Khi bàn ghế không phù hợp với học sinh

Trong những năm gần đây, bàn ghế học sinh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành giáo dục, y tế trường học và cha mẹ học sinh. Một số quy định về kích thước bàn ghế đã được áp dụng, nhưng tình trạng bàn ghế ở các trường học thuộc bậc học phổ thông vẫn còn những bất cập.

Bàn ghế không phù hợp, học sinh chịu thiệt thòi.

Ít được quan tâm

Có con là học sinh THCS, một phụ huynh ở Hà Nội băn khoăn chia sẻ: Bàn ghế ở rất nhiều trường học hiện vẫn là loại bàn cả dãy dài hoặc bàn và ghế dính liền, 3-4 em ngồi cùng. Cả lớp hơn gần 50 học sinh dùng cùng một loại bàn với cùng kích thước dù thực tế học sinh THCS đã bước vào tuổi dậy thì, chiều cao rất khác nhau. Có em lớn vổng lên nhưng vẫn phải ngồi loại bàn ghế nhỏ rất bất cập.

Nhiều phụ huynh còn phản ánh tại một số lớp học thêm dạy thêm, học sinh phải ngồi trên những bộ bàn ghế nhỏ hẹp chủ yếu để đặt được nhiều bàn trong nhà chứ ngồi không thoải mái. Hơn nữa ánh sáng cũng không đảm bảo…

Những người quan tâm đến vấn đề này chắc hẳn chưa bớt băn khoăn về câu chuyện học sinh khốn khổ vì bàn ghế không đạt chuẩn tại trường Tiểu học Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) mà báo chí phản ánh hồi năm ngoái. Theo đó, các em học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 tại trường này đều ngồi bàn dành cho học sinh lớp 1. Khổ nhất là học sinh lớp 5, thể trạng và chiều cao vượt quá so với cái bàn nên nhiều em phải nằm dài trên bàn, cúi gập người mới viết được bài.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 26 năm 2011 của liên bộ Bộ GDĐT, Bộ Y tế và Bộ KHCN có 6 kích cỡ bàn ghế khác nhau trong một phòng học nhằm mục đích phù hợp với thể trạng của nhiều học sinh khác nhau (từ 1 m đến 1,75 m) tương ứng với 6 nhóm bàn ghế khác nhau về chiều cao, chiều rộng và chiều sâu... Có thể thấy, những tiêu chuẩn mà Thông tư 26 nêu ra hướng đến một chuẩn thống nhất nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho học sinh, tăng hiệu quả học tập.

Bởi, theo các nhà nghiên cứu, trong các hoạt động giáo dục, tư thế ngồi chiếm phần lớn thời gian học tập, sinh hoạt tại trường. Song theo khảo sát tại nhiều vùng miền trên cả nước, tại nhiều trường học hiện nay hầu hết bàn ghế ở cấp tiểu học đều bằng nhau từ lớp 1 đến lớp 5, cách kê bàn ghế ở một số trường còn kê sát tường và sát bảng vì sĩ số trong lớp học quá đông…

Tháng 6 vừa qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIV, vấn đề tiêu chuẩn bàn ghế trong trường học và tình trạng trường THCS nhưng bàn ghế tiểu học… đã được ông Nguyễn Sỹ Cương- Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho thấy rõ hơn tình trạng đáng lo ngại này.

Ảnh hưởng không nhỏ

Sử dụng bàn ghế để ngồi học chiếm gần 80% thời gian của học sinh ở trường. Vì thế, bàn ghế được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bệnh, tật học đường, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của học sinh.

Theo ThS.BS Lỗ Văn Tùng- Khoa Vệ sinh và Sức khỏe trường học (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường), một yêu cầu quan trọng trước hết là chiều cao của bàn và ghế phải phù hợp với kích thước cơ thể học sinh. Nếu ghế quá cao, khi ngồi, chân học sinh sẽ bị treo, không sử dụng được bàn chân làm điểm tựa bổ sung, toàn bộ trọng lực của cơ thể sẽ dồn vào mặt dưới của đùi. Nếu ghế quá thấp, khi ngồi gập chân lại, mạch máu ở khoeo có thể bị chèn ép, làm giảm lưu thông máu đến cẳng chân và bàn chân. Ngồi lâu như vậy sẽ không thoải mái, chân rất mỏi đặc biệt là ở khớp đầu gối.

