Khí cầu Trung Quốc được phát hiện bằng AI như thế nào

Từ dữ liệu hình ảnh do vệ tinh và người dân cung cấp, AI đã tìm ra đường đi của khí cầu Trung Quốc trên không phận Mỹ trước khi bị bắn hạ.

Khí cầu Trung Quốc tại Mỹ vào hôm 1/2. Ảnh: AP.

Vào một ngày đầu tháng 2, nhà khởi nghiệp trẻ Corey Jaskolski đột nhiên nổi hứng vẽ lại cảnh khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ nhìn từ không gian. Sau khi tham khảo hình ảnh từ vệ tinh, anh đã hoàn thành bản vẽ và đưa nó vào thuật toán hình ảnh, video do chính mình tự phát triển có tên Synthetatic.

Chỉ 2 phút sau, phần mềm này đã tìm ra một chiếc khí cầu tương tự xuất hiện ở Nam Carolina. “Tôi dường như không thể tin vào mắt mình”, Jaskolski nói. Để chắc chắn, nhà khởi nghiệp còn tính toán cao độ của khí cầu mà thuật toán tìm ra. Kết quả cho thấy nó cách mặt đất hơn 17.000 m, trùng khớp với độ cao với khí cầu bị máy bay quân sự Mỹ phát hiện.

Vai trò then chốt của AI trong quá trình truy dấu khí cầu

20 phút sau, những hình ảnh về khí cầu khả nghi của Trung Quốc do người dân xung quanh chụp được và đăng tải trên mạng xã hội càng chứng thực kết quả mà Synthetatic đưa ra hoàn toàn chính xác.

Vì vậy, Jaskolski quyết định tập trung phát triển thuật toán này. Anh đã nhập thêm nhiều dữ liệu khí tượng học và ảnh chụp từ mạng xã hội cho hệ thống RAIC (phân loại hình ảnh tự động liên tục) có trong phần mềm. Hệ thống này chuyên dùng để tìm kiếm một lượng lớn ảnh chụp vật thể bất kỳ do người dùng yêu cầu chỉ với một tấm ảnh ban đầu làm mẫu.

Hình ảnh khí cầu Trung Quốc được chụp bởi phi công điều khiển máy bay trinh sát U-2S. Ảnh: Dragon Lady Today.

“Chúng tôi đã xâu chuỗi các hình ảnh theo thời gian và không gian, sau đó bắt tay vào công cuộc tìm kiếm thật sự”, Corey Jaskolski nói. Từng có một lần thành công tìm ra khinh khí cầu trước đó, anh tin rằng phần mềm Synthetiatic hoàn toàn có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình tìm kiếm này nhờ những ảnh chụp thực tế.

Vài ngày sau, hệ thống RAIC của Jaskolski đi vào hoạt động. Startup thuật toán của anh đã tổng hợp hình ảnh vệ tinh, tìm ra 6 điểm mốc khí cầu đã đi qua, sau đó kết hợp với dữ liệu khí tượng học để dự đoán cách khí cầu di chuyển giữa các điểm.

Khu vực truy vết của Jaskolski có bán kính 1 km và đã quét khắp lãnh thổ nước Mỹ để tìm ra vị trí của chiếc khí cầu đáng ngờ. “Dữ liệu cho thấy nó đã đến Canada trước khi hướng đến Nam Carolina và bị bắn hạ tại đây”, anh nói.

Có tiềm năng nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm

Theo Wired, quá trình truy tìm dấu vết của Jaskolski được thực hiện dưới sự hỗ trợ đắc lực của phần mềm thông minh nhưng vẫn cần giới chuyên gia đánh giá thêm. Bản vẽ đường đi khí cầu của anh trông thiếu chuyên nghiệp và quá sặc sỡ với những vòng tròn xanh dương, xanh lá. Mục đích là để bắt chước ảnh chụp từ vệ tinh khi chúng chụp ở những bước sóng ánh sáng khác nhau, cảm biến khác nhau.

Song, khả năng lập bản đồ đường đi khí cầu theo dõi của Trung Quốc với độ chính xác cao như Jaskolski chính là một bước tiến lớn cho lĩnh vực an ninh quốc gia của Mỹ, Arthur Holland Michel, nhà nghiên cứu tại Carnegie Council, nhận định.

“Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và ảnh chụp vệ tinh chính là công nghệ hữu hiệu trong việc theo dõi, gián điệp và phản gián điệp”, chuyên gia cho biết.

Khinh khí cầu rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Nói với Wired, Holland Michel cho biết công nghệ này vẫn còn những hạn chế nhất định. Cách làm của Synthetatic có thể tạo ra những phán đoán sai, kết luận những vật thể bình thường là khí cầu theo dõi. “Mọi vật thể đều trông kỳ lạ khi nhìn từ không gian”, ông nói.

Nhưng ông cho rằng cũng không thể phủ nhận tiềm năng của AI và vệ tinh. Chúng sẽ có ích trong những trường hợp như khinh khí cầu nhưng sẽ cần cân nhắc khi sử dụng trong các trường hợp khác.

Đây cũng là điều Corey Jaskolski đã lường trước. Nhưng nhà khởi nghiệp trẻ cho rằng thành công của dự án này đã chứng minh rằng AI hoàn toàn có thể hỗ trợ con người trong những tác vụ đặc thù như thế này.

“Tôi cho rằng công dụng lớn nhất của AI là khi con người kết hợp với máy móc. Đó cũng là cách chúng tôi tạo ra các sản phẩm của mình”, ông nói. Hiện, công cụ phát hiện khí cầu của ông được sử dụng cho các mục đích nhân đạo như giúp Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tìm nạn nhân gặp nạn trong các đợt thiên tai.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-da-phat-hien-va-truy-vet-khi-cau-trung-quoc-nhu-the-nao-post1407067.html