Khi bản làng có anh

Thời gian anh xuống thôn buôn nhiều hơn ngồi trong phòng làm việc. Gặp dân, đôi khi chỉ uống một chén trà, nói dăm ba câu chuyện phiếm, nhưng việc đó giúp anh nắm được thông tin. Hỏi 11.000 dân ở xã Cư Kbang này về anh Công an tên Quý, ai cũng biết anh.

“Tôi đi lang thang”

Con đường vào xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Ðắk Lắk vốn đã gập ghềnh, những ngày đầu mùa mưa càng trở nên trắc trở, bộn phần gian khó. Ðường đất đỏ, ổ voi lổm chổm khiến con xe nhảy bổ lên chẳng khác nào ngựa phi, phải là tài xế quen đường, thuộc địa hình mới dám “chế ngự” cung đường này. Tôi miên man thả mình theo dòng suy nghĩ về một vùng đất mình sắp đặt chân tới.

Ðất nghèo phù sa nên lúa ngô vàng vọt, những ngôi nhà vì thế mà bao năm vẫn không thay mái lợp. “Kể cho trọn gừng cay cùng muối mặn/ Cơn mưa trái mùa làng bản rưng rưng”. Ðó là câu trả lời dí dỏm của anh dẫn đường Công an huyện Ea Súp khi tôi hỏi cảm nhận thế nào về cuộc sống nơi này.

Trụ sở Công an xã Cư Kbang là nhà kho mượn tạm của một đơn vị quân đội nên tấm biển hiệu “Công an xã” phải treo trên thân cây mọc giữa sân. Sau bữa trưa chóng vánh, Ðại úy Trần Hữu Quý, Trưởng Công an xã tất tả trở về tiếp đón chúng tôi. Căn phòng làm việc của anh chỉ độ hơn chục mét vuông nhưng phải dành ra một phần kê chiếc bàn nhỏ đựng vài món đồ nấu ăn của anh em. Mấy chiếc ghế chúng tôi đang ngồi, anh Quý bảo, chút nữa người dân tới làm việc thì phải nhường lại, nó không dùng để tiếp khách.

Ở đây, từ ngày anh Quý về làm Trưởng Công an xã vẫn luôn đơn sơ, mộc mạc như vậy. Nhìn hình dáng, khuôn mặt, cử chỉ, giọng nói của anh, tôi cảm nhận được nét gì đó phong trần và sự khảng khái.

Ðại úy Trần Hữu Quý.

Ðại úy Trần Hữu Quý.

Về đây xa xôi cách trở, thiếu thốn đủ đường, vậy anh thường làm gì mỗi khi rảnh rỗi? “Tôi đi lang thang” - anh Quý trả lời. Anh thường đi “lang thang” về các thôn buôn, thăm hỏi bà con xem năm nay làm ăn ra sao, lúa ngô được mùa không. Từ những câu chuyện “khoai sắn”, anh nắm bắt được tình hình an ninh trật tự ở từng thôn, thậm chí trong mỗi gia đình.

Một ngày đi, anh Quý biết được thông tin trên địa bàn xã có đối tượng Ma Văn Thanh (SN 1988), bị Công an tỉnh Cao Bằng truy nã về tội trộm cắp tài sản. Máu nghề nổi lên, anh Quý băng rừng, mải mê theo đuổi dấu vết đối tượng này sang tận xã Cư Mlan. Tới chòi hoang trên một vạt rẫy thì không thấy ai, anh Quý sờ trên mặt giường cảm nhận còn hơi ấm, suy đoán đối tượng chỉ mới vừa đi. Giữa rừng xanh mịt mù không biết hắn đi hướng nào nên anh đành phải quay trở về. Anh Quý dùng biện pháp chiêu dụ hắn lộ diện.

Ðể tránh “con mồi” tẩu thoát, anh Quý báo về Công an huyện đề nghị hỗ trợ nhưng lực lượng chưa kịp tới thì Thanh xuất hiện. Anh Quý không kịp suy nghĩ liền đuổi theo áp sát, một tay ôm đối tượng một tay lấy điện thoại ra gọi cho đồng đội tiếp ứng. Bàn giao đối tượng xong, nhìn xuống chân không thấy dép đâu, sờ trên đầu cũng chẳng còn mũ, quần áo lấm lem bụi đất, anh chỉ biết cười.

Mới nhất là vụ bắt đối tượng trộm điện thoại. Hôm ấy, anh xuống thôn, thăm mấy nhà dân nói chuyện “tào lao” cho vui. Trong câu chuyện, người dân kể mấy ngày trước có vụ trộm điện thoại nhưng không ai báo Công an cả. Ðại úy Quý lân la “gạ chuyện” để nắm thêm thông tin. Sau đó, anh sàng lọc và nghi vấn ngay Triệu Minh Phương là thủ phạm.

Phương nghiện hút, đang có tiền án về tội trộm cắp tài sản. Trong vòng một ngày, Ðại úy Quý đã khéo léo “dụ” Phương sang xã Ea Rốc và bắt tại trận khi Phương đang mang điện thoại ra cửa hàng bán. Trước chứng cứ thuyết phục, Phương phải cúi đầu nhận tội.

