Khi các CFO cũng tham gia bảo vệ môi trường

Báo cáo EP&L 2014 của Kering ước tính tác động môi trường của Công ty vào khoảng 793 triệu euro.

Nếu phải viết một tấm séc để thanh toán cho những tổn thất mà chúng ta gây ra cho thiên nhiêntrong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, thì giá trị tấm séc đó sẽ là bao nhiêu?”. Người đặt câu hỏi này không phải là một nhà hoạt động môi trường của tổ chức Greenpeace, mà là Michael Beutler, cựu CFO của Ford Motor, hiện là Giám đốc hoạt động bền vững tại tập đoàn Pháp Kering. Tập đoàn này sở hữu các nhãn hàng xa xỉ như Gucci, Yves Saint Laurent, có doanh thu năm 2015 đạt 11,6 tỉ euro (13,2 tỉ USD).

Beutler đang trên con đường “lượng hóa” các chi phí dài hạn thực tế dưới dạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và khí thải nhà kính, do quá trình sản xuất của Tập đoàn. Dự án đã đưa ông đến tận những vùng xa xôi trên thế giới, nơi những mắt xích trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn có mặt. “Chúng tôi phải ghi nhận lại tất cả mọi thứ trong quá trình kinh doanh của mình, truy nguồn gốc từ khâu nguyên vật liệu. Một đôi giày sản xuất ra phải truy từ trang trại nơi con bò đến từ đó”, ông nói.

Nỗ lực của ông đã tạo ra một công cụ mới - báo cáo lãi/lỗ môi trường, hay gọi là EP&L, mà Beutler hy vọng sẽ chạm đến trái tim và khối óc của những chuyên gia tài chính cùng ngành với ông. “Ý tưởng là tạo ra một thước đo hoạt động, làm cho những tác động này trở nên thực tế hơn nhiều. Sẽ dễ dàng hơn khi nói chi phí môi trường là 50 USD hơn là nói 150 gram khí thải nhà kính”, ông cho biết.

“EP&L đo lường và định giá chi phí và những lợi ích được tạo ra bởi tác động môi trường của một doanh nghiệp, tại các cơ sở hoạt động của doanh nghiệp đó và cả chuỗi cung ứng của họ”, Kering viết trong một báo cáo EP&L năm 2014. Các hoạt động kinh doanh khác nhau của Kering (kho hàng, cửa hàng và văn phòng, dây chuyền sản xuất, lắp ráp, sản xuất và chế biến nguyên vật liệu) được xem xét dưới dạng tác động môi trường của chúng. Theo đó, tác động môi trường được chia ra thành nhiều mảng gồm thải khí ra môi trường, phát thải khí nhà kính, sử dụng đất, chất thải, tiêu thụ nước và ô nhiễm nguồn nước.

Báo cáo EP&L 2014 của Kering ước tính tác động môi trường của Công ty vào khoảng 793 triệu euro, tăng 2,2% so với năm trước đó. Trong cùng thời gian, doanh thu của Kering tăng 4,5%. Những tác động lớn nhất đến từ khí thải nhà kính lên tới 289 triệu euro, theo sau là sử dụng đất ở mức 224 triệu euro. Các CFO không cần phải hoảng hốt vội. Bởi lẽ, chỉ 8% chi phí môi trường đến từ các hoạt động trực tiếp của Kering. Phân nửa tác động này đến từ các nhà cung cấp nguyên vật liệu của Kering, phần còn lại từ chuỗi cung ứng của Công ty.

Michael Beutler, cựu CFO của Ford, hiện là Giám đốc hoạt động bền vững tại tập đoàn hàng xa xỉ Pháp Kering. Ảnh: dailymotion.com

Cho đến nay, Kering là doanh nghiệp duy nhất đã cho ra báo cáo EP&L cùng lúc với các báo cáo tài chính. Nhưng một dấu hiệu tích cực là hiện nay, ngày càng nhiều CFO xem trọng các báo cáo tác động môi trường và đang nỗ lực lượng hóa chi phí môi trường của công ty mình.

Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi lẽ, “bất cứ ai có tài khoản mạng xã hội đều có khả năng khiến một doanh nghiệp bị rút giấy phép hoạt động và khiến doanh nghiệp đó rơi vào tình thế khốn đốn”, William Sarni, đứng đầu toàn cầu về chiến lược nước doanh nghiệp tại Deloitte Consulting, nói đến khả năng của các nhà hoạt động cá nhân trong việc gây tổn hại đến uy tín của một doanh nghiệp hoặc thậm chí khiến một cơ sở hoạt động bị đóng cửa bằng những thông tin bất lợi trước công chúng. “Điều này chắc chắn liên quan đến vai trò của CFO”, ông nói.

Nghiên cứu của Deloitte truy lại từ năm 2012 cho thấy phân nửa trong số 250 CFO được phỏng vấn trên toàn cầu đã phát hiện “một mối liên kết mạnh mẽ giữa tính bền vững với tình hình tài chính”. 2/3 cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên phải làm về chiến lược bền vững.

Beutler cũng cho biết khoảng 60 tập đoàn đa quốc gia vào năm ngoái đã hợp tác với nhau trong một dự án “đào sâu” về cái gọi là tính toán vốn thiên nhiên. Họ nghĩ cách làm thế nào để lượng hóa chi phí hoặc đóng góp của các doanh nghiệp vào “72.000 tỉ USD trị giá các dịch vụ và hàng hóa miễn phí” mà Mẹ Thiên Nhiên đã ban tặng cho nền kinh tế nhân loại, một con số dựa trên ước tính của Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc (UNEP).

