Khi các hiệu vàng biến thành 'miếng mồi' của tội phạm

Tuy không nguy hiểm như đối tượng cướp hiệu vàng để cướp, nhưng tội phạm lừa đảo nhắm đến loại hình cơ sở kinh doanh nhạy cảm này cũng không kém về số vụ và mức độ táo tợn, nhất là trong bối cảnh giá vàng đang tăng chóng mặt.

Chuyển khoản trước, chọn vàng sau

Đó là thủ đoạn của cặp bài trùng Bùi Thị Trang (SN 2000, trú ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Nguyễn Thu Linh (SN 2001, trú ở xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Hai đối tượng này đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, khoảng 9h10 ngày 20-11, tại cửa hàng vàng bạc A.Đ do ông N.L.T, làm chủ, có một nữ giới đến hỏi mua 1 “cây” vàng và thống nhất thanh toán bằng phương thức chuyển khoản.

Các đối tượng lừa đảo nhắm vào hiệu vàng bị lực lượng Công an bắt giữ

Sau khi trao đổi nội dung mua bán, người này hỏi mượn điện thoại của ông T. để gọi cho gia đình. Khoảng 15 phút sau thì người này thông báo đã thực hiện thành công lệnh chuyển khoản thanh toán tiền mua vàng. Ông T. kiểm tra điện thoại thì thấy có tin nhắn của Viettinbank báo tài khoản ngân hàng Viettinbank của mình được cộng thêm số tiền 60 triệu đồng.

Không chút nghi ngờ, ông T. tận tình hỗ trợ người phụ nữ chọn 1 chiếc nhẫn 3 “chỉ”, 2 chiếc nhẫn mỗi chiếc 1 “chỉ”, và 1 sợi dây chuyền 5 “chỉ”. Sau khi người phụ nữ rời khỏi hiệu vàng, ông T. kiểm tra tài khoản thì ngạc nhiên khi không thấy có số tiền nào chuyển đến. Nghi ngờ bị lừa, ông T. đã đến cơ quan công an trình báo.

Tiến hành điều tra, Công an huyện Yên Lạc đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và sau 2 ngày từ khi nhận được tin báo đã xác định Bùi Thị Trang là “tác giả” phi vụ lừa đảo trên. Tham gia với Trang là Nguyễn Thu Linh.

Sáng 24-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc đã bắt giữ 2 đối tượng Trang và Linh tại nơi cư trú; thu giữ tang vật gồm 2 xe máy gắn biển số giả, 2 điện thoại di động, 1 sợi dây chuyền vàng và nhiều tang vật liên quan.

Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng khai nhận đã cùng thống nhất kịch bản để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Trang trực tiếp đến hiệu vàng D.A hỏi mua vàng rồi mượn điện thoại của ông T. để lấy thông tin tài khoản ngân hàng, lưu số điện thoại do Linh cung cấp vào danh bạ điện thoại của ông T. với tên “Viettinbank”. Sau đó, Trang báo cho Linh để Linh soạn tin nhắn giả danh ngân hàng Viettinbank gửi đến điện thoại của ông T. với nội dung biến động số dư tài khoản cộng thêm 60 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, Công an huyện Yên Lạc xác định từ tháng 9-2023 đến khi bị bắt, bằng thủ đoạn nêu trên, Trang và Linh đã thực hiện 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt được tài sản giá trị khoảng 250 triệu đồng, trong đó có 2 vụ ở địa bàn thị trấn Tam Hồng (huyện Yên Lạc) và 5 vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dùng giấy tờ thật để cầm cố vàng giả

Quái chiêu này do nhóm Lê Minh Hoàng (SN 1988, trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội; có 2 tiền án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy); Trần Hoàng Long (SN 1985, trú tại quận Hoàn Kiếm, có 2 tiền án về tội Cướp tài sản); Bùi Huy Bình (SN 1995, trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có 1 tiền án về tội Tàng trữ hàng cấm); Trần Quốc Toán (quê quán huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; có 1 tiền án về tội Mua bán trái phép chất ma túy); và Nguyễn Bích Thảo (SN 1980, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), thực hiện.

Theo điều tra của CAH Mê Linh (đơn vị đang thụ lý vụ án), ngày 10-11, lực lượng CSHS CAH Mê Linh phối hợp với Công an thị trấn Quang Minh và Công an các xã Tiền Phong, Thạch Đà, Đại Thịnh tập trung điều tra, xác minh vụ việc có tính chất lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức sử dụng dây chuyền vàng kém chất lượng cầm cố tại cửa hàng mua bán vàng bạc...

