Khi anh chàng bán kem đi Tây

Hai mươi năm lao động xa xứ, với đức tính cần cù, chịu khó, chân thành và có chiến lược kinh doanh khác biệt, từ một anh chàng bán kem ở vùng núi nghèo, anh Nguyễn Văn Thịnh trở thành một doanh nhân thành đạt tại Hungary.

Có thể nói, Giám đốc Nguyễn Văn Thịnh là một trong những hình ảnh tiêu biểu của người Việt Nam hiện đại ở nước ngoài. Công ty TTEURO-KFT của anh hiện là một trong những công ty kinh doanh hàng gia dụng xuyên quốc gia, thuộc tốp đầu của Khu TTTM 25, Budapest, Hungary.

Cơ hội "đi Tây"

Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1964 tại thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Anh sinh trưởng trong một gia đình làm nghề chài lưới. Thịnh là con thứ chín trong gia đình có mười một anh chị em. Cuộc sống gia đình anh nghèo khổ, lênh đênh, bất định, nay đây mai đó trên sông nước.

Năm 1984 Thịnh tham gia nghĩa vụ quân sự, là bộ đội tình nguyện ở chiến trường Lào. Năm 1990 anh về phục viên và lập gia đình tại quê hương với gia tài gồm một túp lều, một thúng lúa, hai mươi lon gạo, hai cái niêu cũ và hai cái bát ăn cơm. Vợ chồng làm ăn chăm chỉ, vất vả quanh năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Từ đó, anh ôm mộng đi buôn và chọn nghề bán kem để khởi nghiệp. Anh vay mượn gia đình, mua hai thùng kem để hành nghề. Hàng ngày, anh đi vào sâu trong vùng bà con dân tộc Vân kiều để bán... Làm ăn chăm chỉ và cần mẫn, Thịnh đã dành dụm được chút vốn liếng. Có tiền rồi, anh lại tự vấn mình không thể cứ mãi là ''thằng bán kem''.

Giám đốc Nguyễn Văn Thịnh và nhân viên công ty TTEURO-KFT. (Ảnh: NVCC)

Năm 1998, dịp may đã đến, Thịnh theo chân một người bà con sang Hungary làm ăn. Anh lại bắt đầu khởi nghiệp ở đây, bằng vốn vay của người chị vợ là 1000 USD. Hàng ngày, anh lấy quần áo ở đầu chợ rồi mang xuống cuối chợ bán, kiếm lời. Ngày đầu tiên anh kiếm được 2000 Forint tiền lãi (tương đương với 15 USD).

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, anh đã nhận ra rằng cuộc sống ở trời Tây không hề đơn giản, nhiều lúc còn vất vả, cực khổ hơn ở quê. Buôn bán có lúc được, lúc mất, không trường vốn kinh doanh, không biết ngoại ngữ, gia đình ở xa, nhờ vả anh em thì cũng có hạn, tiền bạc không có, nhiều khi anh chỉ dám mua mấy thứ đồ ăn mà người Tây họ không thèm ăn như đầu gà, chân gà, còn lại thì ăn mỳ tôm trừ bữa... Những ngày tháng khổ cực ấy tuy không thể hạ gục được người đàn ông từng trải như anh nhưng nó đã khiến anh nhiều lúc rất cô đơn.

Trong bài thơ ''Đi Tây'', anh viết khi mới sang Hungary (11/1998), có đoạn:

Đi Tây hai chữ đi Tây

mỏi mòn con mắt, nhặt từng đồng xu

Giữa trời mưa tuyết âm u

Nợ nhà ngóng trả, lưng gù trời Tây...

Đoạn thơ trên của anh dường như đã khái quát được cuộc sống của nhiều mảnh đời cơ cực ở trời Tây. Bản thân tác giả bài viết này, cũng đã từng thực hiện nhiều bài phóng sự điều tra về việc xuất khẩu lao động của những người nông dân Việt Nam. Người nào trước khi ra đi, cũng ôm giấc mộng ''đổi đời'', cũng phải gánh vác trên lưng cả một đống nợ và tương lai con cái... Nhưng anh Nguyễn Văn Thịnh là một trường hợp khác - một trường hợp điển hình - bản lĩnh, kiên cường và có cả sự may mắn. Anh đã không cam chịu số phận. Anh tiếp tục vay mượn số tiền là 15000 USD, mua một ki ốt bán hàng (bốn mét vuông). Có cửa hàng rồi, anh lại nghĩ cách tạo ra lợi thế buôn bán cho mình. Hàng ngày, anh đến chợ từ tờ mờ sáng và là người cuối cùng rời khỏi chợ. Phương pháp đó đã giúp anh có được nhiều khách hàng thân thiết. Sau ba năm buôn bán, anh đã trả hết nợ.