Hòa mình vào dân

Từ năm 2007 đến nay, dân di cư tự do vào địa bàn xã Cư Kbang khoảng 7 ngàn người, chủ yếu là dân tộc Mông, Tày… từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến. Mới đầu, chính quyền sắp xếp thành lập thôn 13. Sau đó, lượng người di cư kéo vào ồ ạt, các thôn 14, 15, 16 ra đời. Hiện nay có thêm 3 cụm dân cư 8, 9, 10, nâng tổng số thôn toàn xã là 15. Dân di cư tự do thường ra đi hai bàn tay trắng nên Công an xã phải căng mình xác minh để làm giấy tờ, hộ khẩu, các chế độ chính sách cho họ ổn định cuộc sống. Hiện trên 5.000 người di cư tự do đã được Công an xã đăng ký thường trú.

Con đường về xã vùng biên Cự Khang

Vấn đề di cư tự do không chỉ nằm ở việc giải quyết hộ khẩu, mà kéo sau là những hệ lụy nhức nhối. Một số dân từ Mường Lý, Mường Lát (Thanh Hóa) vào tạo thành tụ điểm ma túy vô cùng phức tạp. Từ đầu năm đến nay, Công an xã phối hợp các đơn vị chức năng đã bắt 4 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy.

Nạn tảo hôn của người dân tộc thiểu số dù đã được tuyên truyền rất nhiều, song vẫn diễn ra âm ỉ, đau lòng. Tháng 12-2016, Hoàng Văn Nam (SN 1997, trú thôn 5A) nảy sinh tình cảm với cô bé hàng xóm tên Trương Thị Q, (SN 2003, tên nhân vật đã được thay đổi). Tán tỉnh một thời gian, trong một lần chở Q, đi chơi, Nam đã dụ dỗ quan hệ với cô bé.

Tháng 2-2018, gia đình tổ chức đám cưới cho Nam và Q. Cuối năm đó, Q., sinh con. Do mâu thuẫn trong cuộc sống nên tháng 2 năm 2019, gia đình Q., làm đơn tố cáo Nam có hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi. Nhận đơn, Ðại úy Quý gọi hai bên gia đình lên hòa giải, khuyên nhà Q, nên rút đơn về, vì dù sao hai đứa cũng là vợ chồng (tuy chưa kết hôn) và đã có con chung.

Tuy nhiên, bố mẹ Q., không đồng ý rút đơn. Công an xã chuyển vụ việc lên Công an huyện thụ lý, sau khi có bản giám định của Viện Khoa học hình sự kết luận đứa trẻ Q., sinh ra chính là con đẻ của Nam, có nghĩa Nam phạm tội giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi. Nam bị bắt giam, lúc này gia đình Q., mới tỉnh ngộ, đi gặp Trưởng Công an xã xin rút đơn nhưng đã quá muộn. Ðây là một bi kịch từ vấn nạn tảo hôn khiến anh suy nghĩ, trăn trở rất nhiều.

Ngày mới bước chân về Cư Kbang, Ðại úy Trần Hữu Quý không lường hết được những khó khăn mà Công an xã phải đối diện. Ðịa bàn với 97% người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó gần 30% khả năng viết chữ hạn chế nên các hồ sơ đăng ký quản lý cư trú thường bị chậm vì khi giao cho dân mang về viết toàn sai. Tất cả những con số đó, Công an xã phải viết lại cho dân, họ chỉ việc ký tên.

Anh Quý bảo, sống ở đây mình phải hòa với cuộc sống của bà con, việc gì cũng phải biết, việc gì cũng làm được. Ban đầu, người dân đến gặp Công an xã, hồn nhiên nói: “Cho xin con dấu”. Anh Quý giải thích: “Bà con muốn xin xác nhận gì thì chúng tôi sẽ đóng dấu vào giấy chứ con dấu không thể cho mang về nhà được”. Nói thế để thấy rằng, nhận thức của một bộ phận người dân vùng cao còn rất hạn chế, thậm chí gần như là “hoang sơ”, đòi hỏi người Công an xã phải sống chân thành, cởi mở, gần gũi với người dân, tạo cho họ niềm tin, sự an tâm.

Về xã 5 năm là ngần ấy thời gian Ðại úy Quý sống “ké” nhà tập thể cùng các thầy giáo. Còn ăn thì “tiện đâu ăn đó” và luôn trung thành với mì tôm. Gia đình anh ở huyện Krông Pak, cách xa hơn 100 cây số nên vài tháng mới về một lần. Vợ anh trước kia làm giáo viên, nhưng vừa mới nghỉ ở nhà trông con. Những lúc gia đình có việc, anh phải nhờ đồng đội ở gần tới giúp.

Tất cả những khó khăn ấy, 5 năm qua luôn “đồng hành” với người Trưởng Công an xã. Chia tay anh, tôi cứ thẫn thờ mãi, không thể quên được bộ quân phục sờn cũ dường như đã đội rất nhiều ngày nắng và thấm rất nhiều cơn mưa ở cái xã biên thùy đầy nắng và gió này.

Ngọc Thiện

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-sang/19-8-khi-ban-lang-co-anh-557615/