Căn cứ tài liệu thu thập, Đội CSHS Công an huyện Mê Linh và các đơn vị phối hợp xác định Lê Minh Hoàng cùng nhóm đối tượng liên quan đang ở địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên, nên đã phối hợp tiến hành kiểm tra hành chính.

Cơ quan Công an đã đưa Hoàng cùng các đối tượng về trụ làm việc. Quá trình đấu tranh, nhóm này khai nhận từ khoảng tháng 2-2023 đã bàn bạc, lên kế hoạch lừa đảo bằng thủ đoạn lòng vòng mua vàng thật rồi mang về dùng kim loại thường chế tác vàng giả y chang mẫu thật, và mang đến chính hiệu vàng đó để cầm cố.

Thực hiện tội phạm, cả bọn chia nhau đi mua những sợi dây chuyền vàng 9999 đem về cho Mạnh gia công thành sợi dây chuyền khác (bằng kim loại, vàng kém chất lượng) giống mẫu sợi dây chuyền thật. Mấy ngày sau, với lý do cần vốn gấp, chúng mang vàng thật cùng giấy tờ quay lại cửa hàng đã mua để cầm cố, hẹn sẽ sớm chuộc lại. Để tạo niềm tin cho chủ hiệu vàng, lần giao dịch cầm - chuộc này được thực hiện đúng cam kết, thậm chí, đối tượng lừa còn “lại quả” them cho chủ hiệu vàng.

Bẵng đi một thời gian, nhóm lừa quay lại hiệu vàng, tiếp tục đặt vấn đề cầm cố sợi dây chuyền, cùng kèm theo tờ giấy bảo đảm chất lượng. Vì chủ quan nên chủ hiệu vàng không kiểm tra lại chất lượng sản phẩm, đinh ninh đúng hình thức mẫu mã sợi dây chuyền của cửa hàng mình, nên đã đồng ý cầm cố mà không biết là… vàng giả.

Quá trình thực hiện tội phạm, các đối tượng tính toán kỹ, như điều khiển xe máy đeo biển số giả; rồi phân vai Hoàng và Long chuyên giao dịch với các cửa hàng vàng bạc; còn Thắng, Bình, Toán sẽ đi lại xung quanh khu vực cửa hàng vàng bạc, nếu bị phát hiện thì các đối tượng sẽ hỗ trợ để đồng bọn chạy thoát.

Hành vi phạm tội của các đối tượng chỉ bị lộ, sau khi một số chủ hiệu vàng, vì thấy khách cầm cố dây chuyên lâu quá mà không đến chuộc, nên đã kiểm tra chất lượng, mới biết bị lừa, và trình báo cơ quan Công an.

Quá trình thu thập hồ sơ, tài liệu, Đội CSHS Công an huyện Mê Linh đã làm việc với những người bị hại, đồng thời cho những người bị hại nhận dạng các đối tượng đến mua vàng, ký gửi vàng tại cửa hàng vàng bạc của các bị hại.

Căn cứ vào tài liệu thu thập cơ quan CSĐT - CAH Mê Linh đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ đối với các đối tượng liên quan, tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ liên tiếp các vụ việc xảy ra, cơ quan Công an khuyến cáo các chủ hiệu vàng cần hết sức cẩn trọng trong từng công đoạn giao dịch, mua bán, cầm cố; từ việc nhận tiền đến đánh giá kỹ chất lượng sản phẩm. Điều hết sức quan trọng là khi phát hiện mình là nạn nhân của đối tượng lừa đảo, cần chủ động trình báo cơ quan Công an để nhanh chóng truy bắt tội phạm, và chia sẻ với các “bạn hàng”, để phòng tránh nguy cơ bị lừa. “Sẽ không có công thức, bài học chung để nhận diện tội phạm, bởi chúng luôn tìm sơ hở của hiệu vàng để gây án. Vì vậy, luôn hữu ích, thiết thực chính là sự phòng ngừa, cảnh giác của cơ sở”, một cán bộ Phòng CSHS CATP Hà Nội nhìn nhận.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khi-cac-hieu-vang-bien-thanh-mieng-moi-cua-toi-pham-post559833.antd