dũng cảm, kiên trì của các cụ trong việc chống tham nhũng là rất đáng khâm phục. Trước thành tích này, Bộ LĐTB&XH đã làm đề xuất khen thưởng đối với hai cụ. Tuy nhiên, từ năm 2015, Bộ này đã hai lần gửi công văn tới UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đề nghị cho ý kiến hiệp y, nhưng tỉnh vẫn chậm trễ trong việc trả lời.

Dư luận cho rằng, nếu người dân xứng đáng, nếu đúng có thành tích và phát hiện ra sai phạm trong lĩnh vực người có công thì khen thưởng là việc làm cần thiết và sớm phải thực hiện. Có như vậy chúng ta mới động viên được nhân dân đấu tranh phòng chống tham nhũng và công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta mới đem lại hiệu quả. Dư luận cũng cho rằng, việc các cụ Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Công Uẩn đã đấu tranh chống tham nhũng vì coi đó như là trách nhiệm của mỗi công dân và đã có thành tích xuất sắc trong công việc này. Khen thưởng các cụ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhưng đến nay cả hai cụ vẫn chưa được khen thưởng thì phải nhìn nhận thẳng thắn rằng các cơ quan chức năng liên quan đến công tác khen thưởng đã không làm tròn nhiệm vụ.

Điều đáng buồn là không ít vụ việc, chỉ đến khi báo chí vào cuộc mạnh mẽ, dư luận xã hội phản ứng gay gắt về việc chậm trễ, thậm chí đặt ra nhiều câu hỏi có hay không sự khuất tất đằng sau thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mới có động thái xử lý.

Như vậy, việc khen thưởng vẫn còn quy định bất cập, cộng với sự thiếu trách nhiệm của một số cơ quan chức năng đã không những gây tổn thương tinh thần cho hai cụ ông nói riêng, những người chống tham nhũng nói chung mà còn ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người dân tham gia chống tham nhũng. Ở đây, đừng biến khen thưởng thành ban ơn!

Nhật Minh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khen-thuong-hay-ban-on-n131848.html