Khi chiến sĩ trở về...

Sau những ngày Tết bên gia đình, các quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về với cuộc sống thường nhật cùng mưu cầu lập thân, lập nghiệp cũng như lo chuyện cơm-áo-gạo-tiền.

Để họ sớm tìm được việc làm phù hợp, ổn định rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền, đoàn thể các địa phương trong tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề. Đó mới chỉ là bước đầu, còn để đứng vững, tiến tới khẳng định bản thân thì không ai khác-chính mỗi cựu quân nhân phải thể hiện được mình bằng bản lĩnh đã tôi rèn qua hai năm quân ngũ. Bởi trong mọi cơ hội luôn luôn có những thách thức, khó khăn và cám dỗ phải vượt qua.

Niềm vui mong muốn nhanh chóng được trở về với gia đình, sớm ổn định cuộc sống sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Ảnh: Việt Trung

Niềm vui mong muốn nhanh chóng được trở về với gia đình, sớm ổn định cuộc sống sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Ảnh: Việt Trung

Hai năm rèn luyện trong môi trường quân ngũ giúp thanh niên chín chắn, trưởng thành hơn về nhiều mặt. Nhưng như thế là chưa đủ để mỗi cựu quân nhân thích ứng, bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội, nhất là trên thương trường nếu thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, liên tục. Cơ hội việc làm, đầu tư, kinh doanh làm giàu mở ra ngày càng nhiều nhưng cũng kéo theo đầy cạm bẫy với hàng loạt chiêu trò, mánh khóe lừa gạt tinh vi. Nếu nóng vội làm giàu, họ rất có thể "cháy túi", trở thành nạn nhân, thậm chí là tòng phạm của những trò, như đầu tư tài chính đa cấp, bất động sản số, tiền ảo, việc nhẹ lương cao... khiến mơ ước làm giàu tiêu tan, rơi vào vòng xoáy nợ nần, vướng vòng lao lý. Thay vào đó, bộ đội xuất ngũ cần cẩn trọng lựa chọn ngành nghề, hướng đi phù hợp với khả năng của mình, nhất là tìm cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đồng thời, mỗi cựu quân nhân phải xây dựng kế hoạch tổng thể, đặt ra mục tiêu cụ thể và không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong lao động nhằm đạt được mục tiêu đó; chịu khó học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm; xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật; nâng cao khả năng giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình lao động.

Cho dù thành công hay thất bại, mỗi cựu quân nhân cần bình tĩnh, tập trung phân tích, đánh giá thời cơ, thách thức; những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân để đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn, bối cảnh kinh tế-xã hội. Những tấm gương cựu quân nhân, cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, trở thành doanh nhân nổi tiếng như: Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành; Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tuần Châu; Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed... là minh chứng rõ nét cho điều đó. Để có được những kết quả như ngày hôm nay, họ đều phải trải qua nhiều trắc trở, đắng cay ngọt bùi.

Làm giàu là mơ ước chính đáng của mỗi người. Vì thế, hãy ước mơ thật lớn nhưng nên bắt đầu từ những việc nhỏ, bằng chính khả năng, sức lao động và khối óc của mình. Quan trọng hơn là dù thành công hay không, làm việc, công tác ở lĩnh vực, ngành nghề nào, mỗi cựu quân nhân hãy xây dựng cho mình lối sống kỷ luật, luôn thượng tôn pháp luật. Đó là cách tốt nhất để giữ mình, giữ hình ảnh người chiến sĩ - Bộ đội Cụ Hồ và vượt qua những cạm bẫy trong cuộc sống.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khi-chien-si-tro-ve-716683