Khi bạo lực nhắm vào trẻ thơ

Chưa bao giờ bạo lực lại tràn lan đến đáng sợ như bây giờ, nguy hiểm hơn, tình trạng bạo hành trẻ em có xu hướng gia tăng đến mức báo động đỏ.

Hàng loạt vụ đánh đập hành hạ dã man trẻ em diễn ra thời gian qua khiến cho nhiều người choáng váng, không thể lý giải nổi, rằng điều gì đang xảy ra? Chỉ trong vòng hơn 1 tuần, xảy ra liên tiếp các vụ việc đau lòng: các cô giáo hành hạ trẻ mầm non ở thành phố TP.HCM; cháu bé 20 ngày tuổi vị bà nội giết chết phi tang rồi hoang báo bị bắt cóc ở Thanh Hóa; rồi bé trai 10 tuổi bị bố và mẹ kế hành hạ suốt 2 năm trời…

Hầu như tuần nào cũng có vụ việc nổi cộm liên quan đến bạo hành trẻ thơ khiến dư luận dậy sóng. Đau lòng nhất, thủ phạm lại là những người thân, thậm chí là máu mủ ruột rà nhưng lại ra tay tàn độc. Rõ ràng, pháp luật đã quy định tội danh và khung hình phạt cụ thể cho loại tội phạm hành hạ, xâm hại trẻ em. Liệu có phải những điều luật đó, những khung hình phạt đó còn nhẹ quá, chưa đủ sức răn đe hay chúng ta còn thiếu một thứ gì khác nữa?

Có ý kiến đề xuất rằng các nhà khoa học nên nghiêm túc nghiên cứu xem liệu có hay không một căn bệnh gọi là bệnh “Thích hành hạ người khác” của các bảo mẫu, giáo viên mầm non hay không?

Theo tôi, trong một thời gian khá dài, nền giáo dục chạy theo thành tích đã xem nhẹ những bài học giáo dục nhân cách cho học sinh. Cả xã hội lao theo cơ chế thị trường, bỏ sót việc gìn giữ phần thiện lương trong mỗi con người. Con người nhìn nhau bằng cặp mắt đo đếm giá trị vật chất hơn là yêu thương san sẻ. Một nguyên nhân sâu xa khác, là do sự bưng bít, phong tỏa từ trong chính mỗi người. Đằng sau mỗi bức tường là mỗi hoàn cảnh số phận riêng. Nếu không có sự giám sát của cộng đồng, thì bạo lực vẫn sẽ còn tiếp diễn. Chính sự thờ ơ mặc kệ, kín cổng cao tường, ai lo phận nấy là nguyên nhân khiến cho bạo hành diễn ra trong thời gian dài nhưng không ai hay biết. Chỉ đến khi vụ việc vỡ lỡ ra thì hậu quả đã nghiêm trọng, đến mức phải xử lý theo pháp luật.

Muốn phá dỡ được hàng rào ngăn cách ấy, trước tiên, chính quyền phải có những quyết sách, những hành động thiết thực cụ thể. Nhiều bạn đọc vẫn thắc mắc rằng, các cơ quan đoàn thể đã ở đâu, đã không thấy lên tiếng khi trẻ em bị bạo hành? Đương nhiên, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho chính quyền địa phương, nhưng theo dõi cách phản ứng chậm chạp, thậm chí là quá chậm của các cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các địa bàn có vụ việc xảy ra như hiện nay, mới thấy, những thắc mắc mang hàm ý chỉ trích đó là hoàn toàn có lý.

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, thầy giáo dạy văn ở một trường cấp 3 tại Đắk Lắk.

Y Thiện Niê - Y Thiện Niê

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/toi-viet/khi-bao-luc-nham-vao-tre-tho-908935.html