Khí chất trong bản phối 'Trường Ca'

Là một cuộc triển lãm đặc biệt, diễn ra đến hết ngày 16/12, 'Trường Ca' đưa người xem về hai miền sơn cước với mây núi Hà Giang và Tây Nguyên đại ngàn. Sự phối kết độc đáo ấy được dệt nên từ 140 tác phẩm hội họa của hơn 20 họa sĩ và các em nhỏ miền núi.

Không gian triển lãm lần thứ 5 của chương trình Ngôi Sao Miền Núi tại 29 Hàng Bài.

Mỗi tác phẩm trong “Trường Ca” – tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội trong khuôn khổ dự án giảng dạy mỹ thuật từ thiện có tên “Ngôi sao miền núi” – được thể hiện bằng những chất liệu quen thuộc trong hội họa với sơn mài, sơn dầu, giấy dó… gợi về một câu chuyện, một cảm xúc đặc biệt, đến cả những băn khoăn, trăn trở mà họa sĩ tham dự chương trình “Ngôi sao miền núi” lấy cảm hứng sáng tác từ sau những chuyến đi.

Mỗi họa sĩ mang đến triển lãm một ngôn ngữ hội họa riêng biệt

Triển lãm “Trường Ca” đánh dấu một hành trình 5 năm liên tục của dự án đưa mỹ thuật đương đại tiệm cận với đời sống các dân tộc miền cao bằng việc giảng dạy hội họa, cho các trẻ em miền núi tập làm quen với màu sắc, với cọ vẽ và những đường nét cơ bản, để từ đó các em tự do bay bổng theo khí chất và ngôn ngữ riêng mình.

Đầu năm 2018, hành trình đã đến vùng Cốc Mạ ở Quản Bạ, Hà Giang, đến tháng 06/2018 dự án lần đầu tiên được mở rộng ra khỏi vùng núi phía Bắc để vào các buôn làng Tây Nguyên, với điểm đến là Kon Pring ở Măng Đen, Kon Tum. “Trường Ca” hôm nay là sự đúc kết, nhìn lại chặng đường của một năm đồng hành với “Ngôi sao miền núi”.

Du khách nước ngoài xem một phảng phất Tây Nguyên qua nét vẽ đương đại của họa sĩ Bùi Quốc Khánh

Quách Ngạn Vĩ – người sáng lập của chương trình, cũng là giám tuyển cho “Trường Ca” đã có những chia sẻ cùng phóng viên Thế giới tiếp thị online trong triển lãm rằng: “Ngôi sao miền núi đã bước sang năm thứ 05, chúng tôi tạo nhiều thay đổi so với những năm đầu hoạt động, họa sĩ tham dự không chỉ dạy vẽ, mà còn tạo cảm hứng thông qua trò chơi, qua sinh hoạt thường ngày, giúp trẻ em miền núi thêm gần gũi, thân mật hơn giữa tình thầy – trò.

Chúng tôi không mang đến những áp đặt hay khuôn phép trong nghệ thuật, mà chỉ đưa đến cho các em công cụ, khơi gợi niềm đam mê. Các bài giảng dạy cho các em như một trò chơi, lấy văn hóa địa phương, hoa văn, họa tiết gắn với đời sống dân tộc làm điểm nhấn, chúng tôi chỉ giúp các em cảm nhận về màu sắc để các em tự ý bay theo bản năng riêng mình”.

Quách Ngạn Vĩ - nhà giám tuyển của chương trình Ngôi Sao Miền Núi

Một góc Tây Nguyên do các em nhỏ sáng tác tại triển lãm Trường Ca

“Ngôi sao miền núi” ngày càng thu hút nhiều họa sĩ đương đại tại Hà Nội tham dự, bởi hành trình, không chỉ là chuyện chia sẻ quan điểm mỹ thuật, hội họa, mà còn là những chuyến đi trải nghiệm, khơi gợi nguồn cảm hứng và ý tưởng cho họa sĩ trong các sáng tác mới.

Họa sĩ sơn mài Trần Tuấn Long với 5 năm đồng hành cùng chương trình, đã có những cảm xúc đặc biệt: “Mỗi chuyến đi với chúng tôi là một kỷ niệm, có những địa danh khi chương trình kết thúc, chúng tôi lại tìm cách trở lại vì cảm giác như đã gắn bó với con người – phong cảnh từ lâu lắm rồi.

Chuyến đến Tây Nguyên vừa rồi cũng mang lại nhiều cảm xúc khác lạ, bởi hoàn toàn khác với những gì chúng tôi hình dung. Nét văn hóa bản địa khác hẳn với những hành trình từng tham gia vùng Tây Bắc, nhờ chuyến đi ấy mà tôi cảm nhận thêm nhiều sự tương phản, cùng suy nghĩ mới lạ để đưa vào tác phẩm triển lãm tại Trường Ca”.

Họa sĩ Trần Tuấn Long với tác phẩm “Tiếng Vọng” của Tây Nguyên đại ngàn.

