Khi chiếc lò xo bị ép đến tận cùng

Có lẽ chưa từng có kế hoạch hòa bình nào cho Trung Đông bị phản đối dữ dội đến như vậy. Ngày 3-2, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), đại diện cho hơn 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới ra lời kêu gọi 57 nước thành viên không hợp tác và hỗ trợ thực thi những ý tưởng dàn xếp cuộc xung đột Palestine - Israel mà chính quyền Mỹ đưa ra.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông tiếp tục vấp phải sự phản đối

Vấn đề là, lời kêu gọi này sẽ được hưởng ứng đến đâu? Ở mức độ nào? Và kéo dài bao lâu?

Điều không thể nhân nhượng

Có một hình ảnh đầy lay động xuất hiện trước cuộc họp tại trụ sở OIC ở thành phố Jeddah (Saudi Arabia), khi đương kim Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cầm trên tay tấm bản đồ biểu thị những phần lãnh thổ Palestine đã bị tước đoạt theo thời gian kể từ năm 1948, rơi nước mắt và tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Mỹ cũng như Israel (ngày 1-2).

Hình ảnh ấy là một cơn sóng thần cảm xúc ập vào toàn thế giới Hồi giáo, để 2 ngày sau OIC tuyên bố rằng họ “phản đối kế hoạch của Mỹ và Israel, bởi điều này không đáp ứng những nguyện vọng tối thiểu và các quyền lợi hợp pháp của người dân Palestine, cũng như đi ngược lại tiến trình hòa bình”.

Hình ảnh ấy là một sự tuyệt vọng bộc phát, cũng là một lời nhắc nhở: Bất cứ sự khoan nhượng nào cũng chỉ có giới hạn. Chờ đợi mỏi mòn những giải pháp hòa bình dành cho Trung Đông, đến giờ, điều người dân Palestine phải đối diện là gợi ý: “Giải pháp hai nhà nước một cách thực tế” (được chính quyền Mỹ công bố ngày 28-1).

Hình ảnh mang tính biểu tượng về nỗi thống khổ của người Palestine.

Hình ảnh mang tính biểu tượng về nỗi thống khổ của người Palestine.

“Một cách thực tế”, nghĩa là thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện đối với phía Palestine, đồng thời Jerusalem sẽ tiếp tục là "thủ đô không chia cắt" của Israel. Cũng có nghĩa là: Những phần đất (vốn được quy định thuộc về Palestine) mà Israel đã chiếm được sẽ nghiễm nhiên là của họ. Israel sẽ chiếm trọn thành cổ Jerusalem - “thánh địa” của 3 tôn giáo lớn (Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo).

Đầu tiên và cuối cùng, điều khoản này là không thể nhân nhượng, đối với riêng Palestine lẫn cả cộng đồng Arab và thế giới Hồi giáo. Jerusalem không chỉ là một địa danh. Jerusalem còn là một biểu tượng trĩu nặng những trầm tích thiêng liêng của lịch sử. Cộng đồng Arab Hồi giáo cũng không chỉ là những quốc gia riêng biệt. Họ gắn bó khăng khít về chủng tộc - tín ngưỡng và họ chia sẻ niềm tự hào chung về đế quốc Hồi giáo xa xưa của Nhà tiên tri - Giáo chủ Mohammed.

Hơn thế, chấp nhận “giải pháp hòa bình một cách thực tế” này sẽ là bước lùi để phải chấp nhận rằng Cao nguyên Golan cũng là lãnh thổ hợp pháp của Israel chứ không phải là lãnh thổ chiếm đóng tước đoạt từ chiến tranh với Syria, tương tự là cả vùng Bờ Tây (sông Jordan) và Dải Gaza.

Chính vì vậy, OIC nhấn mạnh hòa bình sẽ chỉ đạt được khi Israel chấm dứt việc chiếm đóng, cũng như rút quân khỏi lãnh thổ của nhà nước Palestine, mà cụ thể là thành phố Jerusalem và các vùng lãnh thổ khác của quốc gia Arab này bị chiếm sau cuộc chiến tranh năm 1967.

Và ngay từ ngày 31-1, Palestine đã dừng việc tuân thủ những thỏa thuận đã ký kết với phía Israel trước đây, khi vẫn còn tin tưởng vào tương lai của “giải pháp hai nhà nước”. Có thể tin rằng sớm thôi, lửa xung đột sẽ lại bùng lên. Những nhóm vũ trang như Hamas sẽ lại cầm vũ khí.

Lửa phản kháng lại bùng lên...

Sức ép từ bên kia đại dương

Cộng đồng Arab và thế giới Hồi giáo phản đối dữ dội. Dư luận quốc tế nghi ngại. Ngay cả trong nội bộ chính trường Mỹ, “giải pháp hòa bình mang tính thực tế” đó cũng bị đem ra mổ xẻ và công kích. Tuy nhiên, chính những điều đó lại càng khiến khả năng tháo gỡ mâu thuẫn này trở nên mịt mờ.

