Khi âm nhạc là nguồn sống

Lặng lẽ và khiêm nhường so với tác phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi, những nhạc phẩm của tác giả Mai Duy Đức gần gũi, mộc mạc, nhưng ẩn đằng sau đó là nghị lực, khát vọng và niềm đam mê mãnh liệt của ông với âm nhạc.

Tác giả Mai Duy Đức (bìa phải) cùng nhạc sĩ Đồng Châu nghe lại một ca khúc mà ông vừa sáng tác tại nhà trọ ở P.Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Na

Mai Duy Đức có lẽ là một trong những hội viên “đặc biệt” của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai. Từ khi còn rất nhỏ, Mai Duy Đức mắc bệnh sốt bại liệt, không được chữa trị kịp thời nên bị biến chứng, đôi tay yếu, giọng nói ngọng và lãng tai. Vậy nên, bất cứ ai muốn liên hệ với ông đều phải thực hiện qua e-mail. Chỉ đến cuối ngày sau khi bán hết vé số, ông mới về nhà mở máy tính, kiểm tra e-mail và trả lời.

* Âm nhạc là nguồn sống

Mai Duy Đức sinh ra và lớn lên ở Dốc Mơ, xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất). Không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa nhưng bù lại ông rất yêu âm nhạc và thích sáng tác. Năm 17 tuổi, ông đã có tác phẩm đầu tay. Trước năm 1975, ông bán vé số và sống tại hội quán dành cho văn nghệ sĩ ở Sài Gòn. Ở đó, ông có tham gia một số khóa học sáng tác nhạc, được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dìu dắt, hướng dẫn. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê hương, tiếp tục công việc bán vé số và viết nhạc.

Tác giả Mai Duy Đức tâm sự: “Ngày đi bán vé số, đêm về tôi ngồi tập trung bên máy tính sáng tác nhạc. Mỗi khi hoàn thành một bài hát, tôi cùng với người bạn già là nhạc sĩ Đồng Châu xem lại, góp ý để hoàn chỉnh. Tôi cũng dành toàn bộ số tiền bán vé số kiếm được mỗi ngày để mua máy móc hỗ trợ cho hoạt động sáng tác. Tôi chỉ mong, những tác phẩm của mình được nhiều người biết đến và thưởng thức…”.

Ông kể rằng, năm 1976 ông lập gia đình. Hạnh phúc chưa kịp nhân lên thì cả vợ và đứa con đầu lòng lần lượt qua đời. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Ông chỉ biết lấy âm nhạc làm nguồn an ủi, động viên để tiếp tục sống.

Nhiều năm sau, duyên số đã giúp Mai Duy Đức đi thêm bước nữa và có được 4 người con. Hiện các con ông đã trưởng thành, ổn định cuộc sống. Trước khi được kết nạp vào Hội VHNT Đồng Nai, ông đã được nhạc sĩ Trần Viết Bính hướng dẫn sáng tác trong 10 năm.

“Đó là khoảng thời gian từ năm 1995-2006. Thời điểm đó, nhiều người chưa thực sự tin tưởng ở khả năng sáng tác của tôi, một phần vì tôi chưa có tác phẩm nổi bật, phần nữa là bởi chính khả năng nghe, nói của tôi còn hạn chế. Nhờ sự giúp sức từ nhạc sĩ Trần Viết Bính mà tôi đã sáng tác và thực hiện được một VCD với 10 ca khúc do nhiều ca sĩ ở Đồng Nai như Thu Huyền, Cẩm Hường... thể hiện” - tác giả Duy Đức nhớ lại.

Là một trong những người bạn già thân thiết của tác giả Duy Đức hơn 10 năm, nhạc sĩ Đồng Châu nói rằng, ông Đức có năng khiếu âm nhạc, cảm bằng tư duy tốt. Từ những ca khúc còn “non” tay ban đầu, ông ấy tiếp cận rất nhanh và ngày càng tiến bộ. Nhờ kiên trì, chịu khó, ông Đức nắm vững các kỹ thuật trong sáng tác, biết cách lựa chọn ca từ đẹp và nhẹ nhàng, phù hợp với mọi đối tượng khán thính giả.

“Dẫu phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng Mai Duy Đức đã vượt lên tất cả, mang đến cuộc đời những tác phẩm âm nhạc bằng nghị lực phi thường. Đằng sau mỗi nhạc phẩm là cả một câu chuyện dài về cuộc sống, câu chuyện về sự chiến thắng bệnh tật, của niềm đam mê nghệ thuật, sáng tạo để vươn tới cái đẹp. Âm nhạc với ông ấy chính là nguồn sống” - nhạc sĩ Đồng Châu chia sẻ.

* Những quả ngọt…

Trở thành hội viên Hội VHNT Đồng Nai năm 2006 với tác giả Mai Duy Đức là cả một sự nỗ lực và rèn luyện không ngừng nghỉ. Bất cứ hoạt động nào mà Hội tổ chức từ các trại sáng tác đến họp ban, gặp gỡ văn nghệ sĩ..., ông đều tham gia đầy đủ và nhiệt tình. Mấy chục năm sáng tác, ông có trong tay hơn 200 tác phẩm.

Bà Nguyễn Thị Đào (ngụ KP.1, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết: “Ở P.Tân Phong hầu như ai cũng quen mặt người bán vé số Mai Duy Đức. Hoàn cảnh của ông rất khó khăn nên thi thoảng chúng tôi giúp đỡ ông khi thì gạo, gói mì, bó rau… Từ ngày ông ở trọ tại nhà tôi, chúng tôi đã giảm tiền phòng và hỗ trợ wifi miễn phí để ông yên tâm sáng tác âm nhạc”.

Mai Duy Đức đã đoạt nhiều giải thưởng VHNT trong tỉnh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội tổ chức với các ca khúc: Tình Bác bao la, Tình ca người công nhân, Hương sầu riêng... Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, ca khúc Mùa xuân ước mơ của ông được thu âm, phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai.

Để tập trung cho hoạt động sáng tác, tác giả Mai Duy Đức đã chuyển từ H.Thống Nhất lên TP.Biên Hòa ở trọ một mình tại P.Tân Phong. Ông được nhạc sĩ Đồng Châu giúp lựa chọn 70 bài hát hay nhất đăng ký ở Trung tâm tác quyền âm nhạc Việt Nam để “kiếm thêm” ít tiền trang trải cuộc sống. Đặc biệt, 10 ca khúc ông thu đĩa VCD đã được đăng lên YouTube, mặc dù số lượng xem chưa nhiều nhưng đó là niềm vui, hạnh phúc của người làm nghệ thuật.

Trong căn phòng trọ nhỏ ở KP.1, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa, người nhạc sĩ già Mai Duy Đức không giấu nổi niềm vui khi nói với chúng tôi về niềm say mê sáng tác của mình. Là người yêu nghệ thuật, ông luôn tuân thủ nghiêm túc những đòi hỏi khắt khe và sự khổ luyện của nghề. Cái đang quý ở ông là mang đến cho người đối diện khi tiếp xúc, trò chuyện một sự lạc quan, hồn nhiên. Mai Duy Đức tâm sự ông luôn trân trọng quá khứ, hiện tại cũng như tình cảm mà bạn bè dành cho mình và chỉ mong “những đứa con tinh thần” do ông sáng tác được nhiều người biết đến.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202002/khi-am-nhac-la-nguon-song-2990613/