Khi con gà là 'đầu cơ nghiệp'

Nghe tiếng gọi gà: 'Cúc cù cu...' của chủ, những chú gà mái mơ, gà trống tía từ trong các bụi cây vội chạy về phía chủ nhân đang đứng với rá hạt thóc trên tay, chỉ mấy con gà mái đang nằm ấp trứng trong ổ là vẫn kiên trì để 'gieo mầm' cho tương lai. Nhìn đàn gà béo tròn, lông ánh mượt vây quanh chân chủ, cặm cụi mổ từng hạt thóc trong niềm vui, nụ cười rạng rỡ của bác nông dân Phan Văn Chương làm chúng tôi cảm nhận về những chú gà đã và đang mang về bao điều đổi thay cho cuộc sống của bác, một con người trọn cuộc đời neo mình nơi non cao miền biên viễn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng trao đổi với ông Phan Văn Chương. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Đoạn cuối giai điệu trầm

Con đường ngược lên xã biên giới Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình cứ thăm thẳm, len lỏi giữa hai vách núi đá vôi sừng sững. Núi cao, rừng nhiều nhưng đất sản xuất lại ít, khoảng cách địa lý kết nối với miền xuôi xa quá nên cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đỉnh non cao, phía đầu nguồn con suối xã Hóa Sơn vẫn lận đận trong cảnh đói nghèo.

Có thời, người dân Hóa Sơn đã chế lại lời một bài hát để “than” về cái khó, cái nghèo của quê mình rằng “Hóa Sơn, cái núi thì cao, cánh rừng thì rộng mà sao căn nhà thì nhỏ, bát cơm lại vơi”. Khi mọi nơi chuyển mình, Hóa Sơn cũng không ngồi yên, song để bứt phá thoát ra được sự nghèo đói cần rất nhiều điều kiện bổ trợ mà Hóa Sơn thì cái gì cũng thiếu. Chính vì lẽ đó mà công cuộc “thoát nghèo” của Hóa Sơn càng cam go hơn, người dân muốn “thoát nghèo” càng phải phấn đấu gấp nhiều lần hơn so với những nơi khác.

Từ khi có Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hóa Sơn đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ rất nhiều, bộ mặt của địa phương đã và đang có nhiều sự đổi thay theo thời gian. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hộ dân do nhiều lý do khác nhau mà họ vẫn loay hoay tìm lối thoát nghèo. Họ thiếu vốn, thiếu nhân lực hay thiếu đi một mô hình sinh kế phù hợp? Với những hộ nghèo thì họ thiếu toàn bộ các yếu tố cần và đủ để phát triển kinh tế gia đình.

Nắm bắt được “cái thiếu, cái cần” của người dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình đã “mở” đợt tổng điều tra về nhu cầu của người dân trên địa bàn phụ trách. Sau khi mô hình trồng cây lúa nước cho đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa rất thành công, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã “chuyển hướng” sang xã Hóa Sơn với mô hình chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng để mở lối thoát nghèo cho người dân.

Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên đồn cho biết: “Việc tìm dự án, mô hình giúp dân chưa phải là quá khó, song để dự án, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực và lâu bền thì không hề dễ tý nào. Với mô hình chăn nuôi gà, cán bộ đơn vị tiến hành khảo sát địa bàn, hộ nào đảm bảo đầy đủ các yếu tố về chuồng trại, diện tích đất vườn, nhân lực... thì chúng tôi mới “duyệt” để hộ đó được thụ hưởng dự án, mô hình. Sau đó, cán bộ đơn vị đến tận nhà nghiệm thu chuồng nuôi đúng quy cách, đảm bảo vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường, khi ấy chúng tôi mới cấp con giống cho gia đình nuôi”.

Ông Phan Văn Chương rất vui khi nhìn thấy đàn gà phát triển. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Nụ cười vui trên khuôn mặt người nông dân

Thượng úy Bùi Văn Hải, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng Cà Xèng chở tôi trên chiếc xe máy, bám theo con đường uốn cong cùng sườn núi để tìm đến nhà ông Phan Văn Chương, thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn. Nhìn thấy chúng tôi, ông Chương chạy vội ra đón với cái bắt tay nồng chặt và nụ cười rạng ngời trên nét mặt người nông dân 62 tuổi này.