Không nên quên, hiện đã là năm 2020 và cuối năm nay là cuộc đua mà cả thế giới quan tâm: Cuộc đua vào Nhà Trắng.

Các ứng viên đảng Dân chủ đang có một cơ hội để chỉ trích đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng trên thực tế, theo kết quả khảo sát mới nhất, ông lại vừa đạt được tỷ lệ ủng hộ lên tới 49% - cao nhất kể từ khi đắc cử. Nói cách khác, viễn cảnh Nhà Trắng không đổi chủ sau tháng 12-2020 là hoàn toàn thực tế.

Và nếu điều đó xảy ra, chẳng có gì ngăn cản vị tổng thống đó tiếp tục chính sách đối ngoại gây tranh cãi của mình, dưới lá cờ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” như ông vừa tái khẳng định trong thông điệp liên bang. Chẳng có gì ngăn ông tiếp tục ủng hộ đến mức thiên vị Israel một cách rõ rệt, bất chấp sự phẫn uất tích tụ của người Palestine. Chẳng gì ngăn ông thể hiện uy quyền và sức mạnh áp chế của nước Mỹ theo cách mà ông chọn: Giáng những đòn trừng phạt kinh tế ghê gớm đến lụn bại vào bất cứ ai trái ý, kể cả kẻ thù lẫn bằng hữu.

Trong một bối cảnh như vậy, những đối tác kinh tế, những đồng minh thân thiết của Mỹ ở Trung Đông - cũng là những thành viên chủ chốt của OIC và Liên đoàn Arab (AL), thí dụ như Saudi Arabia hay Jordan - liệu có đủ kiên định để tiếp tục sát vai với Palestine, phản kháng bản kế hoạch hòa bình “kém cỏi nhất thế kỷ” - như đánh giá của Tổng thống Iran (quốc gia Hồi giáo khác hệ phái, và không thuộc chủng tộc Arab) Hassan Rhouhani?

...và người Palestine sẽ không từ bỏ cuộc chiến đấu không cân sức của mình.

Ván cờ để ngỏ

Dĩ nhiên, bởi vì đây mới chỉ là một kế hoạch đề xuất, chưa phải là một quyết định chính thức nên nước Mỹ vẫn luôn có “đường lui”. Mặc dù vậy, ngược lại, nếu không phải nhận sức phản chấn đủ mạnh, có thể tin rằng kế hoạch này vẫn sẽ được ráo riết tiến hành, để đặt tất cả vào một sự đã rồi. Và để cụ thể hóa lời kêu gọi đoàn kết với Palestine của mình, OIC cần một chương trình hành động thiết thực.

Những sự hỗn loạn chắc chắn sẽ xảy đến, có thể đến tầm mức của một cuộc chiến tranh nhỏ, như “cuộc chiến tranh mùa hè” kéo dài 50 ngày năm 2014. Người Palestine chưa từng từ bỏ cuộc chiến đấu của mình, họ chỉ tìm kiếm những giải pháp khác. Tuy nhiên, chênh lệch về sức mạnh giữa họ với các lực lượng cảnh sát và quân đội Israel là không thể san lấp.

Điểm này hoàn toàn có khả năng trở thành cánh cửa để ngỏ cho các thế lực quốc tế nhúng tay vào bàn cờ, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn nữa. Chúng ta không chỉ đang đề cập đến những tính toán gia tăng ảnh hưởng của các đại cường, của các cường quốc khu vực, của những người bạn thân thiết với phương Tây hay những kẻ thù không đội trời chung với Israel. Có lẽ, chúng ta còn phải kể đến cả những lực lượng Hồi giáo cực đoan và những tổ chức khủng bố - các chuyên gia khích động, gieo rắc và sử dụng lòng thù hận tại các cộng đồng.

Vai trò của Liên Hiệp Quốc - thiết chế quyền lực lớn nhất thế giới trên danh nghĩa, một lần nữa lại bị thử thách. Rõ ràng, Liên Hiệp Quốc có cơ sở pháp lý để phân định chủ quyền lãnh thổ ở khu vực này, chiểu theo các văn bản đã được ký kết kể từ năm 1948. Thế nhưng, Liên Hiệp Quốc lại không có công cụ và chế tài để áp chế các bên. Hay nói đúng hơn, những kẻ mạnh không quan tâm đến các luật lệ và chế tài đó.

Là kẻ mạnh, Israel đã không ngừng chiếm hữu lãnh thổ nống ra, từ phần đất ít ỏi mà họ đã chiến đấu dũng mãnh để có được ngày lập quốc, năm 1948.

Là kẻ mạnh, Mỹ sẵn sàng mặc kệ tất cả mọi phản ứng của dư luận thế giới.

Đối diện với họ, Palestine, AL và OIC giống như chiếc lò xo đã và đang bị dồn ép đến tận cùng. Có thể nó sẽ bật lại với toàn bộ sức mạnh.

Nhưng cũng có thể nó sẽ không chịu nổi áp lực và gãy vụn...

Đông Phong

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/khi-chiec-lo-xo-bi-ep-den-tan-cung-581423/