Cực nhọc tìm đến các bản làng xa xôi, lưu trú và giảng dạy hội họa, mỗi chuyến đi chỉ kéo dài trung bình một tuần, hẳn là quá ngắn để các họa sĩ có thể truyền tải những kỹ thuật và ngôn ngữ hội họa của mình cho trẻ em miền núi.

Nhưng cái đọng lại trong tâm hồn các nghệ sĩ tham gia chương trình, đó là những trải nghiệm, những bài học cuộc sống mà nói như họa sĩ Nguyễn Hồng Phương:

“Những điều chúng tôi nhận được từ các chuyến đi, dù rất ngắn so với cả chặng đường làm nghệ thuật, nhưng nó sẽ đồng hành cùng chúng tôi cả cuộc đời, đó là cảm xúc, là tình cảm, là kỷ niệm, là văn hóa, bản sắc, là con người, và hơn hết là nghệ thuật. Đó không chỉ tạo nguồn cảm hứng, mà còn là bài học cuộc sống, một vốn quý không tự dưng có được”.

Các họa sĩ (từ phải sang) Nguyễn Trường Linh, Trần Tuấn Long, Quách Ngạn Vĩ, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Xuân Lục tại triển lãm Trường Ca 2018.

Nhìn trong các tác phẩm tại Trường Ca, có thể cảm nhận ra ngay yếu tố ảnh hưởng của văn hóa bản địa, vùng miền lên các sáng tác mới của họa sĩ sau những chuyến đi 2018. Đó là hình ảnh phiêu lãng, bình dị của miền núi phía Bắc, hay những khắc khoải hoài niệm về một Tây Nguyên xưa mà nay đang dần mai một.

Bên cạnh đó, nhóm tác phẩm được chú ý đến nhiều chính từ thành quả học tập hội họa của các trẻ em miền núi. Những nét vẽ ngây thơ, hoang dã trên nền vải lanh, với tưng bừng, rộn rã của trẻ em Tây Bắc, kết hợp với đường nét giản dị, khiêm tốn của trẻ em Tây Nguyên, tạo thành một chuỗi tác phẩm đặc biệt, được các họa sĩ thể hiện theo ngôn ngữ sắp đặt đương đại, gây cảm hứng và hiệu ứng thị giác mạnh với người xem.

Không gian triển lãm với sắp đặt các tác phẩm vẽ trên nền lanh của trẻ em miền núi

Triển lãm cũng dành ra một không gian giới thiệu các sản phẩm do trẻ em miền núi thực hiện, có thể thấy ở không gian bày bán các túi vải nhỏ xinh, vẽ trang trí lạ mắt, hay sản phẩm trà ép bánh của Hà Giang, những cuộn vải lanh kích thước dài có họa tiết đa dạng…

Giám tuyển Quách Ngạn Vĩ cho biết: “Hoạt động bán sản phẩm cũng là yếu tố mới chúng tôi đưa vào chương trình ở mỗi triển lãm. Các em nhỏ khi tham gia sáng tác, trang trí sản phẩm địa phương, chúng tôi sẽ đưa về bày bán, và phần thu nhập sẽ được gửi trả về từng đơn vị để các em nhỏ có thêm thu nhập trang trải cho việc học tập thường ngày”.

Trà ép bánh từ Hà Giang, hình thức thương mại hóa sản phẩm bản địa để gây quỹ hỗ trợ trẻ em miền núi

Ngoài sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các em nhỏ miền núi cũng đã tạo ra hơn 100 tác phẩm nghệ thuật, với sự giúp sức của họa sĩ tham gia chương trình. Mỗi tác phẩm được đóng khung cẩn trọng, bán với mức giá 1 triệu đồng, với hy vọng mang lại một nguồn thu nhập đáng kể, vừa tạo sinh kế cho trẻ em miền núi, cũng đồng thời giúp người xem cảm nhận về bản năng hội họa, về mỹ cảm trong thế giới trẻ thơ nơi những vùng sâu – xa của tổ quốc.

Tác phẩm của các em nhỏ Hà Giang và Tây Nguyên được bán với mức giá 1 triệu đồng/bức.

Riêng với các tác phẩm sáng tác của họa sĩ, sau khi “Trường Ca” kết thúc, giám tuyển Quách Ngạn Vĩ cho biết bộ tác phẩm này sẽ tiếp tục hành trình sang triển lãm tại Đài Loan.

Đây cũng là một hoạt động thường niên của chương trình “Ngôi sao miền núi” từ năm đầu hoạt động, không chỉ đưa những cảm hứng, ý tưởng, những ảnh hưởng trong văn hóa bản địa đến với mỹ thuật trong nước, mà còn là cơ hội giới thiệu vẻ đẹp ấy đến bạn bè quốc tế có mối quan tâm đến mỹ thuật đương đại Việt.

THIÊN AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/khi-chat-trong-ban-phoi-truong-ca-20396.html