Cũng theo phân tích của BS Lỗ Văn Tùng, nếu bàn quá cao so với ghế thì khoảng cách từ mắt đến sách vở của học sinh bị rút ngắn lại, tạo ra thói quen nhìn gần cho học sinh, về lâu dài có thể dẫn đến cận thị. Bên cạnh đó, khi học sinh viết bài trên bàn học không phù hợp, tư thế ngồi sẽ không ngay ngắn, cột sống bị uốn cong quá mức hoặc vẹo về bên phải hoặc bên trái, ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ lưng và các đốt sống, lâu ngày có thể dẫn đến cong vẹo cột sống. Ngoài ra, chiều sâu, chiều rộng, tính đồng bộ của bàn ghế, kích thước của tựa lưng cũng có vai trò rất quan trọng để tạo tư thế ngồi thoải mái cho học sinh.

Phân tích cụ thể hơn, Bác sĩ CKII Trương Công Dũng- Hội Nội soi cơ xương khớp TP HCM cho biết: Chiều cao bàn ghế phải phù hợp với từng lứa tuổi học sinh để khi ngồi, cột sống các em luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế, hai chân thoải mái không gò bó. Với những trường hợp người ngồi không đúng tư thế, đặc biệt là các em học sinh phải ngồi trên bàn ghế không phù hợp thời gian dài, sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến xương khớp.

Cụ thể, bàn ghế không phù hợp sẽ khiến người ngồi sai tư thế như cong lưng, cổ cúi... gây đau nhức, gù lưng, vẹo cột sống, nặng hơn là thoái hóa cột sống cổ, co rút cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thể hình và thẩm mỹ. Bên cạnh đó các tư thế như nằm bò ngẩng cổ học bài, nằm sấp đọc sách (thường ở nhà) dẫn đến tức ngực, trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hô hấp.

Cũng theo ông Dũng, bàn ghế không thể phù hợp với từng học sinh, mà chỉ phù hợp tương đối với số đông. Cũng không thể đo cụ thể từng học sinh để rồi đóng riêng một bộ bàn ghế cho học sinh đó, nhưng trong một phòng học nên có nhiều loại kích cỡ khác nhau để phù hợp với tầm vóc, chiều cao của nhiều em… Thường thì các giáo viên chỉ xử lý tình trạng này bằng cách xếp học sinh thấp ngồi những bàn trên, học sinh cao hơn ngồi bàn dưới.

Theo các chuyên gia về mắt, tư thế ngồi học đúng là khoảng cách từ mắt đến vở (hay mặt bàn) phải từ 25-30cm, điều kiện ánh sáng phải đảm bảo, thuận chiều từ trái sang. Ngồi học với bàn ghế không phù hợp khiến học sinh phải cúi người khi đọc, viết, lâu ngày dễ gây các tật khúc xạ về mắt như cận thị.

Thực tế, ngày nay số lượng học sinh mắc cận thị trong một lớp học hiện nay đều dao động từ 60-80%. Khi đã cận thị, nếu không được phát hiện sớm để điều trị sẽ gây mệt mắt, thậm chí nhức mắt hoặc nhức đầu ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Thực tế, giữa các lứa tuổi có sự thay đổi nhiều về cơ thể, đặc biệt là chiều cao. Vì thế theo nhiều chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm trong lĩnh vự này, việc bố trí nhiều cỡ bàn ghế trong 1 lớp học, về mặt lý thuyết tiêu chuẩn kỹ thuật thì tốt, nhưng bất tiện về thực tiễn bố trí phòng học với đặc thù giảng dạy. Nếu được, chúng ta nên dùng loại bàn ghế có thể điều chỉnh linh hoạt chiều cao so với chiều cao của mỗi học sinh sẽ vừa thuận lợi trong sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh vừa tiết kiệm chi phí sửa chữa, thay thế.

Minh Hạnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/khi-ban-ghe-khong-phu-hop-voi-hoc-sinh-tintuc411285