Trước đó, vào năm 2013, Thái tử Charles đã tổ chức mạng lưới A4S CFO Leadership Network, mang các CFO từ những tập đoàn lớn lại với nhau. Đồng Chủ tịch mạng lưới CFO này là John Rogers, CFO của chuỗi cửa hàng Anh J Sainsbury. Tổ chức này đang thúc đẩy hoạt động báo cáo quản trị tích hợp, được định nghĩa là “đưa những cân nhắc về xã hội và môi trường vào quá trình báo cáo quản trị nhằm cải thiện hoạt động ra quyết định của doanh nghiệp”.

Hiện tại, vấn đề hoạch định, sử dụng nước và năng lượng đang được các CFO đặc biệt quan tâm, nhằm cải thiện tính hiệu quả, giúp đánh bóng tiếng tăm và gia tăng lợi nhuận của công ty.

Một gương mặt tiêu biểu trong việc quản lý năng lượng là Kurt Kuehn, nguyên CFO của tập đoàn logistics UPS có trụ sở đặt tại Mỹ. Ông đã sáng lập ra một ủy ban chỉ đạo về tính bền vững. Thành tựu thấy rõ nhất của ủy ban này là việc UPS cho ra mắt những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu thay thế, vốn chạy được 500 triệu dặm trên toàn thế giới tính đến năm 2015.

“Khi UPS bành trướng khắp toàn cầu, tiến vào các thị trường mới nổi, đó là khi một số nỗ lực bền vững của chúng tôi cũng lan tỏa và trở thành một thế lực tích cực tại những nơi mà chúng tôi đầu tư vào”, Kuehn phát biểu trước một hội nghị khoa học tại Đại học Duke trước khi từ chức vào năm ngoái.

Trong khi đó, nước là vấn đề có tính phức tạp và độ rủi ro cao. Tại hầu hết các nước, vấn đề căng thẳng nguồn cung nước gây nhiều sức ép hơn là căng thẳng nhiên liệu hay năng lượng. Nước được định giá ở trong nước và bị tác động bởi vấn đề chính trị hơn là kinh tế, khiến cho việc dự đoán chi phí dài hạn trở thành một thách thức. Chắc chắn một nhà đầu tư làm ô nhiễm nguồn nước hay sử dụng quá mức nguồn cấp nước có thể khiến cho người dân trong vùng phẫn nộ hơn là những vấn đề về thải khí nhà kính khá mơ hồ.

“Nước là vấn đề cực kỳ cá nhân”, Sarni thuộc Deloitte nhận xét. Coca-Cola vẫn đang gánh chịu búa rìu dư luận vì “đụng” tới nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm của Ấn Độ. Công ty đã phải tạm đóng cửa một nhà máy vào đầu năm nay sau một thời gian dài bị công chúng phản đối, mặc dù Công ty cho biết nhà máy bị đóng cửa là do thiếu sức cầu.

Với những gì đang xảy ra, các CFO càng quan tâm đến việc cải thiện tính bền vững ở doanh nghiệp. “Tất cả các CFO đều lo ngại trước biến động trong cơ cấu chi phí và chúng tôi đã chứng kiến những mối quan ngại thực sự về biến động nước trong 5-7 năm qua”, Daniel Schmechel, CFO tại Ecolab, nhận xét. Ecolab là công ty chuyên thiết kế các hệ thống nước, năng lượng và vệ sinh cho các khách hàng từ công ty chế biến thực phẩm cho đến nhà sản xuất dệt may và các bệnh viện.

Schemechel cho biết Ecolab đã tiết kiệm cho các khách hàng của mình tới 127 tỉ gallon nước trong năm 2015. Công ty cũng đã thiết kế một thuật toán cho tương lai gọi là “Tiền tệ hóa rủi ro nước”. Ecolab tính toán lượng nước sạch có trong một khu vực nhất định so với mức độ cạnh tranh giành nguồn nước đó và hậu quả có thể xảy ra của việc giá tăng mạnh hoặc tình trạng thiếu hụt. “Đó là một câu chuyện diễn ra trong nhiều thập niên”, ông nói.

Hiện những dự báo về căng thẳng nguồn nước, lượng khí thải nhà kính và thiệt hại do chúng gây ra đối với tiếng tăm của doanh nghiệp đang trở thành một phần của quá trình thẩm định kiểm tra, khi một doanh nghiệp quyết định chọn địa điểm đầu tư các cơ sở mới, ký hợp đồng với các nhà cung cấp mới hay mua lại các công ty. “Lúc trước chúng ta mới chỉ dừng ở việc xem bền vững là điều đúng đắn phải làm. Nhưng giờ chúng ta đã có một bước tiến xa hơn là chỉ ra được giá trị doanh nghiệp - tăng trưởng doanh thu, hạn chế rủi ro và các chi phí hoạt động” - mà tính bền vững mang lại.

Ngô Ngọc Châu

Nguồn Global Finance

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/lanh-dao/ceo-the-gioi/khi-cac-cfo-cung-tham-gia-bao-ve-moi-truong-3315914/