Khi 'chất xám' trở về...

Kêu gọi 'chất xám' trở về cũng là cách mà Nhật Bản và Hàn quốc đã từng thành công, giống như đi tìm 'ong chúa' để xây dựng những tổ ong lấy mật.

Hơn chục ngày nay, câu chuyện trở về của 100 trí thức tinh hoa người Việt từ khắp nơi trên thế giới trong Chương trình kết nối Đổi mới sáng tạo đã làm nức lòng tất cả những người dân quan tâm đến tương lai phát triển nước nhà. Và chỉ sau cuộc gặp gỡ đó ít ngày, 2 “cây đại thụ” tầm cỡ thế giới là GS Vũ Hà Văn, giảng viên Đại học Yale (Mỹ) và Viện sĩ hàn lâm Nga Nguyễn Quốc Sỹ cũng đã về đầu quân cho Vingroup với vai trò viện trưởng Viện Big Data và Viện công nghệ cao Vin hi-tech.

Nức lòng là bởi sau nhiều mô hình tăng trưởng chưa thực sự thành công, giới trí thức trẻ đã thực sự được “lắng nghe”. Cha ông ta thường nói “Đất có lành, chim mới đậu” và sự trở về đó có hiệu quả hay không đang phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta thực thi chính sách trong thu hút người tài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt hơn 100 tài năng người Việt ở nước ngoài tham dự các hoạt động của “Chương trình kết nối Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam” (Ảnh: Vũ Dũng/VOV)

Hơn 100 nhà khoa học thành công ở nước ngoài, già có, trẻ có, dù đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các tập đoàn lớn của thế giới vẫn nhanh chóng thu xếp công việc trong ngày “trở về” theo lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ. Một cuộc họp hừng hực khí thế, sôi nổi từ đầu đến cuối với câu hỏi lớn tất cả vì một Việt Nam thịnh vượng, bắt kịp với xu thế phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0…Trên những gương mặt sáng bừng ấy là khát vọng Việt, là giấc mơ đem công nghệ vào những đổi thay kỳ diệu cho đất nước và cả niềm xúc động nghẹn ngào khi nhắc tới hai tiếng Quê Hương.

Với bất cứ nhà khoa học xa xứ nào, giải được những bài toán đó là nghĩa vụ thiêng liêng và hơn hết, là mệnh lệnh trái tim!

Chưa thể đong đếm, nội cuộc gặp ngày hôm đó sẽ mang lại hiệu quả thế nào cho tương lai phát triển của Việt Nam nhưng sự “lắng nghe” chân thành của các thành viên Chính phủ, lời mời gọi tha thiết của các tập đoàn công nghệ lớn trong nước đã nhen lên niềm hy vọng về một làn sóng trở về của một thế hệ người Việt trẻ tài năng, cùng góp sức vì một Việt nam thịnh vượng. Nhờ sự “lắng nghe” chân thành ấy mà sẽ không dừng lại ở 100 người, rất có thể sẽ là 1000 và thậm chí hàng trăm nghìn người trở về, mỗi người theo cách của riêng họ.

Nhìn lại những “được, mất” của hơn ba chục năm tăng trưởng kinh tế phi mã, lợi thế lớn nhất của nền kinh tế nằm ở chính nguồn nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt, trong khi thế giới đã đi rất xa trong cách mạng công nghiệp 4.0 với những nhà máy tự động hóa hoàn toàn…Nếu không nắm bắt thời cơ vào chính lúc này thì nguy cơ tụt hậu là không cần bàn cãi. Và một trong những thời cơ ấy là kêu gọi “chất xám” trở về…!

Đây không phải là lần đầu tiên diễn ra làn sóng thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài trở về xây dựng quê hương. Cuối những năm 1990, rồi đầu những năm 2000, khá nhiều nhà khoa học đã trở về nhưng sự khác biệt trong môi trường nghiên cứu, sự ì trệ của một số cơ quan hành chính khiến không ít người lại phải ra đi. Đó là hệ quả của việc kêu gọi “chất xám” trở về nhưng chưa tạo được môi trường để “chất xám” phát huy tác dụng.

Chẳng nói đâu xa, Hà Nội khoảng hơn chục năm nay cũng liên tục kêu gọi các thủ khoa đại học ở lại thủ đô làm việc, nhưng tới giờ cũng chỉ có chừng 10% số thủ khoa xuất sắc được tuyên dương nhận lời ở lại. Số nhân lực, tạm gọi là nhân tài đó lại chủ yếu tập trung ở khối văn hóa thể thao trong khi thủ đô đang rất cần nhân tài cho các lĩnh vực khoa học công nghệ, quy hoạch, kiến trúc, giao thông đô thị, di sản văn hóa, công nghệ thông tin…thì tìm chưa thấy!

Lâu nay, khi bàn chuyện thu hút nhân tài, không ít địa phương mới chỉ nghĩ đến “lợi ích ” ưu đãi cho nhà khoa học như trả lương cao, cấp nhà ở và phương tiện đi lại mà không để ý: điều nhà khoa học tài năng quan tâm nhất chính là “quyền”: quyền được tạo lập một môi trường nghiên cứu đúng nghĩa, quyền đưa nghiên cứu của mình ứng dụng vào cuộc sống hiệu quả nhất, quyền được theo đuổi đến cùng đam mê nghiên cứu thay vì nghiệm thu rồi cất vào ngăn kéo....

Kêu gọi “chất xám” trở về cũng là cách mà Nhật Bản và Hàn quốc đã từng thành công. Nói nôm na đó là mô hình đi tìm những “con ong chúa” để xây dựng những tổ ong lấy mật. Chính những “con ong chúa” đó sẽ đi thu hút “ong thợ” để tổ ong lớn mạnh dần lên. Yếu tố quyết định thành công là tạo ra một cơ chế để “ong chúa” quyết định xây tổ ong như thế nào. Bài học về sự lan tỏa đó vẫn luôn mới với Việt Nam trong nỗ lực kêu gọi “chất xám” trở về…!

Mỹ Hà/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/vov-binh-luan/khi-chat-xam-tro-ve-805920.vov