Khi các nước ưu tiên liên kết an ninh, và hệ lụy

Tình trạng an ninh chi phối việc hoạch định chính sách có thể khiến mối liên kết giữa các nước ngày càng suy yếu, làm hạn chế năng lực hợp tác giải quyết thảm họa toàn cầu.

Thế giới đang bị tàn phá vì đại dịch COVID-19, sự cạnh tranh giữa các cường quốc và giờ đây là chiến sự ở Ukraine. Thách thức dường như đang nhân lên khi sự phục hồi nền kinh tế bị suy giảm, tốc độ thay đổi công nghệ tăng nhanh và các mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu ngày càng leo thang.

Trật tự thế giới cũ đang bị xói mòn. Câu hỏi đặt ra là liệu trật tự mới, nếu xuất hiện, có thịnh vượng và hòa bình hay không, liệu các nước còn có thể hợp tác và quản lý các thách thức toàn cầu hay không và liệu toàn cầu hóa có sụp đổ hay không?

Ông Vương Huy Diệu - người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh - đã có bài bình luận về vấn đề này trên tờ South China Morning Post.

An ninh dần trở thành động lực hợp tác

Năm 1945, Tổng thống Mỹ Harry Truman và Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson đã suy nghĩ về những câu hỏi tương tự khi đứng trước một thế giới bị tàn phá vì hai cuộc thế chiến. Một thập niên trước đó, cuộc Đại suy thoái kéo theo một vòng xoáy luẩn quẩn của chủ nghĩa bảo hộ, khó khăn kinh tế và chủ nghĩa dân tộc, làm tê liệt thương mại toàn cầu và gieo mầm chiến tranh.

Ngoại trưởng các nước nhóm QUAD trong cuộc họp tại Tokyo (Nhật) hồi tháng 10-2020. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng các nước nhóm QUAD trong cuộc họp tại Tokyo (Nhật) hồi tháng 10-2020. Ảnh: REUTERS

Những nhà lãnh đạo này biết rằng họ phải ngăn chặn viễn cảnh đó lặp lại. Họ đưa ra Kế hoạch Marshall nhằm tái thiết các nền kinh tế châu Âu và thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các thể chế này đã cung cấp khuôn khổ cho sự hợp tác kinh tế lâu dài hướng đến mục tiêu thương mại, cởi mở, thịnh vượng và ổn định.

Hợp tác kinh tế là nền tảng của sự phục hồi sau Thế chiến thứ hai, và nó cũng giúp chúng ta tái thiết đất nước sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, ở thời hậu đại dịch, hội nhập thị trường đang dần suy yếu và nhiều xu hướng tương tự chủ nghĩa biệt lập những năm 1930 cũng dần hiện rõ.

Theo ông Vương, an ninh đang vượt qua kinh tế để trở thành động lực thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt là sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine hồi tháng 2.

Việc an ninh hóa chính sách đối ngoại có lẽ được thể hiện rõ nhất ở Mỹ. Kể từ khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Washington đã tập trung vào việc tăng cường các liên minh quân sự và xây dựng các thỏa thuận an ninh mới như QUAD và AUKUS.

Chiến dịch quân sự mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ở Ukraine đã gây ra sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại trên khắp châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch thiết lập một lực lượng triển khai nhanh chóng và một số nước châu Âu hiện tại cũng đã thay đổi lập trường. Ví dụ, Đức đang tăng chi tiêu quốc phòng, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bên cạnh đó, châu Á - trọng tâm của chủ nghĩa đa phương về kinh tế - cũng đang đối mặt nhiều thách thức an ninh.

Nhóm QUAD hiện đang trở nên tích cực hơn và chính quyền mới ở Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập liên minh. Ở Nhật, một số người theo xu hướng bảo thủ đang thúc đẩy sửa đổi hiến pháp và từ bỏ chủ nghĩa hòa bình. Ngoài ra, Trung Quốc tháng trước cũng xác nhận đã ký một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon.

Theo ông Vương, chi tiêu quân sự đang gia tăng trên khắp châu Á, tăng gần 50% từ năm 2010 đến năm 2020.

Những mối họa khó lường

Hai năm đại dịch đã cho thấy chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc chuyển các ưu tiên từ thúc đẩy năng suất sang xây dựng năng lực phục hồi và an ninh là điều dễ hiểu, nhưng giờ đây, xu hướng này có nguy cơ chuyển sang một thái cực khác.

Các quốc gia có thể rút khỏi cơ chế toàn cầu hóa, chỉ giao dịch với các nhóm nhỏ đồng minh hoặc thậm chí rút lui vào thế tự cung tự cấp. Theo ông Vương, quay lưng lại với thương mại tự do không giúp chúng ta an toàn hơn, thay vào đó, nó sẽ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn, nghèo hơn và dễ bị đe dọa hơn trước các hiểm họa toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Đầu tiên, lịch sử cho thấy các thỏa thuận an ninh mới có thể gây mất ổn định vì chúng tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh. Các động thái của một nước nhằm tăng cường an ninh, chẳng hạn như thành lập một liên minh mới, có thể khiến những nước khác cảm thấy kém an toàn hơn. Điều này có thể kích động triển khai các biện pháp đối phó và các nước bắt đầu rơi vòng xoáy nghi ngờ lẫn nhau, khiến tình trạng an ninh ban đầu trở nên nguy hiểm, khó lường.

Hiện tượng này nổi lên trong vài năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất. Các nước châu Âu đã thiết lập liên minh nhằm mục đích tăng cường an ninh nhưng lại dẫn đến vụ ám sát Đại Công tước Áo Franz Ferdinand và châm ngòi cho cuộc xung đột toàn cầu.

Thứ hai, việc chuyển hướng vào bên trong sẽ kìm hãm sự tăng trưởng và đổi mới vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang chịu áp lực nghiêm trọng do lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến sự ở Ukraine. Điều này có nguy cơ đẩy hàng tỉ người vào cảnh nghèo đói và cơ cực.

Giá cả thậm chí sẽ còn cao hơn nếu chúng ta thiết lập lại chuỗi cung ứng nhằm vào mục đích an ninh. Như một báo cáo gần đây đã chỉ ra, cách để làm cho chuỗi cung ứng linh hoạt hơn là đa dạng hóa nó chứ không phải giảm thiểu nó.

Cuối cùng, việc chuyển trọng tâm từ hợp tác kinh tế sang các mối quan tâm an ninh truyền thống sẽ làm tổn hại đến khả năng hợp tác giải quyết mối đe dọa toàn cầu. Tiến độ nghiên cứu các giải pháp sẽ bị ngưng trệ nếu các nhà khoa học Mỹ và châu Âu hạn chế hợp tác với các đối tác Trung Quốc và Nga. Khả năng cùng thực hiện các giải pháp của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu sự gắn kết toàn cầu và các cơ chế quản trị bị suy yếu hơn nữa.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới phải nhận ra những rủi ro này và khả năng của chúng trong việc định hình kiểu thế giới nào xuất hiện sau đại dịch và cuộc chiến ở Ukraine. Chúng ta không được để những lo ngại về an ninh chi phối việc hoạch định chính sách và làm cho thế giới của chúng ta ngày càng trở nên rời rạc và bị quân sự hóa.

Thay vào đó, chúng ta phải tìm cách đảm bảo hợp tác kinh tế phát triển mạnh mẽ để có thể xây dựng một thế giới, ngay cả khi bị phân cực, vẫn hòa bình, thịnh vượng và có đủ sức chống chịu trước những thảm họa toàn cầu.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-cac-nuoc-uu-tien-lien-ket-an-ninh-va-he-luy-post680763.html