Sau bảy năm (1998-2005), anh đã quyết định mở rộng qui mô kinh doanh, thành lập Công ty TNHH TTEURO-KFT, chuyên kinh doanh đồ gia dụng gia đình (nhập khẩu từ Trung Quốc). Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, anh tiếp tục thuê thêm 3 cửa hàng nữa, một cái 140 mét vuông, 120 mét vuông, 500 mét vuông và một tổng kho. Tuyển thêm hàng chục nhân viên (trong đó, có một số người nhà nghèo, không có tiền theo học đại học). Anh cho các nhân viên sang Trung Quốc, học nghiệp vụ, sau đó, về Hungary học tiếng, rồi bố trí vào những vị trí phù hợp. Mỗi trường hợp như thế, công ty anh đều phải tạo mọi điều kiện, từ chuyện việc làm, mức lương ổn định, đóng thuế, tài khoản tiết kiệm, mua nhà, nhập quốc tịch... để giúp các nhân viên an cư, lập nghiệp. Do đã từng trải và thấu hiểu sự cùng cực nơi xứ người nên anh luôn hết lòng chỉ bảo, dạy dỗ, lo toan cho các nhân viên như con cái của mình. Anh đã giúp đỡ họ từng bước hiện thực hóa giấc mơ trên đất khách.

Điều đáng nể nữa là anh Thịnh không chỉ giúp đỡ những người Việt, mà còn giúp đỡ nhiều người bản xứ thành công ngay trên chính quê hương của họ. Ông Kozma István Barna, người Hungary (18 năm gắn bó với công ty TTEURO-KFT), tâm sự: ''Tôi rất vinh dự được đứng trong hàng ngũ nhân viên của công ty ngay từ những ngày đầu thành lập. Anh là người khiêm tốn, ''trọng nghĩa hơn tài"... thực sự là một tấm gương của cộng đồng người Việt''.

Hiện nay, công ty TTEURO-KFT đã liên kết với rất nhiều đại lý ở Hungary, Czech, Áo, Ukraine, Romania... và là một trong những công ty kinh doanh đồ gia dụng xuyên quốc gia, đứng tốp đầu tại khu Trung tâm thương mại 25, Budapest, Hungary. Ông Béni Mihály - Giám đốc Công ty Kambiel Kft, Hungary, đối tác lâu năm chia sẻ: ''Trước đây, tôi từ một người làm công, với hai bàn tay trắng, dưới sự giúp đỡ và dìu dắt của anh Thịnh nay tôi đã sở hữu một tài sản mà trước đấy dù có mơ cũng không thấy. Tôi còn nhớ thời học sinh, nhiều lần chúng tôi đã tham gia những cuộc tuần hành vì Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi là đối tác, là anh em. Tôi rất tự hào và hãnh diện khi hợp tác với công ty và biết anh Thịnh cùng gia đình đã coi nước Hungary là Tổ quốc thứ hai của mình''.

Trong vòng 5 năm tới, anh Thịnh dự kiến sẽ phát triển công ty trở thành tập đoàn, đồng thời, hoạch định chiến lược vươn ra một số thị trường tiềm năng ngoài châu Âu. Đặc biệt, anh đang chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên, tuyển mộ thêm những nhân viên có trình độ cao tại Hungary và Việt Nam. Ngoài ra, anh cũng dự định đưa hai người con trai đi du học tại Trung Quốc, để chuẩn bị cho thế hệ kế cận.

Anh chia sẻ: ''Tôi không vội vàng. Tôi làm từng bước một. Ngày xưa, tôi đâu có ngờ là mình sẽ sang Tây. Sang Tây rồi tôi cũng đâu có ngờ là mình sẽ có được một công ty buôn bán đa quốc gia, có được một đội quân như thế này''. Khi hỏi về bí quyết thành công, anh cho rằng, đó là sự cần cù, chịu khó và phải luôn luôn thật thà, uy tín và phải tạo ra mối nhân duyên và tình cảm sâu sắc với khách hàng.

Và ngày trở về

Anh Thịnh cũng giống như nhiều người Việt thành công khác, họ ''ra đi là để trở về''. Việc ''trở về'' của anh, không chỉ là đóng góp, ủng hộ tiền bạc cho địa phương để xây dựng các công trình công cộng như đường xá, nhà văn hóa, cổng chào... hay quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo, lũ lụt... hay đầu tư tiền bạc để xây dựng khu sinh thái.

Nhà văn Nguyễn Lam Thủy chia sẻ: ''Mặc dù, anh Thịnh sống xa Tổ quốc nhưng tình yêu quê hương đất nước của anh ấy rất lớn và luôn luôn nhớ đến cội nguồn, đặc biệt là nhớ về những năm tháng của tuổi thơ nghèo đói trong nhưng năm tháng chiến tranh. Chẳng hạn như bây giờ anh ấy đã xây những dinh thự (phong cách kiến trúc Á - Âu) ở quê nhà''. Hiện anh cũng được bà con bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình.

Ông Phạm Ngọc Chu (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary) cũng cho biết: Công ty TTEURO-KFT là thành viên của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary. Ông Nguyễn Văn Thịnh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của Hội, là nhân tố tích cực trong các hoạt động của Hội, Cộng đồng Việt tại Hungary và nước ngoài. Ông Thịnh xứng đáng là hạt nhân tiên tiến, thành đạt trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary''.

Bích Yến

(từ Áo)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/khi-anh-chang-ban-kem-di-tay-73461.html