Khép lại môn bơi ở ASIAD 19: Bơi Việt Nam vẫn giữ được vị thế

Môn bơi của ASIAD 19, một trong những môn hấp dẫn nhất của Đại hội, đã chính thức kết thúc tranh tài sau tối 29-9. Tại kì thi đấu lần này, nhiều bất ngờ xảy ra, trong đó có cả việc đội bơi chủ nhà dẫn đều về tổng sắp huy chương.

Các đội bơi Đông Nam Á ở đâu

Tại ASIAD 19, các quốc gia Đông Nam Á góp mặt ở môn bơi gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Lào, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia. Nhiều tuyển thủ trong đội hình của các đội bơi trên từng dự SEA Games 32 cách đây 5 tháng nhưng cuối cùng thành tích huy chương vẫn chỉ có ở đội bơi Việt Nam và Singapore.

Bất ngờ lớn nhất là việc đội bơi số một Đông Nam Á Singapore trắng tay về HCV tại ASIAD 19 lần này. Ba kì liên tiếp gần nhất trước khi ASIAD 19 tổ chức là ASIAD năm 2010, ASIAD năm 2014, ASIAD năm 2018 thì đội bơi Singapore đều giành được HCV. Lần này, đội bơi Singapore chỉ đạt 1 HCB do thành tích của gương mặt trẻ Teong Tzen We tại cự ly 50m bướm nam. Kì ASIAD 19, đội bơi Singapore không có Joshep Schooling tham dự dù tại ASIAD 18, tuyển thủ này giành được 2 HCV cho quốc gia mình trong cự ly 50m bướm, 100m bướm nam.

Đội bơi Singapore tiếc nuối nhất là việc thi đấu không thành công chung kết cuối cùng 4x100m hỗn hợp nữ ở tối 29-9. Đây là nội dung đội bơi Singapore đã giành HCĐ tại ASIAD 18 nhưng trong tối 29-9 tại ASIAD 19, nữ tuyển thủ nổi danh Quah Ting Wen gặp lỗi xuất phát do vậy đội bơi nữ Singapore bị loại đáng tiếc.

Với bơi Việt Nam, chúng ta đạt 2 HCĐ (800m tự do, 400m tự do nam) từ thành tích chuyên môn của Nguyễn Huy Hoàng. Trong đó, thành tích cự ly 800m tự do của tuyển thủ vượt chuẩn A Olympic để có suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Trong tất cả các tuyển thủ đã giành HCV cá nhân môn bơi tại SEA Games 32 của tất cả các quốc gia trong khu vực và có dự ASIAD 19, Nguyễn Huy Hoàng là người duy nhất giành được huy chương. Tính một cách tương quan, bơi Việt Nam vẫn giữ được vị trí của mình ở đấu trường châu Á. Tính một cách chi tiết, chương trình tập huấn tại châu Âu (Hungary) với chuyên gia châu Âu (Hungary) đang là phương án phù hợp để phát huy khả năng của Huy Hoàng. Mặc dù vậy, bơi Việt Nam cần thêm nữa các gương mặt xuất chúng vì chúng ta vẫn chỉ đang chờ ở sự bứt phá của một tuyển thủ.

Phá vỡ kỉ lục từ năm 1978

Đội bơi chủ nhà Trung Quốc chiến thắng tuyệt đối tại môn này khi đạt 28 HCV, 21 HCB, 9 HCĐ bỏ xa đội xếp hạng nhì là Hàn Quốc (6 HCV, 6 HCB, 10). Cách đây 5 năm tại ASIAD 18 năm 2018 ở Palembang (Indonesia), đội bơi Trung Quốc xếp nhất khi giành 19 HCV tuy nhiên họ chỉ nhỉnh hơn đội bơi Nhật Bản (cũng có 19 HCV) về số HCB nên đứng đầu chứ không hoàn toàn có sự áp đảo.

Con số thống kê cho thấy, thành tích giành được 28 HCV tại ASIAD 19 lần này đã giúp đội bơi Trung Quốc thiết lập lại kỉ lục là đội tuyển bơi giành nhiều HCV nhất trong một kì ASIAD từ khi Đại hội này được tổ chức. Thành tích này vượt kỉ lục tồn tại từ đại hội ASIAD tổ chức năm 1978 của đội bơi Nhật Bản. Thời điểm đó, đội bơi Nhật Bản giành tổng 25 HCV và tổng các nội dung tổ chức chỉ là 29. Hiện tại, số nội dung của môn bơi tại ASIAD 19 là 41.

Môn bơi của ASIAD 19 ghi nhận đã có các kình ngư của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ châu lục đăng kí thi đấu và chung cuộc các đội tuyển giành được huy chương gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), Đài Bắc Trung Hoa, Singapore, Kazakhstan, Việt Nam giành được huy chương. Đây vẫn là 8 đội tuyển bơi đã giành được huy chương tại ASIAD 18 cách đây 5 năm và điều này cho thấy sự ổn định vẫn đang được giữ nguyên chưa có xáo trộn nhưng việc các tuyển thủ Trung Quốc vượt lên giành hầu hết các tấm HCV trong 2/3 số nội dung tại ASIAD 19 sẽ khiến nhiều quốc gia phải có chiến lược đầu tư mạnh mẽ thêm để hướng tới tranh tài ASIAD 20 năm 2026 sau đây 3 năm.

MINH CHIẾN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khep-lai-mon-boi-o-asiad-19-boi-viet-nam-van-giu-duoc-vi-the-post707788.html