Khen thưởng người nghèo

Trung tuần tháng 10 vừa qua, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tổ chức khen thưởng cho 100 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã về thực hiện tốt công tác môi trường xây dựng nông thôn mới, cụ thể là xây nhà tiêu hợp vệ sinh đúng như cam kết. Vậy là lần đầu tiên, công việc vốn được coi là 'tầm thường' lại được khen thưởng. Nhiều người nghèo lần đầu tiên trong đời đứng trên bục để nhận khoản tiền, dù rất nhỏ, nhưng lại đem đến cho họ niềm vui lớn vì họ được khen thưởng chứ không phải nhận khoản trợ cấp vì nghèo.

Việc khen thưởng cũng đánh giá sự thành công trong chuyển biến tư tưởng người nghèo, khi họ sống đã có nền nếp, bỏ thói quen “tự do” trước đây. Năm đầu tiên, việc hỗ trợ người nghèo làm nhà tiêu hợp vệ sinh, nhiều người thờ ơ, giống như không phải việc của mình, buộc các đoàn thể phải vào cuộc giúp đỡ họ xây dựng, vận chuyển vật liệu... Vậy mà nhà tiêu làm xong, nhiều người cũng không dùng đúng việc, mà để làm nơi nhốt ngan, gà, vì họ vẫn không bỏ được thói quen “tự do” trước đây. Thế nhưng, đến nay mọi cái đã thay đổi rất nhiều, giúp huyện Ba Chẽ đã xây được gần 1.800 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo kể từ năm 2014 đến nay.

Gia đình chị Triệu Kim Lan, thôn Loỏng Toỏng, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, làm nhà tiêu hợp vệ sinh.

Ngày nay, ở các xã của những huyện có đông người nghèo như Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà đã có nhiều người tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, để tự nỗ lực vươn lên, từ bỏ tâm lý ỷ lại trông chờ vào Nhà nước.

Năm 2016, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã tổ chức khen thưởng những người làm nghề bắt ốc ở một số xã của huyện Vân Đồn, khi họ thực hiện đúng cam kết hợp đồng: “Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý khai thác nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất nhiễm mặn” của Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Người bắt ốc đến từ các xã giáp với khu vực biển của Vườn Quốc gia Bái Tử Long quản lý, họ được giao bãi biển để trông coi, khi thu hoạch ốc, họ được chia sẻ 4% lợi ích sản phẩm, còn lại thuộc về Vườn Quốc gia để phục vụ công tác bảo tồn.

Người bắt ốc phải cam kết khai thác các loài thủy sản đúng đăng ký, chủng loại, kích thước, mùa vụ, khu vực, sử dụng công cụ, biện pháp khai thác không làm ảnh hưởng xấu tới môi trường và các loài sinh vật khác. Ngoài ra, họ còn đảm nhiệm việc trông coi nhằm phát hiện đối tượng lạ vào khu vực, ngăn chặn và báo với lực lượng kiểm lâm của Vườn đến giải quyết. Vậy là nghề bắt ốc cũng được khen thưởng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thạch, thôn Đông Sơn, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, là một trong số những người bắt ốc bảo: “Trước đây, công việc của chúng tôi hay bị mắng chửi vì các bãi triều đều đã có chủ, cứ bước vào bãi là có người ra đuổi. Bây giờ chúng tôi lại được khen”. Theo đánh giá của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long qua đợt tổng kết “Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý khai thác nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất nhiễm mặn” năm 2018, thì từ khi có dự án chia sẻ lợi ích này, mức độ đa dạng sinh học về loài trên vùng đất ngập mặn của Vườn quốc gia được gia tăng, mật độ các loài nhuyễn thể như ốc đá, ốc vôi... đã tăng từ 15 đến 100% so với năm 2016. Trước đó các loài này cứ cạn kiệt dần và có nguy cơ tuyệt chủng.

Vậy là người xây nhà tiêu, người bắt ốc... công việc dù nhỏ nếu làm tốt thì đều được khen thưởng. Đó là động lực thúc đẩy giúp cho người nghèo, người thu nhập thấp có ý thức với môi trường và xã hội, tạo nhiều chuyển biến tốt trong cộng đồng.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201811/khen-thuong-nguoi-ngheo-2408980/