Ông xởi lởi: “Chào các chú! Mời các chú vô nhà uống chén nước chè xanh đã. Nắng ri mà mấy chú cũng ghé thăm, quý hóa quá. Gà nuôi tốt lắm, các chú ơi. Vừa rồi tôi bán lứa đầu được 20 triệu đồng, còn 6 con đang ấp trứng và 40 con tôi để nuôi. Số tiền ấy, tôi mua vật liệu về làm mái che trước nhà để trời mưa khỏi tạt. Mới hôm trước họp thôn, gia đình tôi được ra khỏi hộ cận nghèo rồi mấy chú”. Qua cách ông đón tiếp cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng đến thăm gia đình, tôi hiểu được ông Chương vui như thế nào khi thụ hưởng được thành quả từ mô hình sinh kế của Đồn Biên phòng Cà Xèng.

Trước đó, vào tháng 10-2017, gia đình ông Chương cùng với 5 hộ dân khác của xã Hóa Sơn được nhận 150 con gà giống cho mỗi hộ, kèm theo đó là thức ăn và thuốc thú y từ Đồn Biên phòng Cà Xèng và Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Bình trao tặng để triển khai mô hình chăn nuôi gà tại gia đình. Sau 9 tháng chăm bẵm với sự quản lý, theo dõi chặt chẽ, sự hỗ trợ về nhiều mặt của cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, cả 6 hộ dân thụ hưởng mô hình này đã thu về từ việc bán gà 91,65 triệu đồng.

Thiếu tá Nguyễn Minh Việt, cán bộ tăng cường giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết thêm: “Sau khi tiếp nhận 900 con gà giống cùng với thức ăn, thuốc phòng dịch, đơn vị đã phân bố cho 6 hộ ở 5 thôn, bản có đủ các điều kiện để xây dựng mô hình chăn nuôi. Cán bộ đồn hằng ngày đến hướng dẫn kỹ thuật trộn tỷ lệ thức ăn, ghi chép cụ thể lượng thức ăn còn hay hết, sức khỏe của đàn gà, lịch tiêm phòng dịch bệnh. Hằng tuần, tiến hành cân từng con để theo dõi trọng lượng... Mỗi hộ được nhận 8 bao thức ăn, song đơn vị không cấp hết một lần vì lo người dân bảo quản không tốt, dễ bị mốc hoặc cho gà ăn vượt quá quy định mà chỉ cấp mỗi lần 2 bao, khi nào sử dụng hết theo đúng thời gian quy định thì sẽ được cấp tiếp”.

Việc chọn con giống cũng rất kỹ lưỡng, trực tiếp cán bộ đồn đến tận cơ sở sản xuất con giống để chọn qua sự tư vấn của cán bộ chuyên môn thú y. Chặt chẽ như vậy, nên tỷ lệ gà nuôi sống của các hộ dân được cấp gà đạt trên 90% và sau 2 tháng nuôi có con đã đạt 1,3kg.

Quyết giữ mô hình

Một số người dân địa phương cho biết, trước đây cũng có dự án cấp gà giống cho các hộ dân, mỗi hộ gần 150 con gà giống, cả thức ăn, thuốc thú y, song không hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên chỉ sau 10 ngày, có hộ chỉ còn lại 30 con.

Thấy việc nuôi gà không đem lại hiệu quả kinh tế nên người dân không mấy mặn mà. Rút kinh nghiệm, lần này Đồn Biên phòng Cà Xèng triển khai mô hình nuôi gà xóa đói giảm nghèo một cách chặt chẽ hơn từ khâu làm chuồng trại, con giống đến việc tiêm phòng, vệ sinh phòng dịch, tỷ lệ thức ăn... nên bước đầu đã đem lại hiệu quả cho bà con. Ngoài số gà đã bán thì hiện, số gà còn lại để nuôi tái đàn là 129 con và gà đẻ trứng là 200 con.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, rất nhiều gia đình của xã Hóa Sơn mong muốn được nhân rộng mô hình này và được BĐBP hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật. Để giữ mô hình và tăng thêm giá trị thương mại, Đồn Biên phòng Cà Xèng đang tiến hành thử nghiệm lai ghép với giống gà bản địa, nếu thành công thì sản phẩm bán ra thị trường sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.

Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng khẳng định: “Sau mô hình cây lúa nước giúp đồng bào Rục xã Thượng Hóa thoát nghèo, chúng tôi sẽ quyết tâm giữ mô hình chăn nuôi gà, góp phần giúp người dân Hóa Sơn thoát nghèo bền vững. Khi cuộc sống ổn định, bà con sẽ tin tưởng và chung sức cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khi-con-ga-la-dau-co